Vào nội dung chính
KHỦNG HOẢNG UKRAINA

Bốn kịch bản can thiệp quân sự của Nga tại Ukraina

Dự báo khả năng Nga dùng sức mạnh, Le Figaro có bài « Bốn kịch bản cho cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Ukraina », dẫn lại các nhận định của Rusi (Royal United Services Institute), một trung tâm tư vấn về an ninh và quốc phòng của Anh Quốc.

Tổng thống Nga trong một cuộc tập trận gần đây.
Tổng thống Nga trong một cuộc tập trận gần đây. Reuters
Quảng cáo

Tình hình Ukraina đầu tuần này tiếp tục nóng lên với các cuộc chiếm lĩnh trụ sở chính quyền địa phương ở một số tỉnh miền đông, sát biên giới với Nga. Tờ Le Figaro có bài « Tại miền Đông Ukraina, sự kích động của những người thân Nga tạo cơ hội đáng lo ngại cho việc Matxcơva dùng vũ lực can thiệp ».

Tại Donetsk, những người chủ trương ly khai yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc thành lập « nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk » vào ngày 11/05/2014, và dự định yêu cầu Matxcơva đưa « lực lượng gìn giữ hòa bình », trong trường hợp bị chính quyền Kiev - mà họ không công nhận - gây hấn. Cảnh sát Ukraina được lệnh không dùng sức mạnh chống lại người biểu tình… Chính quyền Kiev cáo buộc Nga đang chuẩn bị giai đoạn thứ hai nhằm giải thể quốc gia Ukraina, với ý đồ tái diễn một kịch bản Crimée tại miền Đông nước này.

Theo tổ chức OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu), 40.000 quân Nga đang tập trung tại vùng biên giới với Ukraina, bất chấp việc phương Tây liên tục đưa ra các khuyến cáo.

Dự báo khả năng Nga dùng sức mạnh, Le Figaro có bài « Bốn kịch bản cho cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Ukraina », dẫn lại các nhận định của Rusi (Royal United Services Institute), một trung tâm tư vấn về an ninh và quốc phòng của Anh Quốc. Royal United Services Institute dự đoán nhìn chung quân đội Ukraina, với 70.000 binh sĩ, trang bị tương đối kém, sẽ không có khả năng triển khai nhanh chóng và đủ sức để đối phó với cuộc tấn công của khoảng 50.000 lính Nga có mặt tại các vùng biên giới. 

Theo kịch bản thứ hai, quân Nga tại miền đông nam sẽ ngầm can thiệp để gây rối loạn tại khu vực biên giới tạo cớ cho cuộc hành quân nhằm lập ra một khu vực hành lang, nối liền bán đảo Crimée phía nam với vùng Donetsk ở phía đông. Kịch bản thứ ba là phần nối dài của kịch bản thứ hai, theo đó, toàn bộ khu vực Nam và Đông Ukraina bị Nga chiếm đóng. Còn theo kịch bản cuối cùng, cuộc tấn công của Nga sẽ đến từ phía tây (vùng Transnistria nói tiếng Nga thuộc Moldova). Theo trung tâm tư vấn quốc phòng và an ninh Anh Quốc, cuộc tấn công này « sẽ làm thay đổi hiện trạng của khu vực Hắc Hải, trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với trật tự Châu Âu ».

Rất có khả năng Nga sẽ tiến hành tấn công trong tháng Năm tới. Trên thực tế, từ ba tuần nay, các lực lượng Nga đã ở trong trạng thái báo động và sẵn sàng hành động.

Châu Âu thận trọng trước cuộc tấn công khí đốt của Nga chống Ukraina

Cũng về hồ sơ Ukraina, Le Monde có hồ sơ trên trang nhất : « Ukraina: Châu Âu lo ngại một ‘‘cuộc chiến tranh khí đốt mới’’ », với hàng tít phụ : « Việc tập đoàn khí đốt Nga Gazprom tăng giá năng lượng làm ngạt thở một đất nước đang trên bờ phá sản ». Để giúp Kiev bớt phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Châu Âu hứa sẽ cung cấp cho Ukraina, lấy từ một phần khí đốt mà Nga cung cấp cho Châu Âu. Tuy nhiên giải pháp này gặp trở ngại là đi ngược lại với thỏa thuận giữa Châu Âu và Gazprom.

