Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Olympic Luân Đôn 2012 : Thể thao Việt Nam hy vọng có huy chương

Đăng ngày:

Chưa bao giờ thể thao Việt Nam giành được số lượng vé chính thức tham dự Thế vận hội mùa hè đông đảo như kỳ Olympic Luân Đôn 2012 lần này. Với 18 suất chính thức, đoàn thể thao Việt Nam tham dự 11 môn thi đấu, kết quả được đánh giá là một bước tiến lớn của thể thao Việt Nam trong quá trình hội nhập với phong trào Olympic từ trước tới nay và đang làm dấy lên hy vọng huy chương cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic.

Đoàn thể thao Việt Nam tại Á vận hội Asiad 16, Quảng Châu -Trung Quốc năm 2010
Đoàn thể thao Việt Nam tại Á vận hội Asiad 16, Quảng Châu -Trung Quốc năm 2010 Ảnh: Hồng Long
Quảng cáo

Các môn thi đấu của đoàn Việt Nam gồm : Thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ, taekwondo, đua thuyền rowing, cầu lông, Judo, vật, bơi, điền kinh, đấu kiếm. Trong đó 5 môn thể thao cơ bản của đấu trường Olympic như điền kinh, bơi, bắn súng, thể dục và đấu kiếm có 9 vận động viên tham dự trong khi mà các kỳ Olympic trước các vận động viên Việt Nam chưa bao giờ đủ chuẩn dự thi.

Nếu so sánh với Olympic 2000 ở Sydney, 2004 ở Athens, 2008 ở Bắc Kinh thì Olympic Luân Đôn 2012 là kỳ các vận động viên Việt Nam giành được vé tham dự đông nhất bằng thành tích đạt chuẩn chứ không nhờ suất đặc cách. Cho đến giờ, thành tích của Việt Nam ở đấu trường Olympic mới chỉ là 2 tấm huy chương bạc, một ở môn Taekwondo của Trần Hiếu Ngân tại Sydney 2000 và một của Hoàng Anh Tuấn ở môn cử tạ.

Với sự tiến bộ về cả số lượng cũng như chất lượng của thể thao Việt Nam tham dự Olympic Luân Đôn 2012,

10:34

Chuyên gia Olympic Nguyễn Hồng Minh-Hà Nội

giới chuyên môn cũng như người hâm mộ thể thao Việt Nam lại dấy lên niềm hy vọng Việt Nam sẽ có được huy chương ở đấu trường Olympic.

Nhân dịp này, Tạp chí thể thao chủ nhật có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Minh, một chuyên gia về các môn thể thao Olympic. Ông cũng từng trong một thời gian dài làm trưởng đoàn của Việt Nam đi tham dự các đại hội thể thao quốc tế:

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Ta phải nhận định đây là một đổi mới về chất và là sự tiến bộ của thể thao Việt Nam. Thực ra, dự báo về kế hoạch cũng đã cố gắng phấn đấu số lượng lớn hơn. Tức là đầu năm 2011, cũng cố gắng phấn đấu vào khoảng ba chục người, nhưng sau đó đến đầu năm 2012, thì đặt vấn đề nó sát thực hơn và có tính toán, nên phấn đấu quãng 15 đến 20 người thì hiện nay đã đạt được 18 người. Thực ra cũng có thể đạt được 20 người, nhưng cũng có những sơ xảy nhất định.

Đây là lần đầu tiên ta tham dự Olympic mà tất cả các vận động viên đều vượt qua các tiêu chuẩn ở các vòng loại với một số lượng lớn nhất. Nhìn vào đấy thì chúng ta thấy có sự tiến bộ. Sự tiến bộ này, tôi đánh giá về hai phía. Phía các nhà quản lý.

