Vào nội dung chính
NGA

Chính sách của điện Kremlin cô lập nước Nga

Hôm qua, xe lửa chở thi thể các nạn nhân xấu số đã khởi hành từ nhà ga ở thành phố miền Đông Ukraina Torez, hướng tới khu vực Donetsk, sau đó sẽ được chuyển qua máy bay về Hà Lan. Tối hôm trước, phe ly khai Ukraina thân Nga cũng đã trao hộp đen của máy bay cho đại diện của Malaysia. Những động thái trên đều được báo chí Pháp bình luận trong số ra ngày hôm nay.

Tổng thống Putin tại điện Kremly. Ảnh ngày 21/07/2014
Tổng thống Putin tại điện Kremly. Ảnh ngày 21/07/2014 Reuters
Quảng cáo

Dưới tựa đề : « Chính sách của điện Kremlin cô lập nước Nga », bài xã luận trên trang nhất của tờ Le Monde lấy làm tiếc là Nga đã mất thời gian để thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm. Những ngày vừa qua, tổng thống Putin đã có cơ hội đưa ra những bài học về cách hành xử và thay đổi hình ảnh đất nước mình. Nhưng ông đã không nắm lấy cơ hội đó.

Ngay cả khi chưa biết chính xác là tên lửa bắn hạ chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines từ đâu tới, Mátxcơva đã có quân bài chiến lược là dùng ảnh hưởng của mình trên phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc điều tra. Nước Nga đã có thể đề xuất với những nhà điều tra của ngành hàng không dân dụng quốc tế đi qua lãnh thổ của mình để vào khu vực máy bay rơi. Nga cũng có thể thể hiện nhiều hơn nữa với Hà Lan, đất nước có tới 192 hành khách thiệt mạng, và Malaysia. Nhưng họ đã không làm vậy.

Phải đến khi Mỹ và Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu nhất trí tăng cường đe dọa trừng phạt thì Nga mới tỏ động thái hợp tác. Vì không phải ngẫu nhiên mà thứ hai vừa qua những tay súng ly khai Ukraina thân Nga chấp nhận giao hộp đen cho chính quyền Malaysia, chứ không phải cho Nga như ban đầu họ công bố. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà họ để đoàn tầu chở thi thể nạn nhân rời nhà ga tại Torez.

Chính sách của tổng thống Nga cũng được bài xã luận phân tích. Trên thực tế, tổng thống Putin đang bị mắc kẹt với những lời nói dối của mình. Ông luôn cố giữ hình ảnh không can thiệp vào việc của phe ly khai ở miền đông Ukraina. Nhưng ông không lừa dối được ai. Nếu như phe ly khai có xe tăng, vũ khí hạng nặng, ra-đa và tên lửa đất đối không hiện đại, đó là vì Nga đã giao cho họ. Nếu như quân ly khai do người Nga điều khiển, đó là vì cuộc chiến giữa họ với chính phủ Kiev là do Matxcơva quyết định.

Tổng thống Nga cũng bị mắc kẹt với chính quan điểm của mình. Các phương tiện truyền thông Nga đang thực hiện chiến dịch bóp méo thông tin. Họ gọi chính quyền Kiev là những kẻ « phát xít » được « các nước phương Tây suy tàn » ủng hộ để khống chế một nước Nga đang hồi sinh. Về thảm họa MH17, họ đổ lỗi cho một máy bay tiêm kích Ukraina muốn bắn hạ máy bay của tổng thống Putin trên đường từ Nam Mỹ về và đang bay qua Vacxava. Vladimir Putin đang co mình trong tình cảnh sẽ dẫn tới ông bị cô lập trên trường quốc tế.

Cũng cùng chủ đề trên, nhưng trên khía cạnh kinh tế và chính trị, trang nhất báo Le Monde phân tích động thái của các nước châu Âu trong bài : « Vụ rơi máy bay MH17 tại Ukraina : các nước châu Âu rụt rè trước Putin ». Bài báo cho rằng khi thảm họa xảy ra ngày 17 tháng 7 vừa qua, các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu đã không vội vàng thông qua đòn trả đũa đối với nước Nga. Hoa K ỳ yêu cầu thêm những biện pháp trừng phạt, còn các quốc gia châu Âu lại phải bảo vệ những quyền lợi kinh tế riêng, như vũ khí đối với Pháp, công nghiệp và năng lượng đối với Đức, và tài chính đối với Anh. Le Monde nhận định : « Đối mặt với nước Nga, châu Âu chọn cách lần chần tránh né ». Bài báo kết luận, không nghi ngờ gì nữa, Nga đang trở thành bậc thầy trong nghệ thuật chia rẽ người châu Âu để tiếp tục gây thêm trọng lượng trong vấn đề Ukraina.

