Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Khi người Qatar đổ tiền ra làm bóng đá

Đăng ngày:

Qatar không phải là một quốc gia bóng đá, vậy mà vài năm trở lại đây, các nhà đầu tư của xứ dầu mỏ này không ngần ngại tung rất nhiều tiền để mua các ngôi sao, thôn tính các câu lạc bộ và bản quyền truyền hình các trận đấu của châu Âu. Những ông chủ giàu có của quốc gia nhỏ bé vùng vịnh này đang dần chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong làng túc cầu thế giới.

Đất nước Qatar nhỏ bé đang là công trường lớn chuẩn bị cho Cúp bóng đá thế giới 2022
Đất nước Qatar nhỏ bé đang là công trường lớn chuẩn bị cho Cúp bóng đá thế giới 2022 REUTERS
Quảng cáo

Đội tuyển quốc gia bóng đá Qatar chưa một lần được tham dự vòng chung kết Cúp Thế giới, thành tích cao nhất ở châu Á cũng mới chỉ là hai lần vào đến tứ kết, tuy nhiên để chuẩn bị cho lần đầu đăng cai Cúp thế giới 2022, mà Qatar sẽ có mặt với tư cách nước chủ nhà, những ông chủ giàu có của xứ sở dầu mỏ này đang tiến hành một chiến lược trên phạm vi toàn cầu để tạo dựng hình ảnh của một Qatar « quốc gia bóng đá » theo cách riêng của mình mà không phải ai cũng có thể làm được.

Ở trong nước, giờ đây bóng đá Qatar không thiếu các huấn luyện viên từng cầm quân ở các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu, đến những tên tuổi cầu thủ lớn trong làng bóng đá thế giới một thời. Từ vài năm gần đây, các câu lạc bộ bóng đá tại Qatar đã không tiếc tiền đổ ra để lôi kéo các ngôi sao xế bóng của thế giới về chơi. Người ta đã thấy những cái tên như Gabriel Batistuta, Romario, Sonny Anderson, Marcel Desailly đã bị cuốn hút về bán đảo Ả Rập giàu có này để chơi bóng trước khi giải nghệ.

Gần đây nhất, hồi tháng Năm vừa qua, tiền đạo Raul, ngôi sao đắt giá nhất một thời của Real Madrid, khi bước vào tuổi 35 chuẩn bị bước sang bên kia đỉnh dốc của sự nghiệp, cũng đã về đầu quân cho câu lạc bộ Al-Sadd. Nhưng, trải thảm đỏ đón các ngôi sao xế bóng của bóng đá thế giới đến với bóng đá trong nước mới chỉ là một phần trong cuộc chính phục của Qatar.

Danh trhủ Tây Ban Nha Raul Conzalez (trắng) đang thi đấu trong màu áo của CLB Al-Sadd.
Danh trhủ Tây Ban Nha Raul Conzalez (trắng) đang thi đấu trong màu áo của CLB Al-Sadd. RAUTERS

Chiếm lĩnh thị trường bóng đá châu Âu

Ở nước ngoài, các ông chủ giàu mỏ cũng bắt đầu mở cuộc tấn công vào các câu lạc bộ châu Âu, trung tâm của bóng đá thế giới. Cuối mùa bóng 2009-2010, nhà tỷ phú Abdallah Bin Nasser al-Thani bỏ ra 36 triệu euro mua lại câu lạc bộ Malaga của Tây Ban Nha. Nhờ những đồng tiền của ông chủ xứ dầu mỏ, câu lạc bộ đang túng quẫn này trong mùa bóng sau đó đã liên tiếp gọi mời được các tên tuổi bóng đá lớn về đầu quân như Ruud van Nistelrooy, Santiago Cazorla, Jérémy Toulalan …..

Dường như đồng tiền bỏ ra đã có hiệu qủa, ít nhất là về chuyên môn. Mùa bóng năm nay, từ một đội bóng chiếu dưới, vào thời điểm này Malaga đã vươn lên vị trí thứ ba trong giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha, chỉ kém FC Barcelona và Athletico Madrid 5 điểm. Thế nhưng, kết quả trên phương diện tài chính thì lại không tươi sáng như vậy. Malaga là một trong số các câu lạc bộ ở Tây Ban Nha có nguy cơ vỡ nợ.

Từ Tây ban Nha, các nhà đầu tư Qatar bắt đầu chuyển địa bàn sang Pháp, điển hình là thương vụ mua câu lạc bộ Paris Saint Germain. Tháng 5/2011, tập đoàn Qatar Sport Investment của Hoàng tử kế vị Tamin ben Hamad al-Thani, mua lại 70% cổ phần của câu lạc bộ bóng đá thành Paris. Chỉ trong vòng một năm, PSG đã vơ vét trên thị trường chuyển nhượng 15 cầu thủ với tổng chi phí lên tới 217 triệu euro.

Với nguồn tài chính hùng hậu như vậy, PSG đang bám đuổi ngôi đầu bảng với Olympique de Marseille và tiếp tục tham vọng trên đấu trường châu Âu đang khá thuận buồm xuôi gió. Khác với câu lạc bộ Malaga, ông chủ của PSG không phải là một nhà tài trợ đơn lẻ, mà là của cả một quốc gia, đại diện bởi Qatar Sport Investment. Câu lạc bộ của Paris này đang chuẩn bị ký hợp đồng tài trợ trị giá 