Vào nội dung chính
KHỦNG HOẢNG UKRAINA

Trừng phạt quan chức Nga : Bruxelles công bố danh sách thứ hai

Khủng hoảng tại Ukraina được thể hiện qua các biện pháp « trả đũa từng bước » trong quan hệ giữa Tây phương và Nga. Hôm qua 20/03/2014, Washington đã ra tay mạnh nhất, đánh thẳng vào quyền lợi của các cộng sự viên thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong đó có Chánh Văn phòng phủ Tổng thống Serguei Ivanov. Vài giờ sau, từ Bruxelles, Liên Hiệp châu Âu thêm vào danh sách trừng phạt 12 nhân vật Nga và Ukraina thân Nga. Tổng số nhân vật bị chiếu cố là 33 trong danh sách của Bruxelles và 31 người trong danh sách của Mỹ.

Lãnh đạo 28 thành viên dự Thượng đỉnh Châu Âu tại Bruxelles, 20/03/2014
Lãnh đạo 28 thành viên dự Thượng đỉnh Châu Âu tại Bruxelles, 20/03/2014 REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Theo tổng thống Pháp François Hollande, hai danh sách trừng phạt của Mỹ và Châu Âu gần như nhau và nhắm vào các nhân vật có « can dự vào tiến trình được gọi là trưng cầu dân ý » sáp nhập Crimée vào nước Nga.

Nga đã phản ứng lại, cũng công bố danh sách riêng, trừng phạt ba cố vấn của Tổng thống Mỹ và một số nghị sĩ trong đó có Thượng Nghị sĩ John McCain, bị phong tỏa tài sản ở Nga ( ?) và đi du lịch ở Nga.

Liên Hiệp Châu cũng đang chờ phản ứng trả đũa tương tự.

Từ Bruxelles, thông tín viên Guillaume Naudin phân tích chiến thuật của Liên Hiệp Châu Âu:

Trong thời chiến tranh lạnh, các nhà chiến lược sử dụng từ « trả đũa từng bước » phù hợp theo mức độ tấn công của đối phương. Lần này, sau khi loại trừ biện pháp quân sự, Liên Hiệp Châu Âu cũng áp dụng chiến thuật « trả đũa từng bước » với Nga để đáp trả thái độ thô bạo của điện Kremlin trên hồ sơ Ukraina.

Để có được tiếng nói thống nhất, Liên Hiệp Châu Âu đã làm theo kế hoạch dự kiến ban đầu. Sau khi ban hành biện pháp trừng phạt nhắm vào cá nhân 21 nhân vật Nga và Ukraina thân Nga, phong tỏa tài sản và cấm visa, danh sách được bổ sung 12 người nữa, tổng cộng 33 người, gần như không khác gì danh sách của Mỹ.

Cho đến bây giờ, theo lập luận của Châu Âu, giải pháp trừng phạt kinh tế và thương mại chỉ được tính đến trong trường hợp tình hình xấu thêm. Mục đích của Liên Hiệp Châu Âu là khuyến cáo điện Kremlin không được quá trớn, xâm phạm đến các vùng lãnh thổ khác của Ukraina sau khi kiểm soát Crimée. Điều này cũng nhằm mục đích thúc đẩy Matxcơva đối thoại về việc để quan sát viên của tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE hoạt động trên toàn lãnh thổ Ukraina . Nếu Nga từ chối, thì Liên Hiệp Châu Âu sẽ đơn phương lập đoàn quan sát viên OSCE.

Tạm thời, Liên Hiệp Châu Âu ký với Ukraina thỏa thuận chính trị trong hiệp định liên kết Kiev - Bruxelles. Nói cách khác, Châu Âu chính thức công nhận chính quyền lâm thời tại Ukraina dù cho Tổng thống Pháp có tuyên bố, điều đó không có nghĩa là Ukraina đã trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.