Vào nội dung chính
GIÁN ĐIỆP

Tình báo Đức nghe lén giới chức Mỹ

Thêm một vụ gián điệp giữa hai nước đồng minh Mỹ-Đức. Tuy nhiên, lần này thủ phạm là các cơ quan tình báo Đức, bị chính báo chí nước này tố giác : Nghe lén Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người tiền nhiệm Hillary Clinton, theo dõi Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh trong khối Nato…

Cổng vào trụ sở cơ quan tình báo Đức BND tại Berlin. Ảnh chụp ngày 24/05/2006
Cổng vào trụ sở cơ quan tình báo Đức BND tại Berlin. Ảnh chụp ngày 24/05/2006 Wikimedia
Quảng cáo

Cơ quan tình báo Đức BND Bundesnachrichtendienst chưa bao giờ là đối thủ của Mỹ. Đặc trách tình báo hải ngoại của Berlin từng nổi tiếng qua vụ cung cấp thông tin sai lạc về khả năng vũ khí sát hại hàng loạt của Irak trong thập niên 2000, những bằng chứng tạo điều kiện cho đồng minh Hoa Kỳ tấn công lật đổ Saddam Hussein.

Từ một năm nay, quan hệ Mỹ-Đức trở thành căng thẳng từ khi cựu cộng sự viên của CIA Edward Snowden tiết lộ tài liệu mật, theo đó Thủ tướng Angela Merkel bị phản gián Mỹ nghe lén điện thoại. Hệ quả là trưởng cơ sở CIA tại Berlin đã bị Đức trục xuất.

Thế nhưng, lần này, chính cơ quan tình báo Đức lại bị báo chí Đức phanh phui. Cơ quan BND đã nhiều lần nghe lén điện thoại của bà Hillary Clinton khi là ngoại trưởng Mỹ điện đàm với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan.

Chính phủ Đức giải thích đây chỉ là trường hợp « ngẫu nhiên » trong khuôn khổ một điệp vụ thu băng theo dõi các cuộc điện đàm của những kẻ tình nghi tại Trung Đông. Lẽ ra thì những vụ tình cờ như thế này phải được xử lý theo nguyên tắc là hủy bỏ các đoạn băng này. Thế nhưng dường như tình báo Đức không làm và thông tin mật đã được chuyển cho Mỹ qua hai điệp viên nhị trùng (hai mang).

Theo báo Der Spiegel thì đương kim Ngoại trưởng John Kerry cũng bị nghe lén.

Nghiêm trọng hơn nữa là BND của Đức cũng theo dõi Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2009, mặc dù Ankara là đồng minh, là thành viên của Nato.

Trong quá trình hoạt động, BND bị CIA và NSA của Mỹ chi phối mạnh. Nhưng từ năm 2000, BND trở thành một cột trụ quan trọng về tình báo điện tử, và do vậy Berlin được xem là trung tâm chiến lược của NSA tại châu Âu.

Trong sự hợp tác chặt chẽ này, BND đã cung cấp cho tình báo Mỹ hàng khối thông tin, trong đó có điệp vụ theo dõi « bộ ngoại giao của hai nước có liên can trực tiếp với hồ sơ khủng hoảng tại Trung Đông ».

BND cũng bị tố là « làm gián điệp thuê cho Mỹ » theo dõi một nước đối tác của Nato.

Trong hai vụ trên, Der Spiegel nói là không nắm rõ lai lịch của ba nước liên can.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.