Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Ông Martin Schulz tái đắc cử Chủ tịch Nghị viện Châu Âu

Hôm nay, 01/07/2014, tân Nghị viện Châu Âu với 751 thành viên vừa nhóm họp đã bầu lại Chủ tịch mãn nhiệm, ông Martin Schulz người Đức, vào chức vụ này. Việc lãnh đạo đảng Xã hội Châu Âu (PSE) Martin Schulz, tái đắc cử đã được dự báo trước, sau các thỏa hiệp giữa hai đảng lớn nhất Châu Âu, đảng cánh hữu Nhân dân Châu Âu (PPE) và đảng Xã hội Châu Âu.

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz, Strasbourg, 01/07/2014
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz, Strasbourg, 01/07/2014 REUTERS/Jean-Marc Loos
Quảng cáo

Ông Martin Schulz được bầu làm Chủ tịch Châu Âu, với 409 phiếu thuận, trên tổng số 612 nghị sĩ bỏ phiếu. Theo thỏa thuận với đảng Nhân dân Châu Âu, ứng cử viên của đảng Xã hội Châu Âu sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Nghị viện trong hai năm rưỡi, tức một nửa nhiệm kỳ, phần còn lại của nhiệm kỳ, chức Chủ tịch sẽ thuộc về một ứng cử viên đảng Nhân dân Châu Âu.

Trong Nghị viện Châu Âu mới, hình thành bảy nhóm nghị sĩ chính thức. Nhóm đông nhất là PPE, đảng cánh hữu Nhân dân Châu Âu, chiếm một phần ba số ghế. Đảng này bao gồm các đảng trung hữu Châu Âu, không kể đảng bảo thủ Anh Quốc. Đứng ở vị trí thứ hai là các nghị sĩ đảng xã hội–dân chủ, chiếm hơn một phần tư số ghế. Vị trị thứ ba là nhóm những người cánh hữu Châu Âu, với trụ cột là đảng của Thủ tướng Anh David Cameron với 70 ghế. Ba nhóm đảng « nhỏ » khác trong Nghị viện Châu Âu, tức nhóm những người bảo thủ và cải cách, đảng cực tả, đảng Xanh cũng đề cử các ứng cử viên riêng của nhóm.

Về mặt nguyên tắc, tân Chủ tịch Nghị viện Châu Âu có thể nhận được sự ủng hộ của 479 nghị sĩ, bao gồm 221 nghị sĩ PPE, 191 nghị sĩ đảng Xã hội và 67 nghị sĩ đảng tự do. Thế nhưng ông Martin Shulz đã nhận được ít phiếu hơn nhiều. Hai tuần trước khi Nghị viện bỏ phiếu chấp thuận ông Jean-Claude Juncker vào chức Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cuộc bầu Chủ tịch Nghị viện hôm nay là một trắc nghiệm cho thấy thực lực của các nhóm thân Châu Âu.

Theo nhận định của các nhà quan sát, không khí trong Nghị viện Châu Âu sẽ rất căng thẳng với nhiều đối kháng, không chỉ giữa những người bài Châu Âu với những người ủng hộ Châu Âu, mà còn cả « những mối hận thù sâu xa » giữa phe nghi ngờ Châu Âu của Anh Quốc và phe bài Châu Âu, giữa các thành phần dân tộc chủ nghĩa và những thành phần siêu dân tộc chủ nghĩa, không đủ lực để lập ra một nhóm riêng.

Lực lượng gần 100 nghị sĩ bài Châu Âu đã có một số biểu hiện đối kháng ngay từ sáng nay. Nhiều nghị sĩ cực hữu đã quay lưng lại vào lúc cử hành bài ca chính thức của Châu Âu, gây ra các phản đối ngay tại chỗ của nhiều nghị sĩ qua mạng Twitter. Nhóm đảng bài Châu Âu EFDD của Nigel Farage, với hạt nhân là các nghị sĩ đảng Ukip Anh Quốc, có 48 nghị sĩ là một trong bảy nhóm chính thức của Nghị viện Châu Âu. Ngoài ra, còn 52 nghị sĩ độc lập không tạo được thành nhóm, mà số đông trong đó là các nghị sĩ đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu Pháp của bà Marine Le Pen, hay đảng nazi mới Hy Lạp Bình minh vàng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.