Vào nội dung chính
UKRAINA

Ukraina : Vì sao đa số phi cơ dân dụng bay qua vùng có chiến sự ?

Chủ đề chuyến bay MH17 bị tên lửa bắn hạ tại Ukraina tiếp tục là quan tâm hàng đầu của báo chí Pháp. Để máy bay dân sự bay qua vùng có chiến sự tại Ukraina trước khi có lệnh cấm hoàn toàn, đặt cược tính mạng của người dân vào may rủi, các hãng hàng không, chính quyền Kiev, cơ quan hàng không quốc tế, ai phải chịu trách nhiệm chính ? Les Echos cung cấp một số trả lời.

CChung quanh xác máy bay Malaysia. Ảnh ngày 20/07/2014.
CChung quanh xác máy bay Malaysia. Ảnh ngày 20/07/2014. REUTERS/Maxim Zmeyev
Quảng cáo

Sau khi máy bay của hàng không Malaysia bị hỏa tiễn bắn rơi ngày 17/07 tại Dnieproetrovsk, ngay lập tức cơ quan hàng không dân sự quốc tế cũng như Châu Âu tuyên bố cấm toàn bộ các chuyến bay qua vùng miền Đông có chiến sự. Phần lớn các hãng quyết định tránh hoàn toàn không phận Ukraina. Chỉ mấy ngày trước tai nạn hàng không dân sự nói trên, phe nổi dậy đã bắn hạ một máy bay vận tải cỡ lớn Antonov 26 của Ukraina, ở độ cao tương tự với chuyến bay MH17.

Trả lời cho câu hỏi này, Les Echos có bài phân tích rất đáng chú ý mang tựa đề « Bay qua Ukraina, chọn an toàn hay tiết kiệm xăng dầu ». Câu hỏi đặt ra là, tại sao trước tai nạn thảm khốc nói trên, đa số các công ty hàng không vẫn tiếp tục lộ trình qua vùng miền Đông có chiến sự rất nguy hiểm ? Tại sao Kiev không đóng toàn bộ không phận để bảo đảm an toàn ?

Trong những xung đột mới đây tại Kosovo hay Lybia, các cơ quan hàng không quốc tế luôn thông báo lệnh cấm bay. Nhưng trong xung đột tại Ukraina, phản ứng của các định chế này lại « rụt rè » hơn. Chính vì thế, các hãng hàng không có quyền quyết định chọn hay không hướng đi mạo hiểm này. Ngày 26/06, chính quyền Kiev ra lệnh cấm một phần không phận miền Đông, tức đối với các chuyến bay thương mại ở độ cao dưới 26.000 bộ (tức 7.925 mét), rồi tiêu chuẩn này được nâng lên 32.000 bộ (tương đương 10 km). Chuyến bay bất hạnh MH17 đã bay đúng ở độ cao cho phép, chính xác là cao hơn 300 mét so với tiêu chuẩn.

Với lý do tiết kiệm xăng, 75% các hãng hàng không đi Đông Nam Á và Nam Á ( trừ British Airways, Qantas hay Korea Air ) vẫn chọn hướng qua miền Đông có chiến sự, trước khi có lệnh cấm toàn bộ, vì đây là đường đi thẳng nhất. Luận điểm này, theo Les Echos, không mấy thuyết phục, khi giá xăng dầu hiện tại không cao hơn hồi đầu 2011. Lợi ích của hai bên gặp nhau, khi mà Ukraina không muốn từ bỏ khoản tiền thu phí các hãng nước ngoài sử dụng không phận. Như vậy, tại khu vực có chiến sự, trước lệnh cấm toàn bộ, hàng ngày có đến 350 chuyến bay, trong đó có 150 chuyến bay chở khách đường dài.

Trước đó ít ngày, ngày 16/07, cơ quan hàng không dân sự quốc tế mới ra lệnh cấm bay qua bầu trời Crimée, với lý do « tình trạng nguy hiểm » do không phận cùng một lúc nằm dưới sự quản lý của hai quốc gia, Nga và Ukraina. Les Echos bình luận, chính quyết định này đã vô tình cản trở những dự định chuyển hướng bay xuống phía Nam một chút để tránh vùng có chiến sự, mà đường bay cũng không dài hơn là bao.

