Vào nội dung chính
TRUNG ĐÔNG

Irak : Quốc tế nỗ lực trợ giúp người tản cư do xung đột

Quốc tế tiếp tục nỗ lực để di tản những người phải chạy tản cư khỏi các thành phố đang có xung đột và hiện đang bị kẹt lại tại các vùng núi miền Bắc Irak, vào lúc Hoa Kỳ gởi thêm cố vấn quân sự để giúp ngăn chận đà tiến của quân Hồi giáo cực đoan.

Người Yazidi tỵ nạn gần biên giới với Syria, ngày 11/08/2014
Người Yazidi tỵ nạn gần biên giới với Syria, ngày 11/08/2014 © Reuters
Quảng cáo

Hàng trăm ngàn người đã phải tản cư trước đà tấn công của lực lượng "Nhà nước Hồi giáo", mà từ đầu tháng 6 đến nay đã chiếm nhiều vùng ở phía Bắc, phía Tây và phía Đông thủ đô Bagdad, trước sự chống cự yếu ớt của quân đội.

Khủng hoảng về mặt nhân đạo càng trầm trọng hơn với việc quân Hồi giáo cực đoan đang tiến về vùng tự trị Kurdistan, nơi mà những người tản cư đang lánh nạn. Các nước phương Tây hiện đang tìm cách ngăn chận đà tiến của quân Nhà nước Hồi giáo, để cứu cộng đồng thiểu số Thiên chúa giáo và thiểu số người Yazidi, tức người Kurde không theo đạo Hồi.

Trước nguy cơ diệt chủng đối với các cộng đồng thiểu số nói trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua, 12/08/2014, loan báo là Hoa Kỳ đang nghiên cứu khả năng di tản khẩn cấp các thường dân này.

Theo Phủ Cao ủy tỵ nạn LHQ, hàng chục ngàn người Yazidi đang bị kẹt ở vùng núi Sinjar, không lương thực, không nước uống và sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Trong những ngày qua, Hoa Kỳ và Anh quốc đã thả dù hàng cứu trợ nhân đạo xuống vùng núi Sinjar. Nước Úc cũng sẽ tham gia chiến dịch này, còn Pháp thì đã gởi viện trợ đến nơi.

Trong khi tiếp tục oanh tạc vào các vị trí của quân Hồi giáo ở miền Bắc, hôm qua Washington đã gởi thêm 130 cố vấn quân sự đến Erbil, thủ phủ của vùng Kurdistan.

Tuy nhiên, trước thái độ bị xem là « chần chờ » của châu Âu, Hội đồng Giám mục Pháp đã kêu gọi sử dụng vũ lực ở Irak để trợ giúp người Thiên chúa giáo và người Yazidi.

Về tình hình nội bộ Irak, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã hoan nghênh việc tổng thống Fouad Massoum hôm thứ hai vừa qua chỉ định ông Haidar al-Abadi làm thủ tướng, thay thế ông Nouri al-Maliki, vốn bị chỉ trích nặng nề. Washington kêu gọi ông Abadi mở rộng thành phần chính phủ mới ra toàn bộ các lực lượng chính trị ở Irak, quốc gia vẫn bị chia rẽ nặng nề giữa các cộng đồng tôn giáo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.