Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Khủng hoảng Ukraina : Tokyo gia tăng trừng phạt

Ngày 05/08/2014 Tokyo chính thức thông qua các trừng phạt mới nhắm vào những cá nhân và tổ chức « can dự vào vụ sáp nhập Crimée và làm mất ổn định Ukraina ».

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh minh họa
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh minh họa REUTERS/Edgar Su
Quảng cáo

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định phong toả tài sản của 40 cá nhân và hai tổ chức được cho là đã đóng vai trò tích cực gây ra khủng hoảng Ukraina. Đứng đầu danh sách cá nhân bị trừng phạt có cựu Tổng thống Ukraina, Victor Ianoukovitch. Tokyo cũng đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu sản phẩm được sản xuất tại Crimée.

Tuần trước khi chính phủ Nhật mới thông báo chuẩn bị đưa ra các trừng phạt mới thì Matxcova đã phản ứng gay gắt, đánh giá hành động của Tokyo « thiếu suy nghĩ », « không hữu hảo ». Nga chỉ trích các nhà chính trị Nhật chỉ chạy theo Washington, không có khả năng giữ lập trường độc lập.

Là thành viên của nhóm G7, khi xảy ra vụ sáp nhập Crimée, Nhật cùng với các thành viên trong khối đã lên án mạnh mẽ Nga. Cuối tháng 4/2014 Tokyo thông qua biện pháp trừng phạt đầu tiên bằng việc cấm visa nhập cảnh đối với 23 công dân Nga.

Là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, Nhật Bản đã rơi vào tình huống khá tế nhị ngay từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraina. Một mặt chính phủ của ông Shinzo Abe đang có chủ trương xích lại gần với Nga vì những lợi ích thương mại, kinh tế và năng lượng. Mặt khác, Tokyo cũng cố gắng giải quyết dứt điểm tranh chấp xung quanh quần đảo Kouril để tiến tới hiệp ước hoà bình Nga-Nhật.

Ngay hôm nay, Nga đã phản ứng lại quyết định trừng phạt của Tokyo bằng thông báo huỷ cuộc gặp ngoại giao cao cấp để bàn giải quyết tranh chấp quần đảo Kouril dự kiến diễn ra ngày 19/08/2014 tại Matxcơva.

Vẫn trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina, một lần nữa Hoa Kỳ tố cáo Nga vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân ly khai ở miền đông Ukraina.

Phát ngôn viên Ngoại giao Hoa Kỳ Jennifer Psaki, tuyên bố: “ Chúng tôi vẫn tiếp tục có những bằng chứng cho thấy Nga cung cấp cho phe ly khai vũ khí, khí tài cũng như huấn luyện cho lực lượng này…. Chúng tôi cho rằng có thể Nga đang chuẩn bị chuyển giao cho phe ly khai những giàn phóng rốc-két mạnh hơn".

Những ngày qua, Nga đã tiến hành một cuộc tấp trận lớn gần biên giới Ukraina với sự tham gia của hơn 100 máy bay chiến đấu. Bộ ngoại giao Mỹ đánh giá “hành động khiêu khích” này của Nga chỉ làm gia tăng căng thẳng.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.