Vào nội dung chính
NGA - TAI NẠN - HÀNG KHÔNG

Áp lực lên Mátxcơva sau tai nạn máy bay

Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraina vào hôm qua (17/7/2014) là đề tài chiếm trang nhất hầu hết các nhật báo Pháp. « Máy bay Boeing rơi khơi lại khủng hoảng tại Ukraina » là tựa trên Le Figaro. Libération chạy tít : « Chiến tranh trên bầu trời ».

Quân ly khai thân Nga ngay tại hiện trường máy bay MH17 bị nạn hôm 17/07/2014.
Quân ly khai thân Nga ngay tại hiện trường máy bay MH17 bị nạn hôm 17/07/2014. REUTERS/Maxim Zmeyev
Quảng cáo

Ba từ « bị bắn rơi » được lặp đi lặp lại trên các tờ báo để chỉ về chiếc máy bay xấu số đang trên đường bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur với 295 sinh mạng. Dù cho nguyên nhân từ đâu đi nữa thì 295 hành khách và phi hành đoàn cũng đã mất mạng.

Cả ba nhật báo đều có chung nhận định là hiện cả hai phe là phe ly khai thân Nga và phía Kiev đều đang đổ lỗi cho nhau trong vụ bắn hạ chiếc Boeing nhưng nghi ngờ vẫn nghiêng nhiều về khả năng phe ly khai. Một số tờ báo khác thận trọng hơn và gọi đây là « một sự ngờ vực kinh hoàng » như tờ La Provence.

Vì sao lại có sự ngờ vực này ? Chỉ ít lâu sau khi máy bay rơi, lãnh đạo phe thân Nga Ukraina đăng tải một thông tin trên Facebook cho biết phe ly khai đã bắn hạ một chiếc máy bay do họ tưởng là chiếc máy quân sự. Khi được biết đó là chiếc máy bay dân sự, thông tin này đã bị xóa khỏi Facebook.

Chiếc máy bay Boeing không hề có tín hiệu trục trặc gì trước khi bị rơi, đang bay trên độ cao 10 000 mét thì bỗng dưng bị rơi trên bầu trời Donetsk, đang nổ ra chiến tranh. Tờ Parisien đặt câu hỏi, liệu phe ly khai thân Nga có vũ khí tối tân như vậy hay sao để có thể bắn rơi được chiếc máy bay ở độ cao như vậy. Bởi vì, theo giải thích của chuyên gia an ninh hàng không, Xavier Tytelman, để chạm được đến độ cao mà mắt thường không nhìn thấy được chiếc máy bay thì phải có một hệ thống tên lửa phức tạp hoặc có máy bay chiến đấu.

Các nhật báo đồng loạt quan ngại về khả năng leo thang quân sự tại khu vực. Theo bài xã luận trên tờ Le Figaro, nếu như giả thuyết máy bay bị tên lửa bắn hạ được khẳng định thì đây quả là một « tội ác không thể tha thứ được và một lỗi lầm trầm trọng».

Le Figaro cũng quan ngại đến số phận đang đè nặng lên hãng không Malaysia Airlines. Cách đây 4 tháng, chiếc MH 370 của hãng này đã mất tích khi trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh với 239 người. Le Figaro nhận định, vụ máy bay MH17 rơi gây sốc cho cả thế giới. Theo ngôn từ của Tổng thống Obama thì đây là một « bi kịch khủng khiếp».

Libération nhận định, đây không phải là lần đầu tiên một chiếc máy bay dân sự bị bắn rơi. Ngày 01/09/1983 trong lúc đang diễn ra chiến tranh lạnh, một máy bay của hãng Korean Airlines chở 269 hành khách bị trúng tên lửa của một máy bay chiến đấu Liên Xô tại miền Tây đảo Sakhaline. Năm năm sau, ngày 3/07/1988, khi đang diễn ra chiến tranh Iran-Irak, một máy bay của hãng Iran Air bị trúng đạn của Hải quân Mỹ. Tuần dương hạm Mỹ USS Vincennes đã bắn hai tên lửa làm thiệt mạng 290 thường dân, trong đó có 66 trẻ em. Ít lâu sau, Hoa Kỳ đã thừa nhận lỗi lầm.

