Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - IRAK - VŨ KHÍ

Châu Âu xem xét việc cấp vũ khí cho lực lượng Kurdistan Irak

Ngoại trưởng các nước Liên Hiệp Châu Âu họp khẩn cấp vào hôm nay 15/08/2014 tại Bruxelles để thảo luận về phương cách tăng cường trợ giúp quân sự cho lực lượng Kurdistan tại Irak. Lực lượng này được xem như là thành trì chống các chiến binh thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (T) trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Irak Masoud Barzani, người Kurdistan, tại Erbil, bắc Bagdad, 10/08/2014
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (T) trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Irak Masoud Barzani, người Kurdistan, tại Erbil, bắc Bagdad, 10/08/2014 REUTERS
Quảng cáo

Cuộc họp được Pháp triệu tập. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius giải thích : « Tôi triệu tập buổi họp này để cả Châu Âu huy động lực lượng và hỗ trợ cho người Irak và Kurdistan ». 

Ngoại trưởng Ý Federica Mogherini tỏ ra nhiệt tình trong việc trợ giúp này, cho rằng một đồng thuận của Châu Âu rất quan trọng để trang bị vũ khí cho lực lượng Kurdistan, « Châu Âu phải có quan điểm thống nhất trên vấn đề này ». 

Theo AFP, Ngoại trưởng Đức Frank- Walter Steinmeier, lúc đầu dè dặt, nhưng cuối cùng đã tán đồng và nhận định : « Châu Âu không thể chỉ ngồi hoan nghênh cuộc chiến đấu anh dũng của lực lượng Kurdistan, mà phải làm một cái gì đấy để đáp ứng nhu cầu của họ ». 

Việc cung cấp vũ khí do từng quốc gia quyết định và tiến hành, nhưng như một lãnh đạo Châu Âu giải thích, Ủy ban Châu Âu trong tư cách đại diện 28 quốc gia thành viên của khối, phải hỗ trợ việc này và cho thấy hậu thuẫn đối với người Kurdisstan và chính phủ Irak. 

Ồng Fabius nhắc lại sự kiện Pháp là một trong những nước đầu tiên có phản ứng, và thông báo sẽ gởi vũ khí tối tân cho người Kurdistan. Anh Quốc tối qua cho biết sẵn sàng cung cấp vũ khí nếu có yêu cầu. Ngoại trưởng Thụy Điển ngược lại cho biết là nước ông không đi xa hơn việc trợ giúp nhân đạo. 

Ngoài việc thảo luận về vũ khí, các Ngoại trưởng Châu Âu còn sẽ bàn thảo về cách huy động viên các nước trong vùng, từ Ả Rập Xê-Út cho đến Iran, để giúp đỡ cuộc chiến chống lại Nhà nuớc Hồi giáo.

Cựu Thủ tướng Irak Maliki thừa nhận thất bại  

Sau 5 ngày chống đối người kế nhiệm được chỉ định, cựu Thủ tướng Irak Maliki, vào tối hôm qua 14/08/2014, đã chấp nhận thất bại và tuyên bố ủng hộ ông Haidar al Abadi trong chức vụ đứng đầu chính phủ. Quyết định rút lui của ông Maliki chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ gần một tuần lễ nay, bối cảnh lực lượng của Nhà nước Hồi giáo tiến công mạnh mẽ. 

Đặc phái viên RFI Aabla Jounaidi tường thuật : 

" Người đã bám quyền bất chấp chống đối của mọi người từ phái Sunni, người Kurdistan cho đến đồng minh Shia của ông, cũng như cộng đồng quốc tế, đông đảo các quốc gia Trung Đông và cả Iran, đã chấp nhận thất bại vào tối hôm qua. Ông tuyên bố ủng hộ người kế nhiệm al-Abadi, cùng phe với ông, nhưng nổi tiếng cởi mở hơn và sẵn sàng đối thoại. 

Sự ra đi của cựu Thủ tướng thuộc hệ phái Shia là một bước tiến quan trọng. Việc ông Maliki bám vào chiếc ghế Thủ tướng với hậu thuẫn của các lực lượng bán quân sự Shia trung thành với ông, là một yếu tố gây thêm bất ổn định trong một đất nước đang bị phân chia. 

Tân thủ tướng al Abadi giờ đây có thể tiếp tục việc thành lập chính phủ, một chính phủ đoàn kết quốc gia, một cách bình thản hơn. Ông có gần một tháng để hoàn tất công việc này. 

Chính phủ mới có nhiệm vụ to lớn : Vãn hồi sự toàn vẹn lãnh thổ, mà một phần không nhỏ nằm trong tay Nhà nước Hồi giáo EI. Phải nói là lực lượng Hồi giáo này đang thất thế ở vùng Erbil và Sinjar nhờ chiến dịch oanh tạc của Mỹ. 

Lực lượng Kurdistan cho là họ sẽ mạnh hơn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo nếu được sự hỗ trợ của Bagdad. Việc ông Maliki chấp nhận ra đi có lẽ là bước tiến đầu tiên theo chiều hướng tốt ".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.