Vào nội dung chính
UKRAINA

Một sự tan rã không thể cứu vãn ?

Chiếm trang nhất nhiều tờ báo ra tại Pháp hôm nay vẫn là thời sự Ukraina, một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý đòi tách vùng miền đông ra khỏi đất nước do những người thân Nga tổ chức. « Ukraina trên đường tan rã », Le Figaro nhận định bằng hàng tựa lớn trên trang nhất.

Lễ kỷ niệm, mừng   " Ngày Chiến Thắng" ở Donetsk, đông 'Ukraina, ngày  9/05/2014.
Lễ kỷ niệm, mừng " Ngày Chiến Thắng" ở Donetsk, đông 'Ukraina, ngày 9/05/2014. REUTERS/Marko Djurica
Quảng cáo

Theo Le Figaro, « cuộc trưng cầu dân ý đòi ly khai tổ chức hôm qua, bị chính quyền Kiev và các cường quốc phương Tây coi là bất hợp pháp, có thể dẫn tới việc đất nước này bị chia cắt thêm lần nữa sau khi đã mất Crimée ».

Xã luận của Le Figaro nói rõ, cuộc trưng cầu dân ý hôm qua là « bước đi nghiệt ngã tới sự chia cắt đất nước. Ukraina đã vượt qua cái điểm không quay trở lại ». Tờ báo ghi nhận « các cử tri thân Nga của vùng Donbass đã gửi đến Kiev một thông điệp chối bỏ khiến cho phương trình chính trị của đất nước này bị thay đổi không giải được. Chiếu theo Hiến pháp thì « phi pháp », phương Tây thì đánh giá là « không chính đáng », nhưng với chính phủ Ukraina, phải gọi cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập được tổ chức trong các « nước Cộng hoà tự tuyên bố » của vùng Donetsk và Lougansk là một « trò hề tội ác ».

Le Figaro ghi nhận : « Cho dù chính phủ trung ương Ukraina gia tăng nỗ lực quân sự để thu hồi lại những cứ địa ly khai, các lãnh đạo địa phương thì vẫn cho là chính đáng khi phải dùng vũ khí bảo vệ nguyện vọng của người dân cùng với sự hỗ trợ của Matxcơva. » Tờ báo cũng nhắc lại trường hợp Bosnia-Herzegovina cách đây 22 năm, khí đó « cuộc trưng cầu dân ý về độc lập đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng hoà giải và chính cuộc bỏ phiếu đó đã trở thành yếu tố phát động cuộc nội chiến đã được chuẩn bị từ trước đó rất lâu ».

Từ ngoài nhìn vào người ta không chỉ thấy từng hòn đá trong khối thống nhất Ukraina đang rạn vỡ dần dần mà còn cả viễn cảnh một cuộc nội chiến dằng dai băm nát đất nước.

Trong khi đó nhật báo Libération nhìn thấy ở hậu trường của cuộc khủng hoảng này một « Vladimir Putin đang điều hành ». Đó là hàng tựa lớn của tờ báo trên trang nhất cùng với nhận định Tổng thống Nga đang tiếp tục theo đuổi việc làm mất ổn định nội tình Ukraina mà Libération gọi là « những chiến lược thả nổi của Vladimir Putin », một mặt ra vẻ cố gắng đấu dịu bằng việc giữ khoảng cách các phe ly khai, mặt khác thì lại khuyến khích duy trì sự hỗn loạn.

Xã luận của Libération nhận định : « Thành công và không bị trừng phạt, nên Putin vẫn theo đuổi cuộc chiến chinh phục : Hôm qua là Crimée, giờ đây là miền đông Ukraina, những việc làm xâm phạm mọi quy định của luật pháp quốc tế. Tại sao không, khi ngày mai sẽ là Moldavia hay các nước vùng Baltic, lại với nhân danh bảo vệ thiểu số người nói tiếng Nga được coi là đang bị đe doạ ? » . Nhật báo Libération lấy làm tiếc vì các lãnh đạo châu Âu vẫn đang hài lòng với những biện pháp trừng phạt hạn chế Nga, đồng thời họ tiếp tục bất lực trước sự lộng hành của Matxcơva. Trong khi bản thân người dân Ukraina cũng đã bắt đầu nhận thấy sai lầm vì tin vào những hứa hẹn và ý tưởng của Liên hiệp châu Âu.

