Vào nội dung chính
UKRAINA

Điện, nước, thực phẩm: Crimée còn rất phụ thuộc vào Ukraina

Vùng Crimée, bị Nga sáp nhập hồi tháng Ba vừa qua, vẫn còn rất phụ thuộc vào Ukraina, đối tác cung cấp chính về điện, thực phẩm và điện. Bằng chứng là trong những ngày qua, các vụ mất điện thường xuyên xẩy ra tại vùng lãnh thổ này.

Bến cảng Yalta của Crimée ban đêm. Ảnh chụp ngày 09/08/2014.
Bến cảng Yalta của Crimée ban đêm. Ảnh chụp ngày 09/08/2014. REUTERS/Pavel Rebrov
Quảng cáo

Theo công ty phân phối điện Crimenergo, Ukraina cung cấp tới 80% tổng nhu cầu tiêu thụ điện tại Crimée.

Giải thích về các vụ cắt điện, công ty điện lực quốc gia Ukraina Oukrinternergo cho biết là buộc phải áp dụng việc hạn chế tiêu thụ điện tại Crimée vì các nhà máy điện Ukraina thiếu nhiên liệu và doanh nghiệp này cảnh báo : Nếu người tiêu dùng tại Crimée không tôn trọng quy định hạn chế dùng điện thì công ty sẽ buộc phải cắt toàn bộ nguồn điện cung ứng cho nơi đây.

Theo tạp chí IHS Cera chuyên về năng lượng, vùng Crimée chỉ sản xuất được 16% tổng nhu cầu điện ở lãnh thổ này. Sau khi sáp nhập, Nga đã cho đặt nhiều máy phát điện tại Crimée và hứa hẹn xây dựng các nhà máy điện hiện đại ở đây, nhằm bảo đảm sự độc lập hoàn toàn về năng lượng của Crimée. Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev nhấn mạnh : « Mục tiêu này không thể đạt được trong một ngày, một tháng, đó là một quá trình khó khăn ».

Ngoài việc thiếu điện, Crimée còn bị khan hiếm nước, kể từ khi Ukraina, vào tháng Tư vừa qua, đã đóng các van xả nước của kênh Bắc Crimée. Con kênh này đáp ứng tới 85% tổng nhu cầu tiêu thụ nước ngọt của Crimée.

Bộ Nông nghiệp Nga nhận định, do nguồn nước bị chặn, thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp của Crimée có thể lên tới 5 tỷ rúp (hơn 103 tỉ euro). Đầu tháng Tám, ông Nikolai Poliouchkine, Bộ trưởng Nông nghiệp vùng Crimée thừa nhận là phải xem xét lại việc sử dụng có hiệu quả nguồn nước và Crimée đã quyết định từ bỏ canh tác lúa vì rất tốn nước.

Để có được một giải pháp về lâu dài, Crimée bắt đầu khoan tìm nguồn nước ngầm và nghiên cứu khả năng xây dựng hệ thống ống dẫn nước từ Nga sang.

Một điểm yếu khác của Crimée là phải nhập khẩu tới 80% thực phẩm từ Ukraina.

Cuối tháng Bẩy, khi Nga cấm nhập khẩu nhiều sản phẩm lương thực và thực phẩm của Ukraina, chính quyền Crimée đã đề nghị Matxcơva cho phép miễn áp dụng cấm vận, vì lãnh thổ này không thể « độc lập » về nguồn thực phẩm.

Theo nhận định của Bộ trưởng Nông nghiệp Crimée Poliouchkine, thì hiện nay, Crimée đang trong giai đoạn quá độ, rất cần sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa. Nhân vật này ví von : Crimée với Ukraina giống như anh em sinh đôi dính nhau.

Chính vì vậy, cơ quan phụ trách thú y Nga đã cho phép Crimée nhập khẩu nhiều loại thực phẩm từ Ukraina và lệnh này có hiệu lực cho đến tháng Giêng 2015.

Nga gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tế cho Crimée, phải đi vòng, do chiến sự ở miền đông Ukraina. Phương tiện tiếp tế nay là hàng không và đường biển.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.