Vào nội dung chính
MỸ-ÚC

Mỹ và Úc tiến tới hợp tác quân sự chặt chẽ

Tăng cường hợp tác sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp cấp cao Úc – Mỹ, diễn ra vào ngày mai, 12/08/2014, tại Sydney và giới phân tích nhận định, động thái này có thể dẫn đến việc gia tăng sự hiện quân sự của Mỹ tại Úc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) và đồng nhiệm Úc  David Johnston họp báo ngày 11/82014 tại Sydney, một ngày trước cuộc gặp cấp cao Quốc phòng hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) và đồng nhiệm Úc David Johnston họp báo ngày 11/82014 tại Sydney, một ngày trước cuộc gặp cấp cao Quốc phòng hai nước. REUTERS/Rob Griffith
Quảng cáo

Trong khuôn khổ Hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng ngoại giao-quốc phòng Hoa Kỳ-Úc (AUSMIN), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel hội đàm với các đồng nhiệm Úc, Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston, với trọng tâm là an ninh khu vực và đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương.

Theo các nhà phân tích, cuộc gặp lần này có mục đích bàn bạc cụ thể thỏa thuận cho phép thủy quân lục chiến Mỹ luân phiên đóng quân tại miền bắc nước Úc, mà đích thân Tổng thống Barack Obama đã thông báo năm 2011, và được coi là một thành tố trong chiến lược xoay trục sang Châu Á của Washington.

Trong khuôn khổ chiến lược này, sau khi giảm các cam kết đối với các cuộc chiến ở Trung Đông, Hoa Kỳ tái triển khai binh sĩ và các nguồn kinh tế, nhân lực sang Châu Á – còn gọi là « tái cân bằng ». Do vậy, Washington có kế hoạch đưa hơn 2500 thủy quân lục chiến đến miền bắc thành phố Darwin, vùng Lãnh thổ phía Bắc vào năm 2016-2017. Thế nhưng, hàng trăm binh sĩ Mỹ đã có mặt tại đây.

Chuyên gia Ben Schreer, thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc, ở Canberra nhận định, số lính Mỹ tại Úc sẽ không tăng, chỉ vào khoảng 2500 binh sĩ luân phiên. Cuộc thảo luận có thể xoay quanh việc sử dụng số binh sĩ này, nâng cấp hạ tầng để tiến hành các hoạt động trên bộ và trên biển, tăng cường phối hợp huấn luyện giữa các lực lượng tinh nhuệ của hai nước. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, vẫn còn quá sớm để hai nước có thể đạt thỏa thuận về việc các khu trục hạm hoặc tàu chiến nhỏ của Mỹ tới hiện diện luân phiên tại căn cứ Stirling ở miền tây nước Úc. Hiện nay, hai bên mới trong giai đoạn đàm phán, chuẩn bị cho việc này.

Theo ông Bates Gill, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Mỹ, trường đại học Sydney, cuộc thảo luận lần này là một bước tiến quan trọng hướng tới việc gia tăng « sự tiếp cận và hiện diện của binh sĩ và phương tiện quân sự Mỹ trên lãnh thổ Úc ». Tiến trình đàm phán đã diễn ra chậm và thận trọng, bởi vì kể từ khi có thông báo về việc thủy quân lục chiến Mỹ luân phiên có mặt tại Darwin, Trung Quốc rất bực tức, thậm chí một số nước Châu Á cũng lo ngại vì cho rằng Washington chỉ quan tâm đến việc bảo vệ các lợi ích của mình trong khu vực, trong lúc Bắc Kinh ngày càng hung hăng đưa ra các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ đã trấn an là chiến lược tái cân bằng của Mỹ nhắm tới toàn vùng Châu Á.

Ông Gill nhấn mạnh, nếu nhìn vào những gì mà Mỹ đang làm, thì rõ ràng là việc tái cân bằng đang diễn ra trong các lĩnh vực quân sự và ngoại giao. Hiện nay, Mỹ và Úc « đang tính xem sẽ làm gì trong tương lai, cần phải có những dàn xếp nào để đẩy mạnh sự cam kết của Mỹ và Úc ngay trên lãnh thổ Úc ».

Đây cũng là nhận định của chuyên gia quân sự James Brown, thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, Sydney. Theo ông, Mỹ và Úc đã thảo luận về chiến lược tái cân bằng trong các cuộc gặp trước đây, bây giờ, hai bên « bàn bạc thực hiện thế nào và cần phải có những chiến lược nào đối với khu vực, Mỹ và Úc có thể hợp tác ra sao về việc này. Họ thực sự bắt đầu thảo luận vào chi tiết ».

Cho đến nay, Mỹ mới chỉ có một sự hiện diện quân sự hạn chế tại Úc, đồng minh lâu đời của Washington, trong đó có trạm do thám, theo dõi vệ tinh Pine Gap, ở phía tây nam thành phố Alice Springs, thuộc vùng Lãnh thổ phía Bắc nước Úc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.