Vào nội dung chính
UKRAINA

Sợ hãi bao trùm vùng Donbass

Sợ hãi bao trùm vùng Donbass, miền đông Ukraina. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chống tham nhũng thâu tóm quyền lực. Chân dung chủ nhân phà Sewol bị đắm là ai ? Vai trò của phụ nữ trong chiến tranh thế giới thứ nhất, các chiến binh ngoại quốc đã ngã xuống vì nước Pháp và con người phí phạm thức ăn hàng ngày là những đề tài được bình luận rộng rãi trên các nhật báo Pháp hôm nay và các tạp chí tuần này.

Lá cờ "nước Cộng hòa Donbass" bên cạnh tượng Lênin. Ảnh chụp ngày 06/07/2014.
Lá cờ "nước Cộng hòa Donbass" bên cạnh tượng Lênin. Ảnh chụp ngày 06/07/2014. REUTERS/Maxim Zmeyev
Quảng cáo

Trước tiên, báo Le Monde quan tâm đến tình hình tại miền Đông Ukraina qua bài viết « Sợ hãi bao trùm Donbass ». Le Monde tường trình, tại vùng này các thành phần ly khai thân Nga liên tục xung đột với thành phần thân Ukraina, gây chết chóc. Ngoài ra, họ còn bắt cóc, tra tấn và cướp giật làm cho dân chúng sống không một ngày yên. Rất nhiều nạn nhân sau khi được thả đã lập tức bỏ xứ đi lánh nạn tại những vùng khác mà không hề thuật lại nguyên do. Một số bị bắt cóc rồi sau đó lại xuất hiện, nhưng một số vẫn bặt vô âm tín.

Có bao nhiêu hầm để tống giam con tin tại vùng Donbass do phe thân Nga chiếm giữ ? Có bao nhiêu người bị bắt ? Cho đến nay, vẫn không thể biết chính xác được con số này. Tuy nhiên, Le Monde cho biết, trong hàng chục người bị bắt giam hay đã từng bị giam cầm, có các nhà báo, thành phần ủng hộ Ukraina hay chỉ là thường dân, hoặc các tội phạm bị dân quân trừng phạt. Từ ngày 13/04/2014 đến 7/6, phái đoàn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã thống kê có 222 trường hợp bị bắt cóc và 4 vụ bị ám sát với động cơ chính trị.

Vài ngày gần đây, nhiều vụ mất tích lại diễn ra tại các thành phố Donetsk và Lougansk. Nạn nhân là các thương gia hay những thanh niên ra ngoài mua thuốc lá mà không có giấy tờ tùy thân. Le Monde nhận định, Donbass không chỉ là khu vực chiến tranh, mà nó đã trở thành mảnh đất vô pháp luật, dưới sự quản lý của thành phần ly khai và các nhóm vũ trang. Sợ hãi, oán hận, cướp bóc, bạo lực phủ bóng trên Donbass.

Le Monde lấy ví dụ là trường hợp của anh Dimitri, 35 tuổi, bị giam giữ trong 6 ngày, đêm ngủ phải nằm dưới sàn đất xi măng lạnh lẽo. Hiện tại, anh đang tị nạn tại Kiev, không nhà không cửa, tá túc hết chỗ này đến chỗ khác. Dimitri bị bắt vào ngày 22/5, trên đoạn đường giữa Donetsk và Marinka. Anh đang hộ tống hai người khác vận chuyển thiết bị như hòm phiếu, lá phiếu, cờ xí trên tay cho kỳ bầu cử tổng thống, với hy vọng mở được một phòng phiếu cho người dân ở Marinka lựa chọn vị lãnh đạo Ukraina vào ngày 25/05. Phe ly khai làm mọi cách để cản trở bầu cử diễn ra trên mảnh đất của họ. Sắp đến ngôi làng thì xe hơi của Dimitri bị chặn và tất cả đều bị bắt giữ. Dimitri thuật lại anh bị tra tấn dã man và bị xét hỏi với những câu mang tính chất cáo buộc như : « Mày đã từng ở quảng trường Maidan».