Khẩu chiến

Báo chí quốc tế dĩ nhiên cũng lên tiếng về thảm kịch này. Tờ The New York Times nhận định : «Chỉ có Putin mới dừng được chiến tranh tại Ukraina ». Xung khắc tại Ukraina đã kéo dài từ lâu và bắt đầu gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện tại, Putin vẫn cứ thích tỏ ra mình là nạn nhân của mưu đồ gian xảo từ Hoa Kỳ. Tờ nhật báo lớn của Mỹ đặt câu hỏi : « Liệu các nạn nhân của thảm kịch này có làm động lòng Putin để ông chấm dứt trò chơi vô ích này tại Ukraina hay không ? ».

Trên trang mạng truyền thông Nga bằng tiếng Pháp La Voix de la Russie, Tổng thống Putin quy trách nhiệm cho Ukraina về vụ rơi máy bay này. Ông cũng đã đề nghị họp muộn vào ban đêm tại Mátxcơva và dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân của tai nạn này. Theo trang mạng La Voix de la Russie, Tổng thống Nga đã ra lệnh cho các quân nhân Nga hợp tác điều tra về thảm kịch này. Nhật báo Anh The Guardian cho biết, Thủ tướng Malaysia Najip Razak lo ngại các chứng cứ biến mất, bởi vì các mảnh vỡ của chiếc máy bay hiện đang bị các chiến binh thân Nga nắm giữ.

Nhật báo Nga Kommersant dẫn nguồn từ hàng không Nga để cáo buộc Ukraina chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn này. Nguồn tin này trách Kiev lẽ ra nên cấm tất cả các chuyến bay đi qua không phận đang xảy ra chiến tranh.

Qua bài viết khác trên nhật báo Les Echos đề tựa : « Ukraina : máy bay Malaysia bị tấn công gây áp lực lên Mátxcơva ». Tờ báo kinh tế quan tâm đến tác động của thảm kịch này lên thị trường tài chính trên thế giới. Chứng khoán Mátxcơva giảm 2,3% còn Paris hạ 1,21%.

Khủng hoảng của chính phủ Cam Bốt

Liên quan đến thời sự tại Châu Á, Libération hôm nay quan tâm đến tình hình chính trị tại Cam Bốt qua bài viết : « Chính quyền Cam Bốt trở nên độc đoán ». Theo tờ báo, Thủ tướng Hun Sen đã tấn công vào giới biểu tình và bắt giữ 8 dân biểu đối lập.

Libération cho biết, khủng hoảng bắt đầu từ thứ 3, khi hàng trăm người biểu tình xuống đường đòi chính phủ mở cửa lại công viên Tự do, nơi trước đây dành cho người biểu tình. Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen đã đóng cửa công viên này hồi tháng Giêng sau cuộc biểu tình rầm rộ của phe đối lập và sau đó bao bọc công viên bằng một hàng rào thép gai vào tháng Năm.

Chủ tịch trung tâm nhân quyền Cam Bốt nhận định, không hề có một bằng chứng nào quy trách nhiệm người biểu tình sau vụ đụng độ chết chóc. Cần phải xem lại các đoạn video hôm thứ ba vừa rồi để xem sự việc này có bị chính phủ sắp đặt trước không.

Bên cạnh khủng hoảng chính trị đang ngự trị tại Cam Bốt là tình trạng phẫn nộ trong dân chúng, đặc biệt là giới công nhân ngành may mặc, lực lượng trụ cột góp phần vào tăng trưởng Cam Bốt. Trước một chính quyền độc đoán và hung bạo đã bắn vào đám đông biểu tình hồi tháng Giêng vừa rồi, làm thiệt mạng 4 người, người dân công kích mạnh hơn. Ông François Ponchaud, một quan sát viên tại Cam Bốt e ngại bùng nổ bạo lực tại đất nước này. Ông nhận định, « Thủ tướng Hun Sen muốn thể hiện cho dân thấy là ông ta có quyền lực, nhưng khi người Cam Bốt nổi giận, thì họ sẵn sàng làm mọi thứ ». Lạ kỳ thay là từ lúc xảy ra đụng độ chết chóc, lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy vẫn im lặng. Ông Sam Rainsy hiện đang ở Pháp và cho biết sẽ quay trở về Cam Bốt.

Đóng đinh trên thập giá vẫn tồn tại tại Syria

Ngày nay, hình phạt man rợ là đóng đinh trên thập giá vẫn tồn tại tại Syria. Đó là nội dung một bài viết trên tờ báo Công giáo La Croix. Nhiều hình ảnh và các đoạn phim được đăng trên mạng cho thấy các hành động man rợ vẫn còn hoành hành ở thế kỷ này, trong đó có hình phạt đóng đinh trên thập tự.