Trên mặt trận này, cũng như về vấn đề trừng phạt nhắm vào Nga, nhóm 28 nước Châu Âu có một thái độ thận trọng, tránh có thêm các biện pháp làm Nga tức giận. Châu Âu đang nỗ lực để đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí đốt, nhằm không để trở thành nạn nhân cho các trả đũa từ Nga. Hiện tại 60% lượng khí đốt từ Nga qua Châu Âu là qua ngả Ukraina. Trong tương lai, Châu Âu cố gắng để sẽ chỉ còn khoảng 1/4 lượng khí đốt qua Ukraina. Nga từng hai lần khóa đường ống khí đốt qua Ukraina vào năm 2006 và 2009, khiến nhiều nước Trung Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng.

Bầu cử Ấn Độ : Những ưu thế của lãnh đạo đảng Nhân dân cánh hữu

Nhìn sang Châu Á, cuộc bầu cử Quốc hội Ấn Độ, kéo dài từ nay đến 12/05, tiếp tục là một chủ đề chính của báo chí Pháp. Tờ La Croix có bài phỏng vấn đáng chú ý mang tựa đề « Ấn Độ ở một bước ngoặt » với nhà nghiên cứu Christophe Jaffrelot, chủ biên cuốn sách « Ấn Độ đương đại từ 1990 đến nay », vừa xuất bản. Nhà nghiên cứu Pháp phân tích nhiều lý do chính có thể dẫn đến thắng lợi cho ông Narendra Modi, lãnh đạo đảng Nhân dân Ấn Độ (Bharatiya Janata), nguyên Thống đốc bang Gujarat, một người vốn xuất thân từ đẳng cấp thấp.

Theo tác giả cuốn « Ấn Độ đương đại… », lãnh đạo đảng Nhân dân là hóa thân cho một gương mặt mới trong đời sống chính trị của nền dân chủ đông dân nhất thế giới (với hơn 800 triệu cử tri). Lãnh đạo đảng cánh hữu nói trên, một doanh nhân thành đạt, nhận được sự ủng hộ của các cử tri thuộc tầng lớp trung lưu, giới làm nông khá giả và dân cư các đẳng cấp thấp đang trong quá trình đô thị hóa và thăng tiến xã hội.

Trả lời cho câu hỏi, tại sao các phát biểu mang « tính chất độc đoán » và đề cao « chủ nghĩa tự do » của nhà lãnh đạo này lại được giới trung lưu lắng nghe, nhà nghiên cứu giải thích « giới trung lưu hiện nay đã mệt mỏi với các cuộc tranh luận nghị trường và hy vọng có nhiều kỷ luật hơn, nếu như điều này cho phép thúc đẩy tăng trưởng ». Nhà nghiên cứu Pháp cũng lưu ý « không nên đánh giá thấp sức hấp dẫn (đối với một bộ phận dân chúng Ấn Độ ) của mô hình Trung Quốc, kết hợp chủ nghĩa độc tài và tự do kinh tế. Ông Modi thể hiện là nhà lãnh đạo có khả năng tái thúc đẩy nền kinh tế. Ông ta cũng là hiện thân cho một chủ nghĩa Ấn giáo cứng rắn, đủ sức bảo vệ cộng động Ấn giáo chống lại đe dọa khủng bố Hồi giáo từ Pakistan »…

Nhà nghiên cứu cũng bày tỏ lo ngại về chủ trương « nông thôn hóa đô thị » của lãnh đạo đảng Nhân dân (có thể dẫn đến chỗ lý tưởng hóa truyền thống văn hóa làng cổ xưa, thay vì chú ý xây dựng đô thị hiện đại), dựa trên tâm lý lo ngại phổ biến trong xã hội Ấn Độ về một quá trình đô thị hóa đang diễn ra quá nhanh và hỗn loạn.

Tầu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc lần đầu đón khách nước ngoài

Cũng liên quan đến thời sự Châu Á, Le Figaro chú ý đến việc ngày hôm qua, lần đầu tiên Trung Quốc đón một khách nước ngoài trên tầu sân bay Liêu Ninh, biểu tượng cho tham vọng trên đại dương của Trung Quốc, qua bài « Lãnh đạo Lầu Năm góc trên tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh ». Le Figaro nhắc lại Hoa Kỳ lo ngại ảnh hưởng suy yếu của Mỹ tại Thái Bình Dương, sau khi Nga sáp nhập Crimée có thể khiến Trung Quốc có những hành động mạo hiểm trong các tranh chấp chủ quyền tại vùng biển bao quanh nước này. Chủ nhật vừa qua, tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo Bắc Kinh về mọi hành động đơn phương tại khu vực này.