Tờ Le Figaro cũng đồng quan điểm trên dưới tựa đề : « Ukraina : Liên hiệp châu Âu lẩn tránh trước Matxcơva ». Tờ báo đưa tin, khối 28 quốc gia đã đẩy lùi tới thứ 5 việc công bố danh sách những cá nhân và tổ chức Nga bị trừng phạt. Còn Paris đang cố chống chọi trước sức ép quốc tế về việc hợp đồng bán hai tầu quân sự Mistral ký từ năm 2011. Tổng thống Pháp khẳng định tầu quân sự thứ nhất sẽ vẫn được bàn giao cho Nga như dự kiến. Việc sản xuất chiếc thứ hai sẽ phải chờ xem xét động thái của nước này. Về phía mình, Hoa Kỳ hạ giọng trước những cáo buộc chống nước Nga. Một số tình báo Mỹ công nhận là cho tới hiện nay, cuộc điều tra về nguyên nhân của vụ rơi máy bay chưa cho phép khẳng định sự liên quan trực tiếp của chính phủ Nga. Họ vẫn giữ giả thuyết là phe ly khai thân Nga « bắn nhầm ».

Vẫn liên quan về động thái của các nước Liên hiệp Châu Âu đối với Nga và phe ly khai tại Ukraina, báo Les Echos đăng bài : « Ukraina : các nước châu Âu đe dọa trả đũa nền kinh tế Nga ». Còn tờ La Croix cho rằng : « Ngoại giao châu Âu bị thử thách trước vụ rơi máy bay tại Ukraina ». Tờ Les Echos nhận định rằng Liên hiệp châu Âu vẫn chưa nhấn cò nhưng ít ra súng đã nằm trên bàn. Hai biện pháp sẽ được đưa ra bàn bạc ngày mai tại Ủy ban châu Âu là : chống các doanh nghiệp thân cận của phe ly khai thân Nga tại Ukraina và chống nước Nga. Dưới tựa đề : « Matxcơva muốn hòa giải có điều kiện », bài báo dẫn lại điều kiện của tổng thống Nga là Kiev phải ngừng tấn công phe ly khai. Tác giả bài báo nhận định, đây là một thông điệp hợp tác, nhưng như thường lệ, tổng thống Putin luôn đưa ra những dấu hiệu trái ngược nhau. Phía Kiev đã phong tỏa khu vực ngừng bắn trong phạm vi 40 km xung quanh khu vực máy bay rơi, và đồng thời đã lấy lại thành phố Severodonetsk. Kiev cũng cáo buộc Nga đã triển khai 40 000 lính gần biên giới miền đông.

Những kẻ bài Do thái mới

Trở lại sự kiện chấn động nước Pháp ngày chủ nhật vừa qua, các báo Pháp tiếp tục đưa tin liên quan và đề cập tới những biện pháp mà tổng thống Hollande sẽ thực hiện để giảm căng thẳng bài Do thái.

Các báo đều đăng tin liên quan tới việc tổng thống Pháp đón các nhà đại diện tôn giáo tại Pháp và hứa rằng sẽ  huy động công luận chống nạn bài Do thái. Về việc cấm biểu tình, tổng thống Pháp cho rằng : « chính bạo lực buộc phải đưa ra lệnh cấm biểu tình, chứ không phải việc cấm biểu tình gây ra bạo lực ». Le Figaro thông tin một cuộc biểu tình mới ủng hộ người Palestin đã được phép diễn ra ngày hôm nay. Biện minh cho quyết định này, tổng thống Pháp cho rằng các nhà tổ chức đã đưa ra những cam kết an ninh và những thành phần đập phá, dù là những nhóm có tổ chức, chỉ chiếm thiểu số. Le Figaro cũng đưa ra kết quả một cuộc điều tra về việc cấm biểu tình ủng hộ người Palestin. Theo đó, 62% người Pháp ủng hộ, 25% phản đối và 13% không đưa ra ý kiến.

Dưới tựa đề : « Chính phủ và các tổ chức tôn giáo báo động trước tình trạng hận thù mới đối với người Do thái », báo Le Monde dẫn ra con số thống kê của Ủy ban cố vấn quốc gia về Nhân quyền (CNCDH). Trong hai năm 2012 và 2013, nạn bài Do thái đã giảm bớt 31%. Thế nhưng, những sự kiện diễn ra gần đây sẽ làm tăng tình trạng này lên cao kể từ những năm 1990.

Tờ Libération dành trọn năm trang của chuyên mục « Sự kiện » phản ánh : « Những kẻ bài Do thái mới », trong đó tác giả liệt kê bốn mạng lưới quan trọng là : những người ủng hộ người cực đoan Palestine, những người theo phái dân tộc thượng đẳng châu Phi, Dieudonné và Soral cùng fan của họ và cánh cực tả truyền thống. Tác giả cuộc điều tra cho rằng bạo lực diễn ra tại Sarcelles và Paris cuối tuần vừa qua đã làm nổi bật sự gia tăng đáng báo động của hệ tư tưởng hận thù, nhờ vào những công cụ truyền bá lý tưởng nhất chính là các mạng xã hội.

Trên mạng Twitter, người Trung Quốc tung tin rằng Tây Tạng là 'cõi niết bàn'

Quay sang tình hình chính trị tại Trung Quốc, tổ chức Free Tibet tố cáo hàng trăm tài khoản giả Twitter được lập ra để tuyên truyền cho chính sách của Bắc Kinh tại Tây Tạng. Tờ Libération thông tin rõ hơn chủ đề này dưới tựa đề : « Trên mạng Twitter, người Trung Quốc tung tin rằng Tây Tạng là cõi niết bàn ».

