Vào nội dung chính
IRAK

Lực lượng Kurdistan phản công để tái chiếm đập thủy điện Mossoul

Bị phe thánh chiến Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ cách nay 10 ngày, đập thủy điện Mossoul ở miền Bắc Irak biến thành chiến trường. Được Hoa Kỳ yểm trợ hỏa lực, lực lượng Kurdistan mở một cuộc phản công với quy mô lớn để tái chiếm mục tiêu chiến lược chi phối đời sống hàng chục triệu dân ở hạ nguồn.

Đập thủy điện Mossoul, đập lớn nhất của Irak.
Đập thủy điện Mossoul, đập lớn nhất của Irak. AFP PHOTO/AHMAD AL-RUBAYE
Quảng cáo

Theo đặc phái viên Ablaa Journaidi, từ chiều thứ Sáu 15/08, lực lượng quân sự của vùng Kurdistan tự trị đã bao vây khu vực đập thủy điện lớn nhất Irak, cách thành phố Mossul 50 km về hướng bắc. Thành phố và đập thủy điện cùng tên hiện do phe thánh chiến kiểm soát.

Được không quân Mỹ yểm trợ, oanh kích phá hủy hàng chục quân xa và thiết giáp của thánh chiến Hồi giáo, lực lượng Kurdistan đã chiếm lại được phần phía đông của đập thủy điện.

Đập thủy điện Mossoul được xây dựng từ thời Saddam Hussein trên dòng sông Tiger vừa là một biểu tượng, lớn nhất Irak, vừa có giá trị chiến lược vì nó cung cấp điện cho hàng triệu dân cư và điều hòa mực nước canh tác nông nghiệp ở hạ nguồn.

Do vùng địa chất không rắn chắc và do thiếu bảo trì, nguy cơ đập bị vỡ đã được các chuyên gia địa chất Mỹ và thanh tra Irak báo động từ năm 2007. Theo kịch bản được dự báo năm 2011, khoảng nửa triệu dân ở Mossoul và thủ đô Bagdad sẽ bị thiệt mạng trong trường hợp vỡ đập.

Tháng Tư năm nay, thánh chiến Hồi giáo đã một lần tháo « van » một đập thủy điện khác trên dòng sông Euphrat gây nạn lụt ở Abu Ghraib làm 40.000 dân phải đi lánh nạn.

Đây là những lý do thúc giục Hoa Kỳ và chính quyền Kurdistan phải nhanh chóng chiếm lại đập thủy điện để gia cố, bảo trì và không để cho phe thánh chiến sử dụng như là một thứ vũ khí giết người hàng loạt.

« Phụ nữ bị bán với giá 150 đôla tại Mossoul »

Cũng theo đặc phái viên RFI, nhiều nhân chứng chạy thoát khỏi vùng « Nhà nước Hồi giáo » cho biết tại Mossoul, phe thánh chiến đem 700 phụ nữ thuộc sắc tộc Yezidi ra bán với giá tương đương với 150 đôla.

Những phụ nữ này đã bị thánh chiến bắt cóc sau khi chiếm thành phố Sinjar ngày 03/08. Hơn 200 ngàn dân Yezidi phải chạy trốn sang vùng Kurdistan lánh nạn. Ngoài ra, khoảng 80 người Yezidi bị hành quyết sau khi họ từ chối cải đạo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.