Lâu nay, các nhà quản lý cũng có tranh luận với nhau và có phân tích nhiều về việc thể thao Việt Nam có định hướng phát triển các môn thể thao Olympic hay không. Vì ở trong khu vực đã đạt đến trình độ khá, nhưng mà các môn thể thao Olympic của ta còn yếu, vậy trong ba bốn năm vừa rồi, trong nội bộ diễn ra các cuộc đấu tranh và xu hướng phát triển các môn thể thao Olympic đã được quan tâm. Như thế thì đây là một tiến bộ, bởi chúng ta hòa nhập, tham gia phong trào Olympic thì chúng ta phải phát triển các môn thể thao Olympic. Đó là về mặt suy nghĩ, tư tưởng định hướng của những người quản lý của thể thao Việt Nam.

Thứ hai , nếu anh xác định hướng như vậy thì anh phải có đầu tư. Khi anh đã đầu tư thì theo quy luật của thể thao, anh quan tâm đầu tư, anh đổ tiền bạc công sức thì đương nhiên nó sẽ có hiệu quả hơn. Tôi lấy ví dụ, những môn thể thao có đại diện là do có một sự đầu tư tương đối mạnh mẽ hơn trước, ví dụ như là điền kinh, một số môn thể thao mới như đua thuyền rowing, đấu kiếm hay những môn thể thao truyền thống mà chúng ta đã đạt đến và dự Olympic như Taekwondo, bắn súng, cử tạ. Có môn thể thao mới mà hai đến ba vận động viên tham dự như thể dục dụng cụ rồi bơi....

Tôi lược qua một số vận động viên như thế để thấy rằng, trình độ của các vận động viên đã có những tiến bộ sau khi được tập trung đầu tư. Điều đó rất dễ hiểu vì, anh cho tập huấn nước ngoài, mời chuyên gia, anh cho thi đấu quốc tế và anh đầu tư công sức thì trình độ sẽ phát triển. Vượt qua các cuộc thi vòng loại cũng là cái mốc khó khăn. Tất cả các vận động viên của chúng ta đã vượt qua được những cuộc thi như thế thì đấy là cái thắng lợi. Nhìn về hai mặt, một đằng là kết quả của một sự phát triển, một đằng là thay đổi nhận thức, tôi đánh giá việc thay đổi nhận thức quan trọng hơn. Người ta hay nhìn vào thành tích, kết quả của vận động viên. Đấy chỉ là hiệu qủa của sự thay đổi nhận thức mà thôi.

Đoàn Thể theo Việt Nam có hy vọng có huy chương tại Olympic Luân Đôn ?

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Để trả lời câu hỏi này, ta phải đi vào thực chất, trình độ của, chất lượng đến đâu. Anh có một số lượng đông, vượt qua tiêu chuẩn để đến thi đấu thì anh hơn về số đông và về chất lượng so với các cuộc thi trước. Nhưng chúng ta biết, trong thể thao có một quy luật. Quy luật đó là tất cả mọi người đều cố gắng, tất cả mọi người đến Olympic đều để giành chiến thắng. Vậy khi ta so sánh chất lượng không phải ta so sánh với thời kỳ trước, giữa ta với ta mà ta sẽ phải so sánh rằng những vận động viên đến lần này so với bình diện chung của quốc tế có khá hơn không.

Bởi vì nếu anh thấy trình độ vận động viên đến Olympic lần này khá hoặc xuất sắc hơn thì cái khả năng huy chương mới có thể giành được. Còn nếu như trình độ của anh không tiến kịp, không vượt qua được những vận động viên khác thì chúng ta thấy khả năng giành huy chương là rất khó. Nói như thế để thấy rằng, tuy chúng ta có một số lượng đông đến Olympic, nghĩa là chúng ta tiến bộ so với chính các vận động viên và nền thể thao Việt Nam, nhưng việc giành huy chương ở đấu trường Olympic lại là một vấn đề khác…

Chúng ta cũng có hy vọng giành huy chương ở một vài môn, ta dùng chữ hy vọng. Đoàn thể thao Việt Nam cũng có những hy vọng nhất định trong tranh giành huy chương....