Một cặp khác là Fiodor Menchakok, 28 tuổi, thiết kế đồ họa và Ania Zoueva, 30 tuổi, kiến trúc sư cũng chịu những cuộc xét hỏi vô nghĩa và không có hồi kết như vậy. « Mày đã từng hô : Ukraina muôn năm phải không ? ». Sau đó, họ còn bị dạy cho một loạt các bài học về tư tưởng như « các giá trị của Nga và Chính Thống giáo » và gọi « Châu Âu là một con quỷ ».

Mục sư Sergueï Kosiak cũng đã từng bị bắt giam và thuật lại : « Tôi đã lên tiếng van nài nhưng họ không hề thương xót. Đối với họ, những gì không phải là Chính Thống giáo đều tệ hại. Tin Lành còn tệ hơn nữa vì họ xem tôn giáo này gần gũi với Hoa Kỳ ».

Tập Cận Bình chống tham nhũng để thâu tóm quyền lực

Liên quan đến thời sự tại Châu Á, tạp chí Le Courrier International trích dịch một bài báo trên tờ The Washington Post, nhắc lại rằng, từ khi cầm quyền từ một năm rưỡi nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tung ra chiến dịch chống tham nhũng chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại Trung Quốc. Ủy ban kỷ luật là một công cụ phục vụ cho chiến dịch bài trừ tham nhũng.

Ủy ban này tồn tại từ năm 1927. Cơ cấu rất mập mờ và cực kỳ phân cấp, nhưng nhiều cựu quan chức và đảng viên nay đã chịu thuật lại sự vận hành của tổ chức này với điều kiện giấu tên. Là một bộ máy của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức này hoạt động ngoài khuôn khổ pháp lý. Nhân viên xét hỏi có đủ tư cách để bắt giữ và xét hỏi bất kỳ quan chức nào của Đảng. Mức phạt nặng nhất là bị khai trừ khỏi đảng, nhưng cũng không hiếm trường hợp, Ủy ban này chuyển hồ sơ cho ngành tư pháp và thường tuyên các mức án nặng cho các quan chức bị sa thải.

Một số cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng chỉ nhắm phục vụ lợi ích cho ông Tập Cận Bình, củng cố hình ảnh của Đảng Cộng sản và nó sẽ còn đi rất xa. Theo nhận định của nhiều đảng viên, tầm cỡ của chiến dịch này còn xuất phát từ tính cách của ông Vương Kỳ Sơn, người lãnh đạo Ủy ban, mà ông Tập Cận Bình giao phó sứ mệnh điều tra chống tham nhũng. Các chuyên gia lưu ý rằng, ông Vương Kỳ Sơn rất được ông Tập Cận Bình ủng hộ, cho nên từ khi lên lãnh đạo Ủy Ban này vào cuối năm 2012, ông Vương Kỳ Sơn đã làm mạnh tay. Theo nhận định của một nhà ngoại giao Phương Tây biết rõ hai nhân vật này, thì hai ông là bạn bè thâm giao và rất tin tưởng lẫn nhau.

Theo hai cựu quan chức của Ủy ban này, các hồ sơ nhạy cảm cần phải được Bộ Chính trị của Đảng tán thành. Để được chính quyền bật đèn xanh thì cần có được chứng cứ cụ thể và để ngăn cản các quan chức có liên quan tìm cách bảo vệ nhân vật trong tầm ngắm. Trong vụ Chu Vĩnh Khang, giới điều tra đã lần lượt đưa ra các hồ sơ chống lại ông Chu và triệt hạ các tay chân thân cận của Chu Vĩnh Khang từng người một.