Pháp: Cần mở lại các lưu trữ về cuộc diệt chủng Rwanda

Khủng hoảng ngoại giao Pháp – Rwanda là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp. Sau bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Rwanda lên án can dự của nước Pháp trong cuộc diệt chủng 1994 (từ tháng 4 đến tháng 7/1994), Paris hủy bỏ chuyến công du của Bộ trưởng Tư pháp tới Rwanda tham dự lễ tưởng niệm 20 năm biến cố lịch sử này.

Thảm sát tại Rwanda, khiến khoảng 800.000 người Tutsi (một sắc tộc thiểu số tại quốc gia này) thiệt mạng, được coi là một trong những cuộc diệt chủng tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại hiện đại. Theo xã luận của tờ Le Monde, « từ Vichy đến chiến tranh Algérie, cần đến hàng thập niên nước Pháp mới có khả năng đối mặt với các sự thật gây khó chịu và có thể soi sáng các trang tăm tối trong lịch sử của chính mình. Hai mươi năm đã trôi qua » « đã đến lúc phải mở các kho lưu trữ để thiết lập lại sự thật ».

Về vấn đề này, báo l’Humanité có hồ sơ mang tựa đề « Rwanda : ‘‘Tôi cáo buộc’’ », nhấn mạnh sự kiện tháng 4/1994, đặc phái viên tờ báo đã có mặt tại chỗ chứng kiến thảm kịch này và 20 năm sau, chính người phóng viên này đứng ra làm chứng để cáo buộc những nhà chức trách người Pháp.

Trong khi đó, Le Figaro khẳng định « Rwanda : Nước Pháp không phải là đồng phạm », dù thừa nhận : « sự vụng về không thể phủ nhận được mang tính chiến lược và chiến thuật của nước Pháp » trong biến cố này. Theo Le Figaro, khẳng định Pháp là đồng phạm không khác gì cáo buộc Hoa Kỳ đồng lõa về tội ác diệt chủng đối với người Do Thái của phát-xít Đức, vì từ chối tuyên chiến với chế độ quốc xã, và tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác công nghiệp với Đức mãi tận đến khi Nhật tấn công Trân Trâu Cảng.

Về thái độ của nước Pháp, báo Libération dẫn lời đạo diễn Raphael Gkucsmann (tác giả một bộ phim tài liệu về cuộc diệt chủng Rwanda), với câu hỏi « phải 50 năm sau Nhà nước Pháp mới thừa nhận vai trò của chế độ Vichy trong việc tiếp tay cho chính sách diệt chủng người Do Thái của chế độ Đức quốc xã, và 40 năm sau để gọi cuộc chiến Algérie bằng đúng tên của nó, thì cần phải bao nhiêu thời gian nữa để các nhà lãnh đạo của chúng ta ngừng tức giận khi người ta gợi ra vai trò im lặng tội phạm của Pháp trong cuộc thảm sát Rwanda ? ».

Tuy nhiên, Rwanda không chỉ là đất nước chịu thảm họa diệt chủng cách đây 20 năm. Le Monde dành toàn bộ 8 trang của phụ trương của tờ báo để nói về đất nước đang hy vọng trở thành một « Singapore của Châu Phi ». Rwanda, trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới « Doing Business 2014 », đứng thứ 32 trên thế giới và đứng thứ hai ở Châu Phi.

Pháp : Tân thủ tướng Valls tìm đâu ra 50 tỉ euro ?

Về thời sự nước Pháp, diễn văn đầu tiên của tân Thủ tướng Manuel Valls là tâm điểm của các nhật báo hôm nay.

Les Echos chạy tít « Berlin gượng nhẹ với Paris, trước bài diễn văn quan trọng của tân Thủ tướng », lưu ý đến tân chính phủ Pháp phải đối mặt với các đòi hỏi trái ngược, giữa một bên là thái độ ngày càng phê phán của đảng Xã hội chiếm đa số tại Quốc hội đối với chính phủ, một bên là việc Ủy ban Châu Âu đòi hỏi Paris phải tuân thủ chính sách giảm thiểu thâm hụt công.