Tuy nhiên, người ta vẫn hoài nghi, liệu đó là sự thật hay được dàn dựng ? Các thi thể đẫm máu bị đóng trên thập giá trước sự chứng kiến của công chúng. Liệu có một biện pháp nào để kiểm chứng sự thật ? Tờ báo thận trọng cho rằng, cuộc nội chiến đã xé nát đất nước Syria và mọi dàn dựng trên mạng internet đều có thể xảy ra.

Thế nhưng, nhà nghiên cứu người Pháp-Liban Antoine Fleyfel, giáo sư đại học công giáo Lille, khẳng định, hình phạt đóng đinh trên thập tự vẫn còn tồn tại ngày nay tại vùng Cận Đông. Các hành động này thường do thành phần djihad nhóm Hồi giáo cực đoan tiến hành và thường nhắm đến người Hồi giáo.

Trường hợp thứ nhất là dựa vào một số tấm ảnh về cảnh đóng đinh, tờ báo cho rằng, hình phạt này không làm cho nạn nhân bị chết mà chỉ nhằm làm nhục trước công chúng, để trừng phạt hành vi sai lầm của họ. Giáo sư Antoine Fleyfel giải thích, hành động đóng đinh này không giống như trường hợp Chúa Giê-Su bị đóng vào thập giá đến chết.

Trong trường hợp thứ hai là qua các video, La Croix giải thích, các nạn nhân đã bị hành hạ và bị bắn chết trước khi bị đóng đinh vào thập giá. Theo một tổ chức phi chính phủ Syria, có 8 quân phiến loạn Syria bị giết trước khi bị đóng vào thập giá.

Thế còn người Thiên Chúa giáo có bị đóng đinh như vậy không ? Theo nữ tu Raghida Al Khoury, cựu hiệu trưởng một trường học tại Damas, làm chứng hồi tháng Tư vừa rồi, có 2 người Công giáo bị nhóm djihad đóng đinh, do họ không chịu theo Hồi giáo. Ngày 02/05/2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khóc khi báo chí loan tin 2 người Công giáo bị đóng đinh tại những quốc gia không theo Thiên Chúa giáo, mà không nói thẳng đó là Syria.

Rồng Việt Nam được triển lãm tại bảo tàng Guimet (Pháp)

Mục điểm báo được khép lại bằng bài viết trong mục văn hóa trên Le Figaro nói về triển lãm mang tên : « Rồng bay. Nghệ thuật hoàng gia Việt Nam » được trưng bày tại bảo tàng Guimet (Paris) nhân sự kiện năm văn hóa Pháp-Việt. Đây là lần đầu tiên, bảo tàng nghệ thuật Á châu Guimet được vinh dự giới thiệu ở nước ngoài bộ sưu tập vàng và kho báu của triều Nguyễn, triều đại vua chúa cuối cùng của Việt Nam. Sau khi vương triều Bảo Đại sụp đổ vào 25/08/1945, những vật dụng của hoàng cung vẫn còn sót lại qua bao thăng trầm lịch sử. Chỉ đến năm 2007, chính quyền Việt Nam mới chấp nhận đem ra trưng bày một số bảo vật tại bảo tàng lịch sử quốc gia Hà Nội.

Trong số được trưng bày tại bảo tàng Guimet có các kỷ vật được làm bằng vàng, các bình trà, chén dĩa cho các buổi tiệc tùng bằng vàng, bạc, được chạm trỗ công phu với hình rồng phượng. Buổi triển lãm nêu bật vai trò của hình tượng con rồng như con vật biểu tượng cho triều đại vua chúa. Ông Pierre Baptiste, thuộc bảo tàng Guimet nhận định : « Tại Châu Á, hình ảnh rồng không giống như ở phương Tây thời Trung Cổ. Rồng không phải là con quái vật, nó cũng không liên quan đến địa ngục, mà gắn liền với nước. Con vật này có sức mạnh thần kỳ, nó có thể mang lại thịnh vượng, nhưng ngược lại cũng có thể gây nên bão tố. Ngoài ra, trang phục của triều đại nhà Nguyễn cũng được trưng bày với các họa tiết rồng phượng. Ngay cả cái tên Bảo Đại cũng có nghĩa là « con rồng An Nam ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.