Các nhà điều tra phải vô cùng khôn khéo bởi vì khi động vào mớ chằng chịt tham nhũng, họ có nguy cơ động vào các quan chức của Đảng và các chủ doanh nghiệp mà họ không được phép động vào. Một nhà điều tra giải thích, để tiến hành một cuộc điều tra, cần phải cắt mối quan hệ của các quan chức bị tình nghi với vây cánh của họ và giảm thiểu khả năng phi tang chứng cứ và bịt miệng tay chân, đàn em. Ủy ban này còn dựa vào các chuyên gia kế toán và các nhân viên tin học có khả năng lấy và phân tích dữ liệu điện thoại thu thập được. Tuy nhiên, công cụ ưu tiên của giới điều tra vẫn là xét hỏi. Một số âu lo hút thuốc sau đó, mất ăn mất ngủ, một số đã tự sát hay chết trong quá trình bị giam cầm. Thời gian giam giữ có thể kéo dài đến 6 tháng, nhưng cũng có thể kéo dài thêm.

Cuối cùng, Chris Johnson, cựu phân tích gia của CIA nhận định, chiến dịch bài trừ tham nhũng chỉ là một phương tiện giúp ông Tập Cận Bình đạt được mục đích cuối cùng là bảo đảm và thâu tóm quyền lực.

Chủ phà Sewol bị bị truy lùng là ai ?

Từ sau thảm kịch đắm phà Sewol ngày 16/04/2014 tại Hàn Quốc, cảnh sát nước này truy nã Yoo Byung Eun. Tạp chí L’Express quan tâm đến nhà tài phiệt này và phát họa nhiều bộ mặt khác nhau của ông : vừa là nhiếp ảnh gia, nhà tài trợ cho bảo tàng Louvre và cung điện Versailles ; chủ nhân của công ty quản lý phà Sewol còn là lãnh đạo một giáo phái lớn tại xứ sở kim chi.

Ông sinh năm 1914 tại Kyoto, Nhật, do gia đình di tản trong thời kỳ bị Nhật chiếm đóng. Sau Đệ nhị Thế chiến, ông lớn lên ở Hàn Quốc. Trong một đất nước nghèo, trước ngưỡng bùng nổ kinh tế, các phong trào tôn giáo tràn ngập. Ông chưa từng qua khóa đào tạo nào để trở thành mục sư, nhưng đã biết gây ấn tượng cho công chúng. Ông Yoo đã lập ra giáo phái riêng.

Ông Yoo giảng dạy, thuyết giáo và kinh doanh. Tiền kiếm được dùng đề mua chuộc các mối quan hệ và giao du với giới có chức quyền. Ông Yoo rất thân với cựu Tổng thống Chun Doo Hwan, nhờ đó ông Yoo và công ty Semo của ông được độc quyền khai thác giao thông đường thủy trên sông Hàn chảy qua Seoul vào năm 1986. Hoạt động này mang lại rất nhiều lợi nhuận cho ông vào kỳ tổ chức Thế vận hội Seoul 1988.

Tai nạn đầu tiên của hãng này là vào năm 1990, đã gây thiệt mạng 13 người. Cũng đầu năm 1990, ông Yoo bị tình nghi dính líu vào vụ 32 tín đồ của một giáo phái bị thiệt mạng, nhưng cuối cùng ông Yoo cũng được trắng án, mà theo tạp chí là có thể nhờ vào những vây cánh có thế lực của ông Yoo. Tuy nhiên, ông cũng bị kết án 4 năm tù cho tội danh biển thủ do ông đã đề nghị các tín đồ dâng cúng 1,2 tỉ won (850.000 euro) cho việc thờ phượng, nhưng cuối cùng món tiền ấy lại rơi vào tài khoản của ông Yoo.

Tại Pháp, ông tung các chiến dịch quảng cáo cá nhân trên khắp các biển quảng cáo về buổi triển lãm tranh chụp của ông. Ông lấy bí danh là « Ahae », trong tiếng Hàn, có nghĩa là trẻ con. Ông bỏ ra đến 700.000 euro để mướn một khán phòng tại điện Versailles để triển lãm ảnh và bỏ ra 1,4 triệu euro cho việc trùng tu điện Versailles. Đây là lần đầu tiên mà cung điện Versailles và bảo tàng Louvre trưng bày một tác giả mà chẳng có tên tuổi gì trong làng nhiếp ảnh và thậm chí cái tên Ahae ở chính nước Hàn cũng không ai biết tới.

