Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

''Kế hoạch 8 điểm'' cứu nguy biển cả

Hôm qua, 23/06/2014, Ủy ban Đại dương Thế giới (Global Ocean Commission/Commission Océan Modial) vừa công bố đề nghị tám điểm để phục hồi và bảo vệ sức khỏe của các đại dương. Một kế hoạch hành động cụ thể phải được hoạch định trong vòng năm năm tới. Để đi tới mục tiêu này, cộng đồng quốc tế phải đạt được một hiệp ước mới trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

Các vùng biển quốc tế (màu xanh đậm)
Các vùng biển quốc tế (màu xanh đậm) Ảnh Wikipedia
Quảng cáo

Bản báo cáo nhan đề « Từ suy thoái đến phục hồi : một kế hoạch cứu nguy các đại dương » đưa ra các biện pháp then chốt như : sử dụng ít hơn các đồ nhựa, giới hạn việc đánh cá ở các vùng biển quốc tế và việc xây dựng các quy định chặt chẽ đối với việc khai thác dầu khí ở các vùng ven biển...

« Các đại dương chiếm 70% diện tích Trái đất, cung cấp 50% ôxy, và giữ lại đến 25% khí thải carbon (CO2) » và là một nguồn thực phẩm quan trọng của nhân loại, như ghi nhận của ông José Maria Figueres, Chủ tịch Ủy ban, cựu Tổng thống Costa Rica. Người đứng đầu Ủy ban Đại dương Thế giới cảnh báo : « Nếu ta không loại trừ khả năng các đại dương bị suy thoái trong vòng năm năm nữa, cộng đồng quốc tế sẽ phải tính đến việc cấm toàn bộ hoạt động kinh tế tại các vùng biển xa (tức vùng biển quốc tế), cho đến khi này sức khỏe của hệ thống sinh thái này được khôi phục ».

Trước mắt, Ủy ban nhấn mạnh đến việc đặt ra các giới hạn đối với việc chính phủ các nước trong việc trợ cấp cho nghề cá ở các vùng biển quốc tế. Đối tượng đặc biệt của các biện pháp này là 10 quốc gia đứng đầu về công nghiệp đánh cá, như Hoa Kỳ, các nước Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Báo cáo khẳng định, « khoảng 60% số tiền trợ cấp đã được dùng để phát triển các hoạt động đánh cá có hại cho môi sinh, và nếu không có các trợ giúp công này, đánh cá ở biển xa sẽ không có lãi ».

Khoảng 64% diện tích bề mặt đại dương và một nửa số tài nguyên của chúng hiện không do bất cứ Nhà nước nào quản lý. Theo Ủy ban Đại dương Thế giới, sự vắng mặt về mặt của các quy định pháp lý tại các vùng biển quốc tế đặt ra một thách thức hết sức lớn và đòi hỏi các nước phải đạt được một hiệp ước mới trong trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS/CNUDM). 

Một hiệp ước như vậy phải lấy sức khỏe của các đại dương, cũng như việc bảo vệ các vùng biển quốc tế, chống lại việc khai thác quá mức và xài phí các tài nguyên như các ưu tiên. Theo hướng này cũng phải dự kiến thành lập các vùng biển được bảo vệ.

Ủy ban Đại dương Thế giới là một ủy ban độc lập bao gồm các cựu lãnh đạo chính phủ và doanh nhân, được thành lập tháng 2/2013. Báo cáo nói trên là kết quả 18 tháng làm việc của ủy ban này.

Lập khu bảo tồn biển 2 triệu km² tại nam Thái Bình Dương

Theo AFP, ngày 17/06/2014, Hoa Kỳ hứa hẹn sẽ có các biện pháp « lịch sử » để trừng phạt việc đánh bắt cá trái phép và thiết lập một khu bảo tồn biển lớn nhất hành tinh tại Thái Bình Dương. Thông tin này được đưa ra tại một hội nghị quốc tế về bảo vệ các đại dương, do Hoa Kỳ tổ chức, với sự tham gia của 80 nguyên thủ và bộ trưởng các nước.

Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, khoảng 2 triệu km² biển sẽ nằm trong khu bảo tồn này (rộng tương đương 2/3 diện tích Biển Đông). Hiện tại, khoảng 20% lượng cá bảo vệ bị đánh bắt trái phép, tương đương 26 triệu tấn/năm, theo hiệp hội sinh thái Mỹ The Pew Charitable Trusts. Ngoại trưởng Hoa Kỳ hứa hẹn tất cả các hải sản bán tại Mỹ đều sẽ « được đánh dấu », để chống nạn đánh bắt bất hợp pháp. Các hiệp hội sinh thái hoan nghênh bước tiến lịch sử này.

Tài tử Hollywood Leonardo DiCapricio hứa sẽ đóng góp 7 triệu đô la trong vòng hai năm để bảo vệ các đại dương. Leonardo DiCapricio nổi tiếng là một nhà bảo vệ môi sinh và một tay thợ lặn cừ khôi. « Điều mà trước đây giống với một phong cảnh trong mơ dưới biển, thì nay chỉ là những vùng chết với đây những xác san hô trắng », tài tử Leonardo DiCapricio mô tả tình trạng bị hủy hoại nghiêm trọng trong vòng 20 năm qua của Great Barrier Reef (dài hơn 2.600 km, rộng gần 350.000 km²), vùng san hô lớn nhất thế giới ở bờ đông nước Úc, qua những điều ông được chứng kiến tận mắt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.