Didier Deschamps nhận dẫn dắt đội tuyển bóng đá Pháp

Sự kiện nổi bật nhất trong làng bóng đá Pháp, đó là đội tuyển Pháp đã có huấn luyện viên mới. Không có gì bất ngờ, Diedier Deschamps chính thức được Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) bổ nhiệm làm nhà cầm quân đội tuyển thay thế cho huấn luyện viên Laurent Blanc ra đi, sau khi đã đưa đội Pháp đến tứ kết Euro 2012. Ông Laurent Blanc không muốn tiếp tục cuộc phưu lưu với đội tuyển sau 2 năm vì những bất đồng với Liên đoàn.

Danh thủ Didier Deschamps, nhà vô địch thế giới 1998, cựu huấn luyện viên của câu lạc bộ Olympique de Marseille, đã ký với FFF hợp đồng 2 năm và có thể được gia hạn thêm nếu đưa đội tuyển Pháp vào được vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới 2014. Trước hết, chúng ta hãy nghe cảm nhận đầu tiên của Didier Deschamps khi nhận trách nhiệm dẫn dắt đội tuyển bóng đá Pháp :

Tất nhiên với tôi, đây là niềm tự hào lớn đồng thời cũng là vinh dự được trao trách nhiệm này. Bởi tôi đã rất gắn bó với màu áo đỏ-trắng-xanh của đội tuyển, trong màu áo này tôi đã có được những điều đẹp nhất trong sự nghiệp của mình.Cương vị mới là huấn luyện viên trưởng đội tuyển là dịp để trở lại với cảm xúc đó. Trong bối cảnh đó thì với tôi nhiệm vụ này là một vinh dự. Tôi muốn bày tỏ khen ngợi với Laurent Blanc, người mà tôi vẫn có quan hệ rất thân thiết. Tôi kế tục anh nhiệm vụ này với thái độ rất trân trọng. Tôi đánh giá cao anh cũng như ban huấn luyện của anh, về những công việc họ đã làm được trong 2 năm vừa rồi. Tất nhiên, tôi sẽ vẫn tiếp tục bằng những công việc của mình, có thể cách làm có khác. Nhưng điều quan trọng với tôi là trân trọng những việc anh và cộng sự đã làm trong hai mùa bóng vừa qua.

Tiếp quản từ Laurent Blanc một đội bóng vừa mới thành hình lối chơi mới nhưng lại đang nổi cộm vì những chuyện lộn xộn, lục đục nội bộ, trước khi đi vào chuyên môn, Didier Deschamps phải đặt ngay mục tiêu tuyển chọn xây dựng được một đội bóng lành mạnh về mặt tinh thần, không để xảy ra những vụ lùm xùm mất đoàn kết nội bộ cũng như thái độ của một số cầu thủ với công chúng, dư luận. Ông nói :

Tôi cho rằng tất cả phải thống nhất với nhau trên một điểm là các cầu thủ không được phép mắc sai sót nữa. Lãnh đạo đội sẽ được xác định rõ ràng. Tôi mong rằng tất cả mọi người phải tuân thủ theo một hướng của tập thể, tinh thần đồng đội. Nếu khi nào đó tôi nhận thấy có một cầu thủ làm tổn hại hay đi ngược lại những giá trị đó thì tôi sẽ sử dụng quyền của người cầm quân quyết định cho chơi hay tuyển cầu thủ đó vào đội tuyển.

Việc lựa chọn ông Didier Deschamps làm huấn luyện viên trưởng đã được sự ủng hộ của đại đa số giới chuyên môn cũng như người hâm mộ bóng đá ở Pháp. Dư luận bóng đá Pháp đang quá thất vọng với thế hệ cầu thủ không còn biết chơi hết mình cho màu cờ sắc áo của quốc gia. Họ hy vọng ông Didier xây dựng được một bộ mặt mới cho đội tuyển quốc gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.