Vào nội dung chính
BELARUS - NGA

Cả Belarus cũng sợ bị Nga thôn tính

Khủng hoảng Ukraina tiếp tục là chủ đề trang nhất của nhật báo Pháp. Tình hình bạo động tại miền đông Ukraina và thái độ sẵn sàng can thiệp của Nga khiến không chỉ các nước láng giềng thân Châu Âu, mà cả đồng minh thân thiết của Nga lo sợ. Le Monde có bài : « Matxcơva làm các nước nằm trong đế chế Nga cũ lo lắng ». Các đồng minh thân cận nhất của Nga, như Belarus, sợ rằng sau Ukraina sẽ đến lượt mình.

Phe thân Nga tại Belarus biểu tình với biểu ngữ "Ukraina Nga Belarus thống nhất" - REUTERS /Valery Belokryl
Phe thân Nga tại Belarus biểu tình với biểu ngữ "Ukraina Nga Belarus thống nhất" - REUTERS /Valery Belokryl
Quảng cáo

Báo La Croix chạy tựa trang nhất « Ukraina – Cuộc chiến cân não », mô tả một bên xe tăng Ukraina vào thành phố Slaviansk, một bên Nga dàn quân tại vùng biên giới.

Le Figaro có bài mô tả tình trạng căng thẳng ở miền đông « tại Slaviansk, máu đã đổ và chiến tranh rình rập ». Libération có bài phóng sự « Tại miền Đông, một dân biểu bị giết vì muốn cắm một lá cờ Ukraina ». Trả lời phỏng vấn Le Figaro, thống đốc vùng Donetsk (đông Ukraina) cho biết « cuộc trưng cầu dân ý (ngày 18/05) mà những người ly khai (thân Nga) miền Đông mong muốn sẽ không diễn ra ». Về việc Kiev cấm phát các kênh truyền hình Nga, Thống đốc vùng Donetsk đưa ra ghi nhận nhiều nhà báo Nga làm việc tại Ukraina phàn nàn về việc họ bị chính quyền kiểm duyệt thông tin.

Bài xã luận Le Figaro, mang tựa đề « 'Nước Nga mới’, nỗi sợ cũ », khẳng định tính chất hai mặt của chính quyền Putin, một mặt ký kết thỏa thuận Genève, chỉ ít ngày sau đã không còn giá trị, mặt khác chuẩn bị can thiệp quân sự vào Ukraina. « Lời lẽ hai mặt, nhưng chiến lược chỉ có một ». "Nước Nga mới" mà Kremlin tuyên truyền giống đến kỳ lạ với đế chế của các Sa hoàng, hay Liên Xô cũ. Tổng thống Nga đã thực hiện mục tiêu của mình dựa trên các điểm yếu của đối thủ như « hỗn loạn về chính trị, phụ thuộc về năng lượng hay yếu kém về quân sự ». Tuy nhiên, Le Figaro báo động, làm như vậy ông Putin mất hết uy tín và bị cô lập trên trường quốc tế.

Về hồ sơ này, đặc biệt đáng chú ý có bài trên Le Monde : « Matxcơva làm các nước nằm trong đế chế Nga cũ lo lắng ». Các đồng minh thân cận nhất của Nga, như Belarus, Kazakhstan, Armenia, sợ rằng sau Ukraina, sẽ đến lượt mình.

Đối diện với nỗi thèm khát chinh phục lãnh thổ ngày càng gia tăng của nước Nga, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ mường tượng một ngày nào đó sẽ bị chế độ của Sa hoàng Putin thống trị. Việc Phần Lan gia nhập Nato đã được nêu ra, Gruzia rất mong được gia nhập khối này. Ba nước Cộng hòa vùng Bantích, đã là thành viên của Nato, yêu cầu được hỗ trợ về quốc phòng. Lo ngại xe tăng vượt qua lãnh thổ Ukraina tiến vào vùng tự trị nói tiếng Nga Transnistria (nằm ở vùng biên giới phía đông), Moldavia phải đối mặt thêm với một mặt trận khác ở phía nam, sau khi vùng tự trị Gagaouzie nói tiếng Thổ tuyên bố muốn gia nhập Liên minh thuế quan, do Matxcơva lãnh đạo (ngày 02/02).

