Vào nội dung chính
NGA - TRUNG Á

Nga–Bélarus và Kazakhstan thành lập Liên minh kinh tế Á Âu

Tại Astana hôm nay (29/05/2014) tổng thống Nga cùng với đồng sự Belarus và Kazakhstan đã chính thức ký kết thành lập Liên minh kinh tế Á Âu. Mục tiêu của Kremly nhằm tái lập lại ảnh hưởng của Matxcơva với các nước chư hầu cũ của Liên Xô. Nhưng Liên minh này không có sự tham gia của Ukraina.  

Tổng thống Nga Vladimir Poutine (P), Tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko (T) và Tổng thống Kazakhstan, Noursoultan Nazarbaïev, ký hiệp ước tại Astana, thủ đô Kazakhstan, 29/05/2014
Tổng thống Nga Vladimir Poutine (P), Tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko (T) và Tổng thống Kazakhstan, Noursoultan Nazarbaïev, ký hiệp ước tại Astana, thủ đô Kazakhstan, 29/05/2014 REUTERS
Quảng cáo

Liên minh kinh tế Á Âu chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/01/2015. Đây là một dự án nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế giữa ba nước thành viên. Tổng thống Kazakhstan Noursoultan Nazarbaïev nhấn mạnh đây chỉ là một liên minh kinh tế, thuế quan, không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của các tham dự.

Trong một thông cáo, phủ tổng thống Nga lưu ý : ba nước thành viên của Liên minh kinh tế Á Âu cam kết bảo đảm quyền tự do trao đổi hàng hóa, tự do đầu tư và tự do đi lại của người lao động. Các nước tham dự đồng ý giảm thuế xuất nhập khẩu của lẫn nhau.

Tổng thống Nga đề cao sức mạnh kinh tế của một cộng đồng với 170 triệu dân. Nga, Belarus và Kazakhstan là những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, chiếm 20 % dự trữ khí đốt và gần 15 % dự trữ dầu hỏa của thế giới.

Liên minh kinh tế Á Âu là một dự án đã được ông Putin ấp ủ từ lâu nay. Tuy nhiên Matxcơva luôn muốn lôi kéo Ukraina vào liên minh này. Ukraina là một quốc gia có tới 46 triệu dân, là một nền kinh tế có nhiều tiềm năng nông nghiệp và công nghiệp. Sự hiện diện của Ukraina có thể tạo thêm uy tín cho Liên minh kinh tế Á Âu.

Khủng hoảng tại Ukraina kéo dài đã làm thay đổi những tính toán của ông Putin. Tổng thống tân cử Ukraina Petro Porochenko đã tuyên bố mục tiêu mà Kiev đang hướng tới là gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Nga phải chấp nhận thành lập Liên minh kinh tế Á Âu với vỏn vẹn 2 đối tác còn lại là Belarus và Kazakhstan. Trên nguyên tắc vào tháng 6/2014 Armenia cũng sẽ gia nhập Liên minh này. Ngoài Armenia, Kirghighistan cũng đang ấp ủ giấc mơ được gia nhập Liên minh kinh tế Á Âu trong một tương lai không xa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.