Vụ máy bay rơi : Nga phải đối mặt với trách nhiệm

Le Monde chạy tựa trên trang nhất « Ukraina : vụ chiếc Boeing 777 làm Nga yếu thế ». « Chuyến bay MH17 : Matxcơva ở ghế bị cáo » là tựa trang nhất Les Echos. Le Figaro cho biết Washington có các bằng chứng về việc Nga cung cấp dàn phóng hỏa tiễn bắn rơi máy bay Malaysia cho phe nổi dậy miền Đông Ukraina và hiện được đã thu hồi về nước.

Cũng liên quan đến vụ tai nạn máy bay do tên lửa, báo Le Monde có bài xã luận « Sự bất lực của điện Kremlin ». Theo Le Monde, vụ máy bay gặp nạn đặt Matxcơva vào thế phải đối diện với chính sách hậu thuẫn phe nổi dậy miền Đông Ukraina của Nga. Trong bài « Ukraina : ông Putin bị mắc kẹt trong những mâu thuẫn của chính mình », Le Monde nhận định Matxcơva phải làm sáng tỏ lập trường đối với phe ly khai. Mặc khác, Le Monde cũng nhấn mạnh « Châu Âu buộc phải tìm sự đồng thuận để đối phó với ‘‘cuộc chiến tranh kép’’ », tức cuộc chiến của phe ly khai được sự hậu thuẫn vừa công khai, vừa ngấm ngầm của Nga. Cuộc chiến với các chiến binh Nga không mang phiên hiệu đã được Matxcơva tiến hành thành công tại Crimée, và nay đang được áp dụng tại Ukraina.

Về chủ đề này, Le Figaro phơi bày thái độ lẩn tránh trách nhiệm của phe ly khai qua bài « Hàng ngũ rối loạn, phe nổi dậy trốn tội ». Mặc dù, vai trò của lực lượng nổi dậy còn chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng chiếc Boeing 777 rơi trên vùng đất do họ kiểm soát. Trốn tránh điều tra, đối xử phi nhân với thi thể các nạn nhân, phổ biến các tin đồn về âm mưu mờ ám… những điều này cho thấy phe ly khai đang lâm vào một tình thế khó xử như thế nào.

Le Figaro cho biết Hà Lan giận dữ cao độ, trước việc điều tra bị cản trở. Thủ tướng Hà Lan cảnh báo đây là cơ hội cuối cùng của ông Putin để « làm điều mà toàn thế giới chờ đợi » từ ông ta. « Gọng kìm đã xiết chặt với Matxcơva » là nội dung một bài viết khác trên Le Figaro. Tờ báo cho biết Hoa Kỳ đã có đủ thông tin tình báo, từ vệ tinh và qua các điện thoại, theo đó trong những ngày gần đây 150 xe quân sự đã vượt biên giới Nga vào Ukraina, trong số đó, có nhiều xe tăng và hệ thống tên lửa đất đối không Buk M1 (mà Nato gọi là SA-11 « Gadfly »). Hai trong số các « Gadfly » đã có mặt tại địa điểm gần nơi xảy ra thảm nạn trước đó khoảng vài giờ. Đặc biệt là, sau khi xảy ra vụ bắn nhầm mà phe nổi dậy tự ca ngợi trên mạng Twitter và rút xuống ngay sau đó, dàn phóng tên lửa này đã được đưa trở về Nga để xóa dấu vết. Theo các video mà Hoa Kỳ hiện có, một dàn hỏa tiễn khi trở về Nga thiếu một tên lửa. Thông tin trên đây được đăng tải trên Wall Street Journal.

