Vào nội dung chính
NGA

Nga sẽ cạn tiền nếu tiếp tục đọ sức với phương Tây

Báo chí Pháp ra hôm nay đều quan tâm bình luận các biện pháp trả đũa của Nga đối với phương Tây, đồng thời phân tích những hậu quả mà kinh tế Nga sẽ hứng chịu. Libération phỏng vấn kinh tế gia Sergueï Gouriev. Ông nhận định : "Nếu tiếp tục đeo đuổi các biện pháp cứng rắn thì Nga sẽ cạn tiền" từ nay đến năm 2018. Trong cuộc "đọ sức trừng phạt này, Nga sẽ thảm bại hơn phương Tây".

Thủ tướng Medvedev : Rượu vang có thể là bước kế tiếp của các biện pháp trả đũa của Nga - REUTERS /Sergei Karpukhin
Thủ tướng Medvedev : Rượu vang có thể là bước kế tiếp của các biện pháp trả đũa của Nga - REUTERS /Sergei Karpukhin
Quảng cáo

Hiện tại, Nga cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng nhưng theo kinh tế gia Sergueï Gouriev, Nga sẽ không dám ngưng cung cấp khí đốt và dầu khí cho phương Tây do Nga quá cần đến nguồn thu nhập này. Libération đặt câu hỏi : liệu cuộc đọ sức giữa phương Tây và Nga sẽ kéo dài trong vòng nhiều năm ?

Kinh tế gia cho rằng, cuộc đọ sức sẽ không quá lâu như chiến tranh lạnh trong vòng 50 năm nhưng cũng không kết thúc quá sớm. Nga sẽ tiếp tục đối đầu cho đến khi hết tiền hay trở thành một vệ tinh của Trung Quốc và biến mất khỏi bàn cờ chiến lược.

Về phía phương Tây, một số lĩnh vực cũng bị ảnh hưởng bởi biện pháp cấm vận của Nga nhưng nó sẽ không là thảm họa đối với các công ty này. Châu Âu chỉ xuất sang Nga khoảng 10% nông sản còn Hoa Kỳ chỉ chiếm 1%.
Hiện tại, theo Libération, Nga vẫn chưa động đến mặt hàng rượu vang, có lẽ nhằm tránh đụng chạm đến Pháp vì Pháp vẫn tiếp tục hợp đồng bán chiến hạm Mistral cho Nga.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Sergueï Gouriev lại đánh giá, rượu vang sẽ là bước kế tiếp của các biện pháp trả đũa của Nga. Thủ tướng Dmitri Medvedev đe dọa sẽ cấm nhập khẩu xe hơi và cấm các hàng hàng không phương Tây bay qua vùng Siberi.

Trước mắt, hậu quả của các biện pháp trừng phạt phương Tây lên nền kinh tế Nga vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, việc Nga bị cô lập đã khiến cho giới đầu tư rút vốn khỏi nước này (70 tỷ đô la trong vòng 6 tháng đầu năm, hơn cả lượng vốn rút đi trong cả năm ngoái). Giao dịch trên thị trường chứng khoán Mátxcơva giảm 20% so với đầu năm trong khi giao dịch chứng khoán của các quốc gia đang trỗi dậy khác lại gia tăng (Sao Paulo : +13%, Istanbul : +25%).

Giá bất động sản không trượt giá nhưng nhà cửa lại không bán được. Lĩnh vực phân phối sẽ bị ảnh hưởng. Mátxcơva sẽ dần cạn tiền nhưng không phải chỉ trong một sớm một chiều. Hiện tại, ngân hàng trung ương và chính phủ vẫn còn đủ tiền dự trữ. Ngược lại, trong 5 năm tới, khó mà hình dung được Nga sẽ thoát được kịch bản khắc khổ. Chính phủ vừa trưng dụng tiền của quỹ hưu trí cho đến năm 2015 và Mátxcơva đã bắt đầu đề cập đến việc tăng thuế.

Nhật báo Le Monde cũng trích nhận định của một số chuyên gia như sau : Nga hiện đang bên bờ vực của suy thoái kinh tế. Các nhà kinh tế lo ngại hiện tượng giá cả leo thang và lạm phát tăng vọt do hàng hóa khan hiếm « khoai tây, cà rốt thì dễ kiếm chứ đặc biệt sẽ thiếu hàng cao cấp ».

Le Monde nhận định, Nga vẫn tiếp tục đọ sức với phương Tây là vì, « Tổng thống Putin không thể trở thành một kẻ yếu. Ông không cần biết nước ngoài nghĩ gì về ông. Điều mà ông quan tâm chính là hình ảnh của ông trước dân chúng Nga », theo nhận định của kinh tế gia Chris Weafer. Tuy nhiên, trừng phạt của phương Tây sẽ không ngăn cản được Nga tiếp tục gây bất ổn cho nước láng giềng Ukraina nhưng ít ra miền Đông Ukraina vẫn còn thuộc chủ quyền Ukraina, không như vùng Crimée.