Vai trò của phụ nữ trong chiến tranh

Lễ kỷ niệm 100 năm chiến tranh thế giới thứ I bắt đầu vào thứ Hai và cũng là ngày Quốc khánh Pháp (14/07). Nhân dịp này, nhật báo Công giáo La Croix nhìn lại vai trò của người phụ nữ trong cuộc chiến này. Trong bài viết « Phụ nữ, anh hùng bị lãng quên trong cuộc chiến 14-18 », La Croix nhận định, trong chiến tranh, phụ nữ được giải phóng, bắt đầu lao động và giữ vai trò cốt lõi tại công xưởng, trên cánh đồng thay cánh đàn ông phải ra chiến trận. Một số khác đã hỗ trợ trực tiếp cho quân đội như làm y tá, gián điệp (quân nhân không cầm vũ khí), nhà văn hay lo công tác hậu cần. Rất nhiều phụ nữ đã trở thành góa phụ sau chiến tranh.

Những chiến binh ngoại quốc ngã xuống vì nước Pháp

Bên cạnh đó, tạp chí Le Nouvel Observateur vinh danh hàng trăm nghìn chiến binh đến từ hải ngoại đã ngã xuống vì nước Pháp trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914) và đệ nhị thế chiến (1940-1944). Họ đã góp phần tạo nên bản sắc của nước Pháp.

Các chiến sĩ đó đến từ Châu Phi, châu Á và cả những thuộc địa khác của Pháp cũng đã phục vụ nước Pháp. Pháp chọn năm này để kỷ niệm 80 quốc gia đã tham gia vào Chiến tranh Thế giới thứ I bằng cách mời đại diện của các quốc gia này tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp (14/7).

Liên quan đến các quốc gia Đông Dương, tạp chí Le Nouvel Observateur có vinh danh phi công Đỗ Hữu Vị (1883-1916). Ông là con trai một quan lớn giàu có ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Ông đậu vào trường võ bị Saint-Cyr vào năm 1904. Năm 1911, ông có bằng lái máy bay do Aéro-Club của Pháp cấp. Trong thời gian nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ I, ông đang sống tại Đông Dương (1914-1918) nhưng ông xin sang Pháp chiến đấu và lái nhiều chuyến bay trinh sát. Tháng 4/1915, ông gặp tai nạn khi hạ cánh. Tay trái bị gãy, hàm và sọ bị nứt, ông đã bị hôn mê trong 9 ngày. Sau đó, không lái máy bay được nữa, ông đã xin vào bộ binh và được làm chỉ huy cho một đại đội lính lê dương. Ông tử trận vào ngày 09/07/1916 tại tỉnh Somme.

Con người phí phạm thức ăn hàng ngày

Mục điểm báo được kết thúc bằng bài viết trên tạp chí le Nouvel Observateur « Quá lãng phí trong đĩa thức ăn ». Mỗi người Pháp bỏ 20 ký thức ăn hàng năm. Để tránh lãng phí, các nhà sản xuất và phân phối tìm cách thu gom để bán rẻ hoặc phân phát cho « ngân hàng thức ăn » để cấp cho người nghèo.

Theo tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), 1,3 tấn lương thực tương đương 1/3 sản lượng sản xuất bị bỏ đi hoặc bị lãng phí, tức là bị mất 500 tỷ euro hàng năm, trong khi gần một tỉ người đang chịu nạn đói trên thế giới, không chỉ tại những nước nghèo. Một số loại rau củ hình dạng xấu xí như khoai tây, ớt tây dị dạng đều không bán được trên thị trường, nên nông dân đã bỏ đi. Ngoài ra, một số sản phẩm ở siêu thị hết hạn sử dụng cũng bị vứt đi khá nhiều. Để tránh lãng phí, các nhà phân phối đã tìm cách bán rẻ 30% giá thành các sản phẩm hơi « dị dạng » hay thu gom cho các tổ chức từ thiện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.