Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Bóng đá Việt trở về với thầy nội, giải pháp chữa cháy ?

Đăng ngày:

Trong tháng 3 này Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ phải tìm một huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, đó sẽ là một ông thầy nội cùng với mức lương tháng tương đương với 10.000 đô la Mỹ. Đó là thông tin được ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) công bố với báo chí sau một cuộc họp của Liên đoàn cuối tháng Hai vừa qua. Thông báo trên đã nhanh chóng gây xáo động trong dư luận bóng đá Việt Nam.

Huấn luyện viên người Bồ Đào Nha Henrique Calisto, ông thầy ngoại để lại nhiều dấu ấn nhất cho bóng đá Việt Nam, cùng các trợ lý Phan Thanh Hùng và Nguyễn Văn Sĩ.
Huấn luyện viên người Bồ Đào Nha Henrique Calisto, ông thầy ngoại để lại nhiều dấu ấn nhất cho bóng đá Việt Nam, cùng các trợ lý Phan Thanh Hùng và Nguyễn Văn Sĩ. DR
Quảng cáo

Kể từ năm 1995, đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đã trải qua đến 8 đời huấn luyện viên ngoại, trong đó người cuối cùng là ông thấy người Đức Falko Goetz chỉ ở lại được có vài tháng vì thất bại thảm hại của đội tuyển U 23 tại Sea Games 26. Cuối cùng các nhà quản lý bóng đá của Việt Nam lại quay trở về với các huấn luyện viên trong nước.

Chủ trương « Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam » của VFF, mặc dù chưa được cụ thể hóa trong việc mời gọi ai, nhưng đã gây nhiều tranh luận trong giới chuyên môn cũng như dư luận báo chí. Đa phần các ý kiến trên các trang báo thể thao ở Việt Nam đều ủng hộ việc đặt niềm tin vào các huấn luyện viên nội. Giới chuyên môn khẳng định trong thời gian gần đây đã xuất hiện không ít gương mặt huấn luyện viên nội đủ năng lực dẫn dắt một đội tuyển quốc gia. Thực tế thì đâu có phải cứ huấn luyện viên đằng cấp cao là có thể vực ngay được bóng đá Việt Nam dậy.

Trong khi đó các huấn luyện viên nội, những người có liên quan trực tiếp thì lại tỏ ra không mấy hào hứng hoặc vẫn còn ít nhiều băn khoăn, cho dù 200 triệu đồng một tháng là mức lương cao chưa từng có so với mặt bằng thu nhập ở trong nước. Dường như điều khiến những người liên quan không hồ hởi với chủ trương của VFF là vì người ta vẫn còn nghi ngại với cách điều hành của bộ máy quản lý bóng đá Việt Nam từ nhiều năm qua.

Trao đổi với Tạp chí Thể thao, nhà báo Minh Hùng, báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, một cây viết bình luận bóng đá lâu năm, cho rằng vấn đề không phải là huấn luyện viên nội hay ngoại ai hơn ai mà là do cách làm của Liên đoàn bóng đá Việt Nam chỉ mang tính thời vụ, chữa cháy khiến người ta không tin tưởng. Ông cho biết :

08:29

Nhà báo Minh Hùng-TPHCM

"Rõ ràng từ năm 1995 đến hôm nay, các ông thầy ngoại đến Việt Nam đã tạo ra được một dấu ấn cho bóng đá Việt Nam, rõ ràng là thành công ở cấp độ câu lạc bộ cũng như cấo độ đội tuyển quốc gia….
Việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam quay sang tìm thầy nội, tôi nghĩ rằng đó không phải là chiến lược đó là một sự chắp vá, chữa cháy. Nếu mà là chiến lược tìm thầy nội, thì phải có chiến lược từ xa để đào tạo thầy nội, hoặc là nếu anh muốn tìm thầy ngoại thì cũng phải có chiến lược từ xa… » 