Tiếp theo biến cố hai tỉnh của Gruzia tuyên bố « độc lập », sau can thiệp quân sự của Nga năm 2008, mà không được các nước nào thuộc khối Xô Viết cũ công nhận, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée đe dọa ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Nga.

Kazakhstan, quốc gia mà tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức, đã không bỏ phiếu trong phiên họp ngày 27/03 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ra nghị quyết lên án Nga thôn tính Crimée. Chỉ còn Belarus, Armenia là ủng hộ Nga trong hành động này, cùng với 9 quốc gia, trong đó có Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, ngay cả Belarus được coi là đồng minh trung thành nhất của Nga, cũng bắt đầu liên tục có các chỉ trích chống Matxcơva trong thời gian gần đây, đặc biệt trong vấn đề Ukraina.

Tổng thống Belarus lên án Nga can thiệp vào Ukraina

Căng thẳng giữa Minsk và Matxcơva bắt đầu bùng lên kể từ ngày 13/03, khi Nga tuyên bố gửi các máy bay chiến đấu đến Belarus để bảo vệ quốc gia anh em. Theo một nguồn tin ngoại giao được báo chí công bố, Tổng thống Belarus Loukachenko đã nổi giận với đại sứ Nga, sau khi truyền hình Nga loan tin các máy bay Nga vào Belarus theo yêu cầu của chính quyền Minsk, trong khi chính Nga là bên yêu cầu. Tổng thống Belarus đòi Nga chấm dứt hành động đổi trắng thay đen như vậy.

Ngày 22/04 Tổng thống Belarus lên án ý đồ « liên bang hóa » Ukraina của Tổng thống Nga trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội. Tổng thống Loukachenko báo trước ông sẽ không tới Kiev « trên một chiếc xe tăng », mà « trên một chiếc máy kéo », để giúp người Ukraina trong việc đồng áng.

Trước đó, ngày 29/03, Tổng thống Belarus đã tiếp quyền Tổng thống Ukraina Olexandre Tourtchinov, và mô tả tân lãnh đạo Ukraina là « người tử tế, có đạo. Tác giả của hàng chục cuốn sách, một người có học vị tiến sĩ », chứ hoàn toàn không phải là « hiện thân của cái Ác tuyệt đối », như nhiều tuyên truyền từ phía những người thân Nga.

Tổng thống Belarus Loukachenko báo trước « thất bại của chính sách đối ngoại của ông Putin trên mọi mặt, không chỉ với Ukraina, với Hoa Kỳ, mà cả với Belarus ». Lo ngại trước tình hình ít nhiều hỗn loạn tại Ukraina, nguyên thủ Belarus kêu gọi công dân nước này « bảo vệ nền độc lập dân tộc bằng mọi phương tiện ».

« Cái bóng Trung Quốc » trùm lên chuyến công du Châu Á của Tổng thống Mỹ

Nhìn sang Châu Á, chuyến công du của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là tâm điểm chú ý. Về hồ sơ này, Le Figaro có bài mô tả thái độ trấn an của Tổng thống Mỹ với đồng minh Nhật Bản, đối mặt với Bắc Kinh. « Senkaku : Barack Obma đã phát ra cái tên kỳ diệu đó ». Dù không công nhận chủ quyền của Nhật Bản trên quần đảo tranh chấp này, nhưng Washington cam kết sẵn sàng bảo vệ Nhật, nếu đảo bị tấn công.