« Chính sách khắc khổ. Điều mà Valls sẽ không nói » là tựa trang nhất báo Libération, với hàng tựa nhỏ : « Tìm đâu ra 50 tỉ euro tiết kiệm ? Vấn đề chủ chốt của thỏa thuận trách nhiệm sẽ là nhân vật vô hình trong bài diễn văn dài của Manuel Vals, chiều nay tại Quốc hội ». Điều mà tờ báo cánh tả muốn nhấn mạnh là tân Thủ tướng phải có nghĩa vụ giải thích một cách thẳng thắn và rõ ràng ông định tiết kiệm khoản tiền 50 tỉ euro, mà Tổng thống Hollande hứa hẹn, bằng cách nào.

Trong khi đó, báo đối lập Le Figaro chạy tựa lớn : « Manuel Valls : thời khắc của sự thật », nhấn mạnh rằng người Thủ tướng phải lựa chọn giữa một bên là các đòi hỏi kinh tế và bên kia là đòi hỏi của phe cánh mình. Xã luận Le Figaro đưa ra « Ba lời khuyên cho Manuel Valls ». Tờ báo khuyên tân Thủ tướng nên trước hết hãy là chính mình, một con người theo tư tưởng xã hội-tự do, ông cần phải dám nói lên điều mà Tổng thống Pháp không dám nói : « trong tình huống đặc biệt, phải có các quyết định đặc biệt », như : giảm chi phí công, chống lại cuộc cải cách tư pháp của bộ Tư pháp (quan điểm vốn có của ông khi còn là Bộ trưởng Nội vụ), không tái khởi động cuộc tranh luận về thụ thai trong ống nghiệm hay mang thai hộ, cũng như "không bêu danh những người không chấp nhận con đường xã hội chủ nghĩa là phản động, nổi loạn…". 

Trả 5 tỉ đô la, hãng dầu lửa Mỹ tránh bồi thường 20 tỉ

Liên quan đến môi trường, l’Humanité có bài « Trò lừa bịp đằng sau một án phạt kỷ lục cho một tập đoàn dầu lửa Mỹ », với nhận định sau 85 năm gây tội mà không bị trừng phạt, tập đoàn Anadarko vừa bị tư pháp nước này tóm cổ và phải trả phạt 5,15 tỉ đô la (gần 4 tỉ euro). Nhưng đằng sau án phạt nặng nề nói trên là một sự dàn xếp hoàn hảo với chính quyền Hoa Kỳ.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ vui mừng thông báo tập đoàn dầu lửa nói trên chấp nhận trả khoản tiền lớn nhất trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ để tẩy rửa các nhiễm độc môi trường do công ty này gây ra.

L’Humanité ghi nhận, chỉ hai giờ sau khi thỏa thuận giữa tập đoàn dầu lửa và chính quyền liên bang Hoa Kỳ được thông báo, chứng khoán của công ty dầu lửa « độc lập » lớn nhất nước Mỹ tăng lên 14,5%. Theo một nhà phân tích tài chính của Forbes, bản án này mang lại lợi ích lớn cho tập đoàn dầu lửa, làm biến mất mối đe dọa trừng phạt treo lơ lửng trên đầu Anadarko.

Mang lại lợi lớn là vì, hiện tại, các nạn nhân của Anadarko yêu cầu bồi hoàn đến 20,8 tỉ đô la (gấp bốn lần số tiền nói trên). Chỉ riêng ở tiểu bang New Jersey, đã có 8.000 người được coi là nạn nhân của tập đoàn dầu lửa này. Trên thực tế, Anadarko hoạt động tiến hành các hoạt động khai thác khoáng sản trên khắp nước Mỹ, gần như tiểu bang nào cũng có các cơ sở của Anadarko.

Theo l’Humanité, trường hợp của Anadarko không phải là duy nhất. Hàng loạt các công ty dầu lửa Anglo-saxon đã lợi dụng khoảng trống pháp lý của tư pháp quốc tế để tiến hành các hoạt động gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt. Hiện tại, chưa có một thỏa ước quốc tế nào áp đặt các quy tắc an toàn tối thiểu cho các giàn khoan dầu ngoài khơi. Năm 2010, một dự án luật như vậy chỉ mới được gợi ra tại một hội nghị G20.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.