Thái Lan : Tham nhũng đâu chỉ ở giới chính trị

Nhìn sang châu Á, nhật báo Libération còn quan tâm đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đang đến hồi gay cấn sau khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị tư pháp nước này phế truất vì những cáo buộc lạm quyền.

Trong bài phóng sự dài trên trang thế giới, Liberation đề cập đến tình trạng tham nhũng tràn lan, một nguyên nhân không nhỏ của cuộc khủng hoảng hiện nay trong chính trường Thái.

Tác giả bài báo, Arnaud Dubus thông tín viên của Liberation tại Bangkok cho hay, nạn tham nhũng giờ đây lan tràn ở mọi cấp độ trong xã hội Thái Lan, người ta có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu ; từ những chuyện mãi lộ của cảnh sát giao thông lấy vài trăm bath ( tương đương vài euro) cho đến việc mua bán chức tước trong giới cảnh sát lên đến vài trăm nghìn bath. Người Thái từ lâu nay đã quen với những chuyện tham nhũng nhỏ nhặt diễn ra trong đời sống hàng ngày của họ, thế nhưng lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay lại xuất phát từ nạn tham nhũng. Đó là khi một số người phát động phong trào chống tham nhũng ở cấp cao trong giới chính trị của đất nước. Đây cũng là khẩu hiệu chính của phong trào chống chính phủ kéo dài hơn 6 tháng qua ở đất nước này mà mục tiêu chính là « phe cánh nhà Shinawatra », được hình thành từ khi anh trai bà Yingluck là ông Thaksin Shinawatra lên nắm chính quyền hồi 2001 và bị đảo chính lật đổ năm 2006.

Bài phóng sự, dẫn lời bà Kobkarn Wattanavrangkul, Chủ tịch Hiệp hội chống tham nhũng Thái Lan được thành lập từ năm 2011 bởi khoảng năm chục doanh nghiệp tư nhân cho biết : « Tham nhũng phát triển mạnh từ 10 năm nay. Với các dự án lớn, tỷ lệ tiền hối lộ để thắng thầu chiếm tới 30% chi phí cho dự án ». Theo bà chủ tịch hiệp hội này, từ khi Thaksin Shinawatra lên nắm quyền thì tình trạng này tăng mạnh rõ rệt và trở nên tinh vi hơn.

Tuy nhiên theo tác giả bài phóng sự , một số nhà quan sát tình hình ở Thái Lan cho là mọi người có thể nhầm khi chỉ tập trung cáo giác tham nhũng vào phe cánh nhà Thaksin. Tình trạng tham nhũng ở Thái Lan xảy ra ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực, từ hành chính, quân đội, cảnh sát đến thậm chí trong cả cộng đồng các nhà sư phẩm cấp cao. Có thể tham nhũng trong giới chính trị chỉ có một nhóm nhỏ. Thế nhưng tham nhũng vẫn thường được sử dụng như một vũ khí của các đối thủ chính trị muốn hạ nhau.

Tác giả bài viết cho biết một thực tế là trong ngành cảnh sát phần lớn phải mua chức vị lãnh đạo của mình theo một bảng giá có thể lên tới hàng trăm nghìn đô la cho một cấp bậc. Bỏ tiền ra mua chức vụ kiểm soát được nguồn thu từ tham nhũng ở cấp dưới. Từ vài đồng lót tay cho đến những khoản hối lộ lớn của các chủ sòng bạc lậu hay tiệm massage khiêu dâm. Sau khi cấp trên được hưởng thì còn lại mới chia phần cho cấp dưới tuỳ theo chức vụ của mỗi người.