« Trung Quốc phủ bóng lên chuyến công du của Tổng thống Mỹ » là một bài khác trên Le Figaro. Bài báo ghi nhận Tổng thống Mỹ đã bỏ qua chặng dừng chân ở Bắc Kinh để thể hiện « với các đồng minh về tính chất nghiêm túc của chiến lược xoay trục sang Châu Á ». Đối diện với cam kết gia tăng hỗ trợ các đồng minh Châu Á của Hoa Kỳ, Le Figaro mô tả thái độ ngày càng cứng rắn hơn của Trung Quốc. « Nếu như trước đây trong một thời gian dài, các giới chức Trung Quốc đòi hỏi Mỹ tôn trọng qua các cuộc nói chuyện riêng, thì giờ đây họ không còn lưỡng lự chỉ trích Mỹ công khai », « đòi hỏi được bình đẳng với Mỹ », « đặc biệt trong quan hệ quốc phòng » (theo giáo sư Wang Fan, đại học quan hệ quốc tế Bắc Kinh).

Hai phe Palestine thành lập chính phủ liên hiệp, Israel cắt đứt đàm phán

Liên quan đến vùng Trung Cận Đông, việc hai lực lượng chính trị lớn nhất của người Palestine đạt được đồng thuận hôm 23/04, trong việc thành lập chính phủ liên hiệp là một chủ đề chính khác trong mục Quốc tế của Le Monde với bài « Sự sáp lại giữa phe Hamas và phe Fatah khiến Israel khó chịu ». Các lãnh đạo Hamas, cầm quyền tại dải Gaza và lực lượng Fatah cầm quyền ở Ci-Jordani, muốn tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống trong vòng sáu tháng nữa để phá vỡ tình trạng bế tắc trong tiến trình đàm phán hòa bình hiện nay.

Nhìn từ phía Israel, đây là một quyết định nguy hiểm. Le Monde dẫn lời Thủ tướng Israel, « Tổng thống Palestine Abbas đã chọn Hamas (…). Chọn đi với Hamas chính là người không muốn hòa bình ». Cũng liên quan đến hồ sơ này, Libération có bài « Palestine : Israel cắt đứt đàm phán », cho biết hôm qua, chính quyền Israel đã quyết định cắt đứt mọi thương thuyết, một ngày sau khi hai phe Palestine, hai cựu thù, đạt thỏa thuận hòa giải.

Tuyên bố liên hiệp với Hamas của Tổng thống Palestine được đưa ra được coi là một phương tiện cuối cùng để gây áp lực với Israel, nhằm tiếp tục quá trình thương lượng Israel-Palestine sau ngày 29/04. Nếu đàm phán không được triển hạn, lo ngại về « một khoảng trống chính trị nguy hiểm » sẽ hình thành khiến quan hệ Israel và Palestine ngày càng gia tăng. Việc tổng thống Abbas đe dọa giải tán chính quyền Palestine, khiến Israel phải đứng ra quản lý khu vực Ci-Jordani về mặt hành chính và an ninh, khiến Hoa Kỳ lo ngại.

Trước viễn cảnh khả năng thành lập một Nhà nước Palestine dường như ngày càng trở nên xa vời, đối với Tổng thống Palestine 79 tuổi, tái hòa giải với lực lượng Hamas ở Gaza là một giải pháp khả dĩ.

Pháp : Đảng Xã hội đe trừng phạt các nghị sĩ chống chương trình của chính phủ

Trở lại nước Pháp, cuộc bỏ phiếu chương trình "bình ổn" kinh tế của chính phủ vào thứ ba tuần tới là chủ đề lớn của các báo. « Đảng Xã hội đe dọa trừng phạt các nghị sĩ bất tuân » là hàng tựa lớn của Le Figaro. Tờ báo đối lập ước tính có khoảng 15 đến 20 dân biểu sẽ không bỏ phiếu cho chương trình của chính phủ của tân thủ tướng Valls. Ban lãnh đạo đảng Xã hội sẽ họp vào thứ Hai tới, và nếu đa số ủng hộ chương trình này, thì thiểu số phải phục tùng. Trong khi đó, Thủ tướng Valls tiếp tục có một số động tác mới, để tranh thủ sự ủng hộ của các dân biểu cánh tả, đặc biệt là việc lập ra "kế hoạch chống nghèo đói".