Bài « Im lặng nặng nề của Kremlin » trên Le Figaro nhận định về phản ứng lẩn tránh từ nhiều tháng nay của lãnh đạo Nga, lợi dụng sự khác biệt trong thái độ của Phương Tây, Washington thì kiên quyết, nhưng Châu Âu lại mềm mỏng. Theo Le Figaro, hiện tại chính quyền Nga chưa biết phản ứng như thế nào trước thảm kịch này, điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ của phản ứng quốc tế và bằng chứng về vai trò của Nga mà Phương Tây có thể cung cấp.

« Gaza : cuộc chiến ở đó, thuốc súng ở đây »

Chiến sự tại Gaza và ảnh hưởng lây lan của nó là một chủ đề lớn khác của báo Pháp. Hôm qua, ngày thứ ba của cuộc can thiệp trên bộ của quân đội Israel là một ngày đẫm máu nhất kể từ đầu xung đột, với ít nhất 100 người Palestine và 13 quân nhân Israel thiệt mạng. La Croix mô tả chiến dịch trên bộ tại Gaza. Chiến dịch - mà Israel tuyên bố chỉ nhằm truy tìm và phá hủy các đường ngầm vượt qua biên giới Gaza-Israel – để lại các hậu quả thảm khốc với cư dân địa phương : không kể những người thiệt mạng, hơn 63.000 thường dân phải đi lánh nạn, đời sống vốn đã hết sức khó khăn tại khu vực này càng trở nên tồi tệ hơn.

« Barbès-Saccelles : sự lây lan của bạo lực » - hàng tựa chính của Le Figaro - mô tả những bạo động bên lề các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, phản đối Israel, bị cấm tại Paris hôm thứ bảy (nhưng vẫn diễn ra), cũng như trong một cuộc biểu tình khác hôm qua. Le Figaro chia sẻ nỗi lo ngại của chính phủ.

« Gaza, cuộc chiến ở đó, thuốc súng ở đây » là hàng tựa chính của Libération. Xã luận Libération, một mặt lên án các bạo động, các hành động bài Do Thái – do hận thù thúc đẩy -, mặt khác, tố cáo luận điểm chỉ trích cộng đồng Hồi giáo tại Pháp nói chung, gắn các bạo động trong các biểu tình với hình ảnh 6 triệu người Pháp theo đạo Hồi. Theo Libération, ở bên nào cũng có các nhóm phái cực đoan, những người có trách nhiệm trong cộng đồng Do Thái cần « lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực và phân biệt chủng tộc » của các thành phần Do Thái cuồng tín, không nên rập khuôn quan điểm của chính phủ Israel.

Trung Quốc : Một nhân vật tiêu biểu cho “quyền lực mềm” bị bắt

Nhìn sang Châu Á, báo Libération chú ý đến vụ người dẫn chương trình nổi tiếng của đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, ông Rui Chenggang (Nhuế Thành Cương), bị bắt cách nay hơn một tuần vì nghi ngờ tham nhũng. Đài CCTV là mạng lưới truyền hình lớn nhất Trung Quốc, quản lý 45 kênh.

Người dẫn chương trình 36 tuổi nói trên, phụ trách một buổi phát hình về kinh tế, đột ngột mất tích trước giờ làm. Trang Sina Weibo (tức Vi Bác, tương đương với Twitter của Trung Quốc) cá nhân của người này, vào hôm trước bị bắt có đến 10 triệu người truy cập.

Vụ bắt giữ này được đánh giá là chưa từng có tại Trung Quốc, bởi người dẫn truyền hình nói trên là một nhân vật tiêu biểu cho chính sách « quyền lực mềm » của Bắc Kinh. Năm 2007, nhân vật nổi tiếng dân tộc chủ nghĩa này viết blog phản đối việc mở tập đoàn cafe Starbukcs mở cửa hàng trong Tử Cấm Thành. Trong một lần họp báo với sự có mặt Tổng thống Hoa Kỳ Obama năm 2010, ngôi sao đang lên của truyền hình Trung Quốc khẳng định có thể thay mặt toàn thể Châu Á, để trả lời một câu hỏi mà Tổng thống Mỹ hỏi các phóng viên Hàn Quốc...