Boko Haram sự biến thái điên rồ của một phong trào Hồi giáo

Một thời sự quốc tế khác cũng được các báo Pháp đặc biệt chú ý trong những ngày qua đó là vụ giáo phái Hồi giáo Boko Haram bắt có một lúc hơn 200 nữ sinh trung học tại Nigeria.

Tờ báo Công giáo La Croix chạy tựa lớn « Các nữ sinh trung học Nigeria làm xúc động thế giới » . Quả thực là « từ Giáo hoàng Phan-xi-cô cho đến phu nhân tổng thống Mỹ Michelle Obama và hàng trăm nghìn người đã kêu trả tự do cho các nữ sinh bị phong trào Hồi giáo Boko Haram bắt cóc ».

Tờ báo đặt câu hỏi : « Sự ủng hộ quốc tế có thể làm được gì ? La Croix ghi nhận : « Bị sức ép mạnh mẽ ở trong nước và quốc tế, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã chấp nhận sự trợ giúp của các chuyên gia Mỹ, Anh Pháp đến hiện trường từ hôm thứ Sáu tuần qua. Trung Quốc cũng tham gia hỗ trợ bằng việc giúp tìm kiếm định vị nơi giam giữ các nữ sinh con tin.....Ngoài phản ứng khẩn cấp, cộng đồng quốc tế còn đang phải cố gắng tìm một giải pháp lâu dài ở Nigeria.

Vẫn theo La Croix, tuần trước, trong diễn đàn kinh tế cho châu Phi, đặc phái viên của Liên hiệp quốc về giáo dục ông Gordon Brown đã thông báo chương trình cải thiện tình trạng an ninh trong các trường học ở Nigeria, theo đó sẽ cho triển khai việc bảo vệ an inh và cảnh sát cùng nhiều biện pháp nhằm phản ứng kịp thời trước các cuộc tấn công vào trường học .

Còn Le Figaro, trong một bài phóng sự điều tra dài mang tựa đề « sự biến thái điên rồ của Boko Haram » kể lại quá trình từ một phong trào tôn giáo đơn thuần hình thành đầu những năm 2000 với chủ trương áp dụng luật Hồi giáo charia, dần dần lột xác thành nhóm khủng bố vũ trang nguy hiểm.

Các cuộc tấn công đồn cảnh sát, công sở và quán hàng do nhóm này thực hiện ngày một tăng. Quân đội Nigeria cũng đã mở nhiều cuộc tấn công nhưng không đủ triệt hạ nhóm khủng bố, Boko Haram tiếp tục trở nên cực đoan hơn nhất là từ sau khi thủ lĩnh của phong trào này bị tiêu diệt năm 2009.

Le Figaro đặt vấn đề « sự hỗ trợ mới của quân đội phương Tây cho các đồng nghiệp Nigeria liệu có thay đổi tình hình ? Tờ báo cho rằng : « Các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại được triển khai có thể giúp cho việc định vị nơi ở của các nữ sinh. Nhưng vấn đề cốt lõi là Boko Haram vẫn tồn tại như là mối đe doạ thường trực ở đất nước châu Phi có 170 triệu dân ».

Thế giới có thể cứu sống 37 triệu nhân mạng nếu biết phòng bệnh

Nhật báo Le Figaro thông tin, thế giới có thể tránh được 37 triệu trường hợp tử vong nhờ có các biện pháp phòng bệnh. Không hút thuốc lá, theo dõi thường xuyên huyết áp và tỷ lệ đường trong máu hay uống rượu điều độ, những việc làm đó hiển nhiên có thể cải thiện được tuổi thọ của bạn. Nhưng các khoa học còn tính toán được từ nay đến năm 2025, nếu thế giới thực thi chính sách phòng bệnh tốt thì cả thế giới có thể tránh được 37 triệu người không bị thiệt mạng vì bệnh tật. Giảm 30% tiêu thụ thuốc lá và 10% tiêu thụ rượu đó là mục tiêu mà các nhà khoa học muốn đặt ra trên quy mô toàn cầu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.