Nội dung của các tài khoản Twitter giả có thể được tóm tắt như sau : « Mọi việc đều ổn tại Tây Tạng, nơi người dân địa phương múa hát ca ngợi niềm vui sống của mình trong trang phục truyền thống, mọi người đều vui mừng với sự có mặt của Trung Quốc đã mang lại bao điều tốt đẹp tới cuộc sống của họ ». Các tài khoản giả này được tạo ra nhằm tuyên truyền chính sách của Trung Quốc tại khu vực Tây Tạng và khu vực hồi giáo Tân Cương.

Một trong các tài khoản thuộc về một người tự nhận là « Tom Hugo ». Nhưng ảnh trên trang của nhân vật tưởng tượng này lại là ảnh một người mẫu nam nổi tiếng người Brasil Felipe Berto. Nhiều bức ảnh của những người mẫu khác hay những nhân vật nổi tiếng như Syd Barrett, một thành viên của ban nhạc Pink Floyd, cũng được sử dụng để tạo những tài khoản giả của người Tây phương luôn nghĩ tốt về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những đường dẫn trên các tài khoản trên đều đưa tới các phóng sự tuyên truyền của báo chí nhà nước và dẫn lại những phát biểu thù hằn đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Những người tuyên truyền này được người sử dụng internet Trung Quốc mệnh danh là « năm xu » vì những cá nhân này, thường là sinh viên hay bộ đội, mỗi lần đăng một lời bình có lợi cho chính phủ trên một trang blog được nhận món tiền trên.

Vùng Tây Tạng và Tân Cương phải chịu một loại luật không có tên rất hà khắc. Hai khu vực này là miếng mồi cho mỗi hành động phản kháng đối với các chính sách đồng hóa cưỡng bức do Bắc Kinh áp đặt. Không một tuần nào tại Tân Cương là không có chuyện người Duy Ngô Nhĩ dùng bom hay dao tấn công cảnh sát người Hoa. Trong khi đó, tại Tây Tạng, từ năm 2009, hơn 130 người đã tự thiêu để chống lại chính sách đàn áp của Trung Quốc. Vùng tự trị Tây Tạng này đóng cửa với các nhà quan sát và nhà báo nước ngoài từ sáu năm nay, và không ai biết chuyện gì đang thật sự diễn ra tại đây.

Vụ « gia đình kinh dị » khiến người Mê-hi-cô tức giận

Quay sang tình hình xã hội tại Mê-hi-cô, mới đây cảnh sát nước này đã cứu 600 trẻ em khỏi « Đại Gia đình » và sống trong điều kiện vô nhân đạo. Dưới dòng tựa : «Vụ « gia đình kinh dị » khiến người Mê-hi-cô tức giận », báo Le Monde phản ánh vụ bê bối đang gây chấn động tại quốc gia Trung Mỹ này.

« Đại Gia đình » ( La Gran Familia ) là tên của một trung tâm tiếp đón trẻ bị bỏ rơi, nằm tại Zamora, bang Michoacan. Ngày 17 tháng 7 vừa qua, cảnh sát đã phát hiện 600 thanh thiếu niên, trong đó có 438 trẻ vị thành niên, sống trong điều kiện vô nhân đạo và độc hại. Tòa án kết tội vô trách nhiệm đối với người thành lập trung tâm này, được gọi là « Mẹ Rosa », năm nay 81 tuổi và bị rối loạn thần kinh do tuổi tác lớn.

Vụ việc vỡ lở khi cảnh sát tiến hành lục soát trung tâm sau khi năm cặp vợ chồng tố cáo « Mẹ Rosa » bắt giữ con của họ. Tại đây, họ tìm thấy những đứa trẻ bị lèn trong những căn phòng đầy chuột và gián. Họ nhận thấy những đứa trẻ này bị suy dinh dưỡng, bị hành hạ, bị lạm dụng tình dục và bị buộc đi ăn xin. Nhiều trẻ em nữ, có thai, bị đánh đập để xẩy thai.

Chính phủ Mê-hi-cô sững sờ trước mức độ của vụ việc, vì trung tâm này có tiếng tại đây. Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng sức khỏe yếu của giám đốc trung tâm khiến bà không quản lý hết được hoạt động tại đây. Song nhiều nhân chứng khác khẳng định bà vẫn là người nắm hết quyền tại « Đại Gia đình ». Một số người khác cũng đã lên tiếng cáo buộc bà các tội tước đoạt tự do, biển thủ tiền đóng góp. Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều cặp cha mẹ trách bà đã tước quyền làm cha mẹ của họ.

Sáu trong số những người cộng tác của « Mẹ Rosa » đã bị tạm giam. Câu hỏi « Mẹ Rosa » là thiên thần hay ác quỷ sẽ không được tòa phán xét. Nhưng một câu hỏi khác đang khuấy động cuộc tranh luận hiện nay là : làm thế nào mà một tổ chức như vậy có thể thoát khỏi lưới của các tổ chức xã hội ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.