Vào nội dung chính
NGA - UKRAINA

«Nga không nhất thiết sẽ xâm lược miền đông Ukraina»

Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ ngày 28/04/2014 đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Trong khi cáo buộc Washington khơi dậy trở lại chính sách "bức màn sắt", Matxcơva đã hứa là sẽ không xâm lược Ukraine. Liệu có thể tin vào lời hứa của Nga hay không ?

Cư dân Luhansk, đông Ukraina ủng hộ các nhóm vũ trang thân Nga - REUTERS /Vasily Fedosenko
Cư dân Luhansk, đông Ukraina ủng hộ các nhóm vũ trang thân Nga - REUTERS /Vasily Fedosenko
Quảng cáo

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, RFI đã phỏng vấn ông Migault Philippe, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp IRIS.

RFI : Khu vực nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraina phải chăng đang càng lúc càng tách mình ra khỏi phần còn lại của Ukraina ?

Philippe Migault : Điều đó có vẻ rất hiển nhiên. Với cuộc khủng hoảng kéo dài, kiểu chia cắt khu vực như vậy có nguy cơ trở thành trường kỳ và rất khó trở lại nguyên trạng thời trước một cách êm ả.

RFI : Mọi diễn biến phải chăng đều đã được lên kế hoạch từ trước, và trong một chừng mực nào đó, có phối hợp, hay là đó chỉ là những diễn biến tự phát ?

Philippe Migault : Có nhiều điều cần phải được xem xét. Không phải tất cả các nhóm ở miền Đông Ukraina đều có những yêu sách như nhau. Ít ra là trên bình diện này, đã không có sự phối hợp hành động.

Có nhóm muốn được sát nhập vào Nga, có nhóm chủ trương một cơ chế liên bang cho Ukraina và hoàn toàn không muốn tự gắn mình vào Nga. Tóm lại, hoàn toàn không có phối hợp về mặt yêu sách chính trị.

Bây giờ, rõ ràng là đang có một động lực của một phong trào nổi dậy, thúc đẩy mọi người giúp đỡ lẫn nhau và tất nhiên, từ thành phố này qua thành phố khác, người ta chứng kiến một phong trào hỗ trợ tự phát giữa những người thân Nga. Đó là một điều hiển nhiên.

Tóm lại, nói rằng có sự phối hợp không nhất thiết là đúng, nhưng đồng thời, rõ ràng là giữa thành phố Kharkiv thân Nga với thành phố Slaviansk, hai bên đều nói chuyện với nhau.

RFI : Điểm chung của các nhóm nổi dậy là thái độ thù nghịch đối với Kiev. Liệu chính quyền Ukraina có thấy được ai bên phía nổi dậy để đối thoại hay không ?

Philippe Migault : Không, tôi nghĩ là không. Ở miền Đông Ukraina có rất nhiều nước cộng hòa, nhiều thực thể tự tuyên bố độc lập, tuyên bố tự chủ và hoàn toàn tự phong. Không có một tác nhân đối thoại duy nhất.

RFI : Có những cá nhân đã bị châu Âu trừng phạt, những người bị xác định là lãnh đạo của phong trào thân Nga. Ngoài các quyết định của châu Âu, có thể nào Ukraina nghĩ đến việc khởi động thủ tục pháp lý nhắm vào những người này hay không ?

Philippe Migault : Tất nhiên là có thể, nhưng liệu các thủ tục pháp lý có mang lại kết quả hay không ? Để cho một thủ tục pháp lý đạt được mục tiêu, cần phải đưa được một số người ra trước tòa, tức là phải đi bắt được họ.

Thế nhưng điều đó có thể trở thành vô cùng phức tạp trong bối cảnh chính quyền Ukraina, vốn không có khả năng vãn hồi trật tự tại vùng lãnh thổ phía đông của đất nước, cũng sẽ không có phương tiện để đi truy bắt những ai mà họ muốn đưa ra tòa.

RFI : Về sự hiện diện của các nhóm phá hoại Nga tại Ukraina thì sao ? Cho đến nay đã có nhiều lời tố cáo sự hiện diện này cũng như lời phủ nhận của Mátxcơva.