Cam Bốt : Những biến động của « mùa xuân Khmer »

Nhìn sang Đông Nam Á, Les Echos có bài « Những náo động của ‘‘mùa xuân Khmer’’ », mô tả những biến động mới đây trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng nay tại Cam Bốt, với việc thêm hai dân biểu của đảng đối lập bị bắt, bất chấp quy chế miễn tố với nghị sĩ. Cùng với 5 dân biểu khác đã bị bắt từ trước, các dân biểu đối lập này phải ra tòa vào thứ sáu tới đối diện với nhiều cáo buộc, trong đó có tội « âm mưu nổi dậy », với nguy cơ bị phạt tới 30 năm tù. Đảng đối lập giành được gần một nửa phiếu bầu trong cuộc bầu Quốc hội năm ngoái, nhưng không công nhận kết quả, với cáo buộc đảng cầm quyền gian lận phiếu.

Theo nhà phân tích chính trị Lim Ley, « Cam Bốt đang ở bên bờ của sự bùng nổ ». Mới đây, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy – sống tại Paris từ gần một năm nay - trở về nước, tìm kiếm các thỏa hiệp với chính quyền, đặc biệt trong đàm phán về thành phần Ủy ban bầu cử, cũng như chia sẻ việc điều hành các ủy ban trong Quốc hội. Theo ông Sam Rainsy, đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại Cam Bốt kể từ cuộc đảo chính năm 1997.

Tổng thống Pháp « nghiện » SMS

Libération hôm nay có bài châm biếm quyết định đầu tháng 4 của Tổng thống François Hollande. Tại cuộc họp đầu tiên của chính phủ M. Valls, phát biểu đầu tiên của ông Hollande là cấm các thành viên chính phủ sử dụng điện thoại di động trong cuộc họp, một thói « nghiện » mà các bộ trưởng phải từ bỏ.

Tất cả những người tham dự đều cười trong bụng, bởi như Libération cho biết, Tổng thống Hollande mới là người « nghiện » gửi tin nhắn nhất. Người đầu tiên mà quyết định cấm này nhắm vào chính là François Hollande. Trong các cuộc họp với chính phủ Jean-Marc Ayrault trước đây, ông thường xuyên gửi SMS trong giờ họp.

Theo Libération, Tổng thống Pháp có một tâm thái « hết sức vội vã ». Ông thường đọc ngấu nghiến tin tức các loại của AFP trên di động, và đặc biệt là đọc hết các loại tin nhắn và thường trả lời. Hiện tại, François Hollande vẫn giữ nguyên số điện thoại trước kia, cho dù cơ quan an ninh yêu cầu bỏ. Số điện thoại ông dùng hàng chục năm này có rất nhiều người biết. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp có thêm một số điện thoại thứ hai khi dùng cho các vấn đề an ninh, quốc phòng. Số này thì rất ít bộ trưởng có được.

Dịch Ebola tiếp tục gây tử vong hàng loạt

Theo Le Monde, mặc dù được theo dõi chặt, bệnh dịch Ebola vẫn gây tử vong hàng loạt ở miền Tây Châu Phi. Kể từ đầu mùa dịch năm nay, đã có 613 người chết, trong số 982 người bị nhiễm virus. Ebola là căn bệnh truyền nhiễm duy nhất buộc phải công bố dịch, dù chỉ có một người tử vong. Hiện tại, không có thuốc đặc hiệu để trị căn bệnh này. Riêng tại Cộng hòa Guinea, tức trung tâm dịch, có 310 người chết trên tổng số 411 người nhiễm, chiếm 75%.

Virus Ebola lây theo đường hô hấp và theo các chất dịch từ cơ thể. Bệnh có khả năng xuất hiện từ 2 đến 21 ngày sau khi nhiễm virus.

Tổ chức y tế thế giới đã có cuộc họp khẩn các bộ trưởng y tế trong khu vực. 12 nước đồng ý tạo điều kiện cho các hợp tác xuyên biên giới, điều chưa được thực hiện đủ cho đến nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.