Cũng về hồ sơ này, Le Monde có bài « Phủ Thủ tướng khó lòng làm yên được bất bình của các nghị sĩ đảng Xã hội ». Le Monde dẫn lời biểu đảng Xã hội cầm quyền Chantal Guittet, bất đồng với chương trình của chính phủ, « nếu cần thiết tôi sẵn sàng rời bỏ nhóm (nhóm dân biểu đảng Xã hội trong Quốc hội) ».

Báo Libération đăng tải thông báo - mang tựa đề "Tại sao chúng tôi không bỏ phiếu...?" - của ba nghị sĩ Xã hội Laurence Dumont, Jean-Marc Germain et Christian Paul. Điều căn bản khiến ba nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền, lần đầu tiên quyết định phản đối chính phủ, kể từ khi đảng Xã hội đắc cử mùa hè năm 2012, là chương trình nói trên không công bằng và không hiệu quả, cam kết đưa thâm hụt ngân sách giảm xuống 3% vào năm 2015 là "bất công về mặt xã hội và nguy hiểm về kinh tế". 

Pháp khởi động tranh cử Nghị viện Châu Âu

Nước Pháp khởi sự chương trình tranh cử Nghị viện Châu Âu, đúng một tháng trước ngày bỏ phiếu, 25/05, là một chủ đề lớn khác. Từ ngày 22/05 đến 25/05 (tùy theo mỗi nước), 338 triệu cử tri thuộc 28 quốc gia Châu Âu được kêu gọi đi bỏ phiếu, để bầu 751 nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu, có trụ sở tại Strasbourg (Pháp). Các cử tri Pháp sẽ bầu chọn 74 nghị sĩ vào Nghị viện. Theo một thăm dò dư luận của Ifop, 24% cử tri dự định bầu cho đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, 23% cho đảng UMP, 21% cho đảng Xã hội liên minh với đảng PRG....

Về chủ đề này, La Croix đặt ra bốn câu hỏi :

1 – Cử tri có đi bỏ phiếu nhiều không trong thời điểm không thuận lợi hiện nay, trong bối cảnh chương trình tranh cử diễn ra không dài, các ứng viên ít nhiệt tình, nỗi nghi ngờ Châu Âu gia tăng ? 2 – Đảng Cực hữu Mặt trận Quốc gia sẽ giành tiếp thẳng lợi ? 3 – Hai đảng lớn, đảng Xã hội và đảng đối lập UMP có thất bại vì các chia rẽ ? 4 – Đảng Xanh thuộc cánh tả và đảng Trung hữu có tạo được các bất ngờ ?

Le Monde có bài phỏng vấn ứng cử viên Alain Lamassoure, đứng đầu danh sách tranh cử của đảng UMP tại vùng thủ đô Paris Ile-de-France, « Cần phải ngừng đưa Châu Âu ra làm bia đỡ đạn, giúp chúng ta không phải đối mặt với những vấn đề của mình ».

Phong Thánh hai Giáo hoàng : Hơn một triệu tín đồ Công giáo đổ về Roma

Le Figaro chú ý đến việc Roma sẽ đón nhận hơn một triệu khách hành hương đổ về Vatican nhân ngày phong Thánh cho Giáo hoàng Jean-Paul II và Jean XXIII, chủ nhật tới 27/04. Theo một giới chức Công giáo, Roma sẽ trải qua một biến cố lịch sử chưa từng có : hai Giáo hoàng đang sống và hai Giáo hoàng được phong Thánh. Tuy nhiên, việc Giáo hoàng danh dự Benedicto 16 có đến dự lễ phong Thánh tại quảng trường Thánh Phao Lồ hay không vẫn còn được giữ bí mật.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.