Philippe Migault : Một lần nữa, để xác định điều này, chúng ta phải có mặt tại chỗ. Chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến tranh thông tin đến từ cả hai phía. Dẫu sao thì rất khó mà xác minh được vấn đề vì tin đồn được tung ra mù mịt, ở Kiev, ở Mátxcơva và ở các nơi khác.

Ngay từ đầu, đã có tin cho rằng có lính đánh thuê người Mỹ hiện diện ở miền đông Ukraina. Rồi lại có tin về những nhóm phá hoại thân Nga : Tất cả những yếu tố đó vẫn còn phải được chứng minh. Những sự hiện diện đó không thể loại trừ, nhưng cũng chưa thể chứng minh được. Tôi thì tôi rất thận trọng trên vấn đề này.

RFI : Phía Mátxcơva gần đây đã đưa ra một số bảo đảm. Trong những ngày qua, chính quyền Nga, ít ra là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, đã cam kết là sẽ không can thiệp quân sự, không xâm lược Ukraina. Lời hứa này có thực sự đáng tin cậy hay không vào lúc diễn ra những cuộc tập trận lớn ở phía bên kia biên giới ?

Philippe Migault : Có hai điều cần phải phân biệt rõ. Các cuộc diễn tập quân sự theo tôi chỉ là những hành động diệu võ dương oai về mặt ngoại giao hơn là công việc chuẩn bị thực sự cho một cuộc tấn công.

Ta cần phải nhìn nhận vấn đề từ góc độ lợi ích của Nga. Liệu một cuộc xâm lược Ukraina có lợi cho Nga hay không ? Tôi hoàn toàn tin là không vì thấy rằng tiến trình chia cắt Ukraina đang trên đà được thực hiện.

Miền Đông Ukraina đang trên đà cao chạy xa bay, và nước này khó có thể khôi phục được sự thống nhất trong những tuần và tháng tới đây. Như vậy là Nga có cần phải can thiệp quân sự hay không, trong khi mà trong thực tế miền Đông Ukraina đã hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát của Kiev ? Tôi tin chắc là không cần.

Trên bình diện ngoại giao cũng vậy, nếu Nga can thiệp quân sự vào Ukraina, điều đó sẽ hoàn toàn phản tác dụng vì có nghĩa là họ từ bỏ chủ thuyết không can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia.

Dĩ nhiên, học thuyết quốc phòng Nga cũng có dự trù khả năng can thiệp quân sự để cứu kiều dân Nga bị đe dọa tại các lân bang, thế nhưng trên bình diện ngoại giao, nếu tấn công Ukraina, Nga sẽ cho thấy rõ ràng là họ từ bỏ chủ thuyết không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác.

RFI : Chúng ta đã thấy là tại Crimée, tiến trình xâm lược thông qua một cuộc trưng cầu dân ý cho dù sự kiện này không được cộng đồng quốc tế công nhận. Liệu những cuộc tham khảo ý kiến ​​như vậy có thể được tiến hành tại các vùng phía đông Ukraina hay không ?

Philippe Migault : Như chúng ta đã nói lúc đầu, vấn đề là phải có những hành động mang tính chất phối hợp. Và cuộc trưng cầu dân ý cũng phải được tổ chức một cách có phối hợp. Trước mắt thì tôi không thấy tính chất phối hợp này.

Ngoài ra Crimée là một trường hợp khác với miền Đông Ukraina. Việc Nga chiếm Crimée là một hành động trả đũa : Sau khi huỷ bỏ thỏa thuận ngày 21/02 ký kết giữa ông Yanukovych, phe đối lập Ukraina, Nga và Pháp, Đức, Ba Lan, Mátxcơva đã đánh một cú thị uy khi thu hồi một tỉnh mà trong lịch sử vốn thuộc Nga. Còn đối với miền Đông Ukraina, bối cảnh hoàn toàn khác, sẽ khó xử lý hơn nhiều.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.