 Căng thẳng giữa Fifa và Brazil xung quanh việc chuẩn bị cho Cúp Bóng đá Thế giới 2014

Hôm qua 3/3, nước chủ nhà của Cúp Bóng đá Thế giới 2014 thông báo không muốn nói chuyện với ông Jerome Valcke, Tổng thư ký của cơ quan quản lý bóng đá thế giới. Nguyên do là vì ông Jerome Valcke trong chuyến đi thị sát Brazil, hôm mùng 2/3/12 đã chê trách việc chuẩn bị cho Cúp thế giới của nước chủ nhà chậm trễ, ông nói « Tôi không hiểu tại sao mọi việc không biến chuyển. Việc xây dựng các sân vận động không đúng tiến độ và tại sao công việc lại chậm trễ như vậy ? ». Ông Tổng thư ký Fifa yêu cầu Brazil phải « cong đít lên mà lo » vì chỉ còn có hai năm nữa thôi.

Lời chỉ trích này đã được bộ trưởng Thể thao nước chủ nhà World Cup 2014, ông Aldo Rebelo cho là không thể chấp nhận được. Ông tuyên bố từ giờ trở đi không thừa nhận ông Valcke là đại diện cho Fifa để đối thoại. Theo ông Bộ trưởng của Brazil thì « người đối thoại với chính phủ không thể là một người phát ngôn bừa bãi ».
Đáp lại, trong một cuộc họp báo sau đó tại Luân Đôn, Tổng thư ký Fifa đánh giá phản ứng trên của nước chủ nhà là trò « trẻ con ». Ông tuyên bố : « Trong lúc mà từ năm năm qua công việc không nhúc nhích được gì, tôi chỉ đưa ra nhận xét nhằm mục đích thúc đẩy công việc cho tốt. Tôi đã nói chính xác những gì đang diễn ra ở Brazil».

Không phải chỉ bây giờ mà quan hệ giữa Fifa và Brazil đã căng thẳng từ nhiều tháng nay trên một dự luật. Hồi cuối tháng Giêng, định chế quản lý bóng đá thế giới đã ép Brazil thông qua một dự luật liên quan đến việc tổ chức Cúp bóng đá thế giới trong đó có những quy định về giá vé ưu đãi và về việc bán rượu trong sân vận động. Dự luật được Fifa đề nghị thông qua từ năm 2007, nhưng đến nay Quốc hội Brazil vẫn chưa xem xét để bỏ phiếu. Hồi cuối năm ngóai chủ tịch Fifa Sepp Blatter cũng tỏ ý lo ngại về tình trạng chuẩn bị Cúp thế giới của Brazil.

Hôm qua cựu danh thủ tiền đạo của đội tuyển quốc gia, Romario, giờ là một nghị sĩ đã bày tỏ quan điểm trên mạng Twitter rằng những lời bình phẩm của ông Valcke là thô thiển nhưng ông nhận thấy quan chức của Fifa đã « đúng 100% khi nói rằng công việc chuẩn bị của Brazil đang bị chậm ».

Quả thực là cho đến lúc này còn rất nhiều việc phải làm ở Brazil, như hoàn tất xây dựng các sân vận động, cơ sở hạ tầng hay khách sạn cũng đang ngổn ngang. Sự hối thúc của Fifa khiến cho các nhà tổ chức của Brazil thêm cuống. Tuy nhiên Fifa khó có thể thông cảm cho những khó khăn của Brazil, vì nước chủ nhà đã luôn nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều năm nay và nhất là năm2016 Brazil còn được đăng cai Olympic mùa hè.

Ông bộ trưởng Thể thao Brazil Rebelo khẳng định, chính phủ của ông vẫn sẽ duy trì quan hệ với Fifa ở cấp cao nhưng nếu ông Valcke tới Brazil, ông sẽ không được chính phủ đón tiếp.Tuy nhiên trong lịch trình làm việc, ngày 12/3 tới, Tổng thư ký của Fifa sẽ trở lại Brazil một lần nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.