Vào nội dung chính
UKRAINA

Khủng hoảng Ukraina khởi động tái vũ trang tại Châu Âu

Các tập đoàn sản xuất vũ khí tìm cách kiếm lợi từ cuộc chạy đua tái vũ trang ở các nước Bắc Âu, khởi phát từ khi xảy ra khủng hoảng Ukraina. Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng này có thể thúc đẩy phần còn lại của Châu Âu củng cố khả năng quốc phòng trước sức mạnh quân sự của Nga.

Máy bay không người lái Predator MQ-1 của Mỹ.
Máy bay không người lái Predator MQ-1 của Mỹ. Effrain Lopez/Handout
Quảng cáo

Thụy Điển là nước đầu tiên, vào tháng Tư vừa qua, thông báo tăng chi phí quân sự trong vòng 10 năm tới để đối phó với tình hình tại Crimée, bị Nga sáp nhập.

Về phần mình, Ba Lan, vốn đã nỗ lực mạnh mẽ để hiện đại hóa quân đội, cho biết thực hiện sớm hai năm kế hoạch mua 82 máy bay trinh thám không người lái, và sẽ nhận được những chiếc đầu tiên trong số này ngay trong năm 2016. Theo báo chí Ba Lan, dường như kế hoạch mua trực thăng chiến đấu cho quân đội nước này cũng được tiến hành sớm hơn. Tuy nhiên, Vaxava không khẳng định thông tin này.

Ông Jean-Pierre Maulny, Phó Giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược, được AFP trích dẫn, nhận định : « Có một sự chia rẽ ở Châu Âu, giữa một bên là các nước Bắc Âu và bên kia các nước Tây Âu đang cố gắng tự nhủ là khủng hoảng (Ukraina) sẽ qua đi ».

Ví dụ, nước Pháp, vào năm 2011, đã ký hợp đồng bán cho Nga hai tàu chiến chở trực thăng, loại Mistral, thì giờ đây lại muốn chờ đến tháng 10 năm nay, thời điểm giao chiếc tàu đầu tiên cho Nga, thì mới tính đến việc xem xét hợp đồng, bất chấp áp lực ngày càng gia tăng từ phía Hoa Kỳ. Chủ nhật, 11/05 vừa qua, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố : « Cho đến lúc này, hợp đồng không bị xem xét lại ».

Các nước Bắc Âu thì có một kinh nghiệm khác của cường quốc Nga láng giềng.

Chuyên gia Maulny ghi nhận, ngay từ năm ngoái, tại hội nghị trù bị cho Thượng đỉnh Châu Âu hồi tháng 12/2013, Thụy Điển, Phần Lan, các nước vùng Baltic và Ba Lan đã không thuyết phục được Châu Âu chuyển hướng chiến lược an ninh, chú trọng vào việc bảo vệ lãnh thổ.

Các nước này lo ngại trước việc Nga tăng cường khả năng quân sự tại vùng Bắc Cực, cho máy bay quân sự bay qua không phận các nước này nhiều lần và tiến hành các cuộc tập trận trên không.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Maulny, « nếu như xảy ra việc Nga can thiệp vào miền đông Ukraina, thì việc thay đổi hướng quốc phòng, vốn đã diễn ra ở các nước Bắc Âu, có thể mở rộng ra phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu ».

Đương nhiên, việc cắt giảm ngân sách gây trở ngại cho tiến trình tái vũ trang, nhưng chuyên gia Maulny cho rằng, các nước Châu Âu sẽ có biện pháp ngoại lệ, đưa các các khoản chi phí quân sự ra bên ngoài những tính toán về thâm hụt ngân sách Nhà nước.

Ông Michael Clarke, thuộc Royal United Services Institute, một trung tâm tư vấn Anh Quốc, nhận định là trong tương lai, « các cường quốc Châu Âu thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – có thể sẽ chi nhiều hơn cho quốc phòng, bởi vì Ukraina không phải là một cuộc khủng hoảng thoáng qua, mà đó là một bước ngoặt : Vì đã có sự thay đổi đường biên giới bằng vũ lực ». Tuy nhiên, cần phải đợi từ một đến nay năm thì mới có được những quyết định đầu tư cần thiết trong lĩnh vực quốc phòng.

Bước khởi đầu tái vũ trang đã làm dấy lên cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Châu Âu, và các tập đoàn công nghiệp Châu Âu đang ở trong vị thế thuận lợi.

Ví dụ, Thụy Điển muốn có nhiều máy bay tiêm kích Grippen, do tập đoàn Saab của chính nước này chế tạo, có nhiều tàu ngầm – do chi nhánh Đức Thyssen Krupp Marine Systems sản xuất và có nhiều tên lửa đạn đạo Taurus, của liên doanh Đức –Thụy Điển.

Trong khi đó, các tập đoàn Mỹ có lợi thế hơn tại thị trường Ba Lan.

Theo chuyên gia Maulny, « ngay sau khi Nga vào Crimée, người Mỹ đã vội vã đưa ra các đề nghị hấp dẫn cho Ba Lan » và ông nhắc đến chuyến công du Vaxava vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel.

Tuần trước, Chủ tịch Tổng Giám đốc tập đoàn Lockheed Martin, Maryllin Hewson, đã tới Vaxava để thảo luận về hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Công ty Sikorsky của Mỹ hiện đang chạy đua với Airbus Helicopters của Châu Âu và AugustaWestland của Ý để bán trực thăng cho Ba Lan.

Thế nhưng, theo các nhà phân tích của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, thì Ba Lan, vốn đã làm cho giới công nghiệp Châu Âu thất vọng vào năm 2003 khi lựa chọn mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, giờ đây đã hiểu rằng họ không có lợi khi phụ thuộc hoàn toàn vào Hoa Kỳ ».

Nghiên cứu của IHS Jane’s nhận định : « Chương trình tái vũ trang 2013-2022 dự tính mua vũ khí, khí tài của nhiều nhà cung cấp khác nhau – nhất là ở Hoa Kỳ, Châu Âu và tại Israel – với sự tham gia mạnh mẽ của ngành công nghiệp Ba Lan để bảo đảm sự tự chủ về lâu dài ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.