Trừng phạt Nga : nông dân Pháp trông cậy vào Bruxelles

Mục kinh tế báo Le Figaro nhìn sang phản ứng của nông dân Pháp trước việc Nga ngưng nhập khẩu nông sản từ Châu Âu. Lênh cấm vận của Nga có thể gây bất ổn cho thị trường rau và hoa quả.

Một cuộc họp của các chuyên gia nông nghiệp thuộc 28 quốc gia thành viên Châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 14/08 tại Bruxelles. Pháp sẽ đề nghị Ủy ban Châu Âu có « những biện pháp khẩn cấp, phù hợp với tính nghiêm trọng của tình hình », theo chủ tịch công đoàn nông nghiệp Pháp FNSEA.

Các chuyên gia Pháp nhóm họp với nhau vào cuối tuần này nhằm đo lường những hậu quả kinh tế từ lệnh cấm vận của Nga và phối hợp hành động để hỗ trợ nông dân. Trước căng thẳng giữa Nga và phương Tây, các công ty Pháp vẫn không chút nao núng. Tuy nhiên, hai hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus vẫn phải thận trọng vì họ cần nguồn cung ứng về titane của Nga để chế tạo thân máy bay.

Cuộc chiến mới tại Irak

Tình hình tại Irak là đề tài xuất hiện trên các mặt báo ra ngày hôm nay. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Trung Đông (EIIL) dần dần lấn chiếm các thành phố tại Irak và truy bức những người Thiên Chúa Giáo.

Trang nhất báo Le Monde chạy tựa : « Obama đến cứu những người Thiên Chúa Giáo và người Kurde tại Irak ». Báo Libération báo động : « Irak dưới gót giày của Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo và Trung Đông ». Le Figaro đăng ảnh máy bay chiến đấu kèm dòng tựa : « Một cuộc chiến Irak mới. Ba năm sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Irak, Tổng thống Obama ra lệnh oanh kích vào tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo tại vùng tự trị Kurdistan –Irak, trước nguy cơ người Thiên Chúa giáo bị « diệt chủng ».

Theo Le Figaro, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ chính phủ Irak. Liên Hiệp Quốc dự định lập ra hành lang pháp lý tại phía bắc Irak để giải cứu cho thường dân bị sụp bẫy của EIIL. Về phía Pháp, Tổng thống Hollande cũng tuyên bố sẵn sàng tham gia hỗ trợ Irak nhằm chấm dứt tình cảnh cơ cực của dân chúng tại đây nhưng ông nêu lên chi tiết sẽ làm gì.

Virus Ebola : vì sao WHO báo động toàn cầu

Trên lĩnh vực y tế, nhật báo Le Figaro quan tâm đến bệnh dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải báo động toàn cầu. Cho đến nay đã có 1 776 người nhiễm bệnh. Hơn một nửa trong số đó, tử vong gây cho dân chúng bàng hoàng, lo sợ.

Theo bác sĩ Margaret Chan giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là dịch bệnh nghiêm trọng nhất trong vòng 4 thập niên qua. Tổ chức Y tế thế giới đề nghị các quốc gia hiện là ổ dịch bệnh như Guinée, Liberia, Sierra Leone phải có những biện pháp đặc biệt cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhằm tiêu diệt bệnh Ebola và tránh lan sang các châu lục khác. Châu Âu đã hỗ trợ thêm 8 triệu euro.

Theo Le Figaro, WHO không dự định áp đặt hạn chế giao thông hay thương mại quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của tổ chức này, « các quốc gia phải chuẩn bị dò tìm và xử lý các trường hợp nhiễm Ebola », « đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán kiều dân của họ, đặc biệt là các chuyên viên y tế mắc bệnh ».

Một người dân tại vùng nhiễm bệnh cho biết : « Người dân sợ hãi. Các thói quen thường ngày như vệ sinh thân thể và ăn uống cũng thay đổi. Người ta rửa tay nhiều hơn với chất tiệt trùng. Tuy nhiên, sự huy động của thế giới mang lại hy vọng cho chúng tôi ».

Tổng thống Nigeria, Goodluck Jonathan, yêu cầu dân chúng tránh tụ họp đông đảo để tránh virus lan tràn. Tại Lagos, một nhà báo của tờ The Guardian cho Le Figaro biết : hàng ngày, thói quen bắt tay bị loại bỏ. Những người làm việc trong những nơi công cộng, tiếp xúc với nhiều người như ngân hàng phải đeo găng.

Cơ sở hạ tầng Đức vẫn còn nhiều yếu kém

Tạp chí L’Express số ra tuần này quan tâm đến Đức qua bài viết : « Những công trường lớn ». Đức đều khá thành công về mọi mặt và khiến Pháp phải ao ước và nhiều nước ngưỡng mộ. Thất nghiệp ở Đức chỉ ở khoảng 5,5%. Ngoại thương Đức năng động nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel, nước Đức khiến nhiều nước phải ghen tỵ.

Trong lĩnh vực giáo dục, Đức cũng có một kết quả khá tốt thông qua cuộc điều tra Pisa của các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE). Tuy nhiên, L’Express đặt câu hỏi : liệu Đức có thành công về mọi mặt ?

Theo tạp chí, trong khi cơ sở vật chất của Đức quá cũ kỹ, một số công trình xây dựng hạ tầng lớn khắp nước Đức lại thất bại. Tiến trình thi công chậm lại, bị trì hoãn do bộ máy chính trị phức tạp, hành chính quan liêu. Tại Đức, quá trình đưa ra quyết định vô cùng nhiêu khê hơn người ta tưởng.

Các dân biểu thường có quyết định sai lệch và không thể hòa hợp với giới kỹ sư, do đó, rất khó xây dựng các công trình công cộng như đường cao tốc, nhà ga, sân bay. Chi phí phát sinh thường tăng cao hơn so với dự trù ban đầu khiến chi phí xây dựng quá cao nhưng công trình lại không hoàn thành đúng thời hạn.

Giới khoa học Nhật băn khoăn sau vụ một giáo sư tự tử

Liên quan đến Nhật Bản, nhật báo Le Monde có bài viết : « Khoa học Nhật Bản trong nỗi băn khoăn sau khi giáo sư Yoshiki Sasai tự tử ». Nhà sinh học Sasai là tâm điểm của một vụ bê bối mang tên : « tế bào đa năng STAP » đã xảy ra cách đây 6 tháng. Ông là đồng tác giả với nữ nghiên cứu gia Haruko Obokata, 31 tuổi. Họ có hai bài báo được đăng vào ngày 30/01 trên tạp chí khoa học Anh nổi tiếng Nature. Nghiên cứu này được xem như một cuộc cách mạng trong ngành y học tái sinh.

Cô Obokata nhanh chóng trở thành một biểu tượng trong ngành khoa học xứ sở hoa anh đào. Tuy nhiên, câu chuyện cổ tích chấm dứt tại đây khi hai bài báo cô Obokata gây nhiều nghi ngờ. Sau ba tháng điều tra, cô Obokata bị cáo buộc mua bán thông tin, thay đổi hình ảnh và đạo văn.

Ngày 02/07/2014, hai đồng tác giả của nghiên cứu STAP đồng ý thu hồi hai bài báo đang gây tranh cãi. Viện nghiên cứu tổng hợp tái tạo và phát triển Riken (Nhật) đề nghị nhà nghiên cứu trẻ tiến hành lại thí nghiệm. Lần này, cô thực hiện dưới sự giám sát nghiêm ngặt và phải kết thúc công trình trước ngày 30/11.

Le Monde cho biết, sự việc không chỉ chấm dứt tại đó. Thứ sáu, ngày 8/08, tuần san Shukan Gendai tiết lộ một cuộc điều tra đang tiến hành về tội biển thủ của giáo sư Sasai tại Viện Riken, đồng tác giả của công trình trên. Đây quả là một cú sốc về hình tượng của giới khoa học. Chủ tịch ủy ban điều tra của viện Riken phải thừa nhận, vụ bê bối trên được xem là một trong ba vụ nghiêm trọng nhất thế giới.

Robert Geller, nhà địa chấn học người Mỹ, nghiên cứu tại đại học Tokyo nhận định, công trình nghiên cứu STAP « làm tổn hại đến lòng tin và sự ủng hộ của công chúng dành cho các ngành khoa học tại Nhật Bản ».

Giới học giả tại Nhật Bản cũng đặt nhiều câu hỏi về quá trình học tập của các nghiên cứu gia trẻ. Ngày 06/08, trong nhật báo Japan Times, Masahito Kami thuộc viện nghiên cứu y khoa đại học Tokyo nhận định, « cần phải xem xét lại hệ thống đào tạo các trường đại học, nơi cho phép một nhà nghiên cứu không có kinh nghiệm như cô Obokata đạt đến một mức độ danh tiếng như vậy ».

Từ khi xảy ra vụ STAP, các trường đại học lớn ở xứ phù tang đều cài các phần mềm phát hiện đạo văn và sẽ duyệt lại các luận án có khả năng gây tranh cãi. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.