Vào nội dung chính
IRAK

Irak : Quân nổi dậy mở rộng vùng kiểm soát

Hôm nay, 16/06/2014, quân nổi dậy đã mở rộng khu vực kiểm soát trong một trận giao tranh, ở Tal Afar, một khu vực thuộc cộng đồng Hồi giáo Shia, ở phía tây bắc tỉnh Ninive, Irak, gần khu vực biên giới chung với Syria. Lực lượng an ninh Irak nói rằng đã đẩy lùi được cuộc tấn công ở đây, trong lúc toàn bộ các khu vực khác của tỉnh Ninive đã nằm trong tay quân nổi dậy.

Mỹ chưa biết có can thiệp hay không, trước đà tấn công của quân nổi dậy - REUTERS /Stringer
Mỹ chưa biết có can thiệp hay không, trước đà tấn công của quân nổi dậy - REUTERS /Stringer
Quảng cáo

Tuy nhiên, theo các nhân chứng nói với AFP, phe nổi dậy đã xâm nhập và kiểm soát được Tal Afar. Trước đà tấn công của quân nổi dậy, đặc biệt là lực lượng thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông – EIIL, chính quyền Mỹ vẫn chưa có quyết định là có can thiệp hay không.

Mặc dù Tổng thống Barack Obama để ngỏ mọi giải pháp, nhưng khả năng Mỹ tiến hành các vụ oanh tạc nhắm vào lực lượng thánh chiến đang được tranh luận. Nhiều dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa tuyên bố ủng hộ giải pháp này, trong lúc phe Dân Chủ lại tỏ ra bi quan về giải pháp này.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình :

« Công luận Mỹ, gần 80% số người được hỏi, đã ủng hộ quyết định rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Irak trong năm 2011 và trong những cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, có tới 2/3 số người được hỏi cho rằng chiến lược của Tổng thống George Bush và cuộc chiến tranh Irak năm 2003 là không chính đáng.

Trong bối cảnh đó, các dân biểu ủng hộ việc can thiệp quân sự chống lại những phần tử nổi dậy Irak, nêu ra vấn đề an ninh quốc gia. Ông Lindsey Graham sẵn sàng ủng hộ giải pháp oanh kích. Thậm chí, vị Thượng nghị sĩ có thế lực thuộc đảng Cộng Hòa này còn sẵn sàng ủng hộ việc hợp tác giữa Hoa Kỳ và Iran và giải thích với người dân Mỹ rằng những nguy cơ đối với Hoa Kỳ rất lớn nếu như Washington không hành động.

Ông nói : Chúng ta phải phối hợp với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, để lôi kéo người Ả Rập Sunni Ả, thành lập một chính phủ mới không có ông Maliki. Một biến cố 11 tháng 9 mới đang được chuẩn bị. Giám đốc FBI đã cảnh báo điều này tại Quốc hội lưỡng viện.

Phe Dân Chủ tỏ ra ngần ngại hơn. Nhiều người, trong đó có Tổng thống Barack Obama, lo ngại nguy cơ sa lầy và cho rằng cuộc xung đột chỉ có thể được giải quyết bằng để cho những người Sunni ôn hòa tham gia chính phủ Irak. Nếu như Nhà Trắng đã suy nghĩ về khả năng thực hiện các phi vụ oanh tạc chống lại các lực lượng nổi dậy tại Irak, thì khả năng này giờ đây cũng đã được đưa ra thảo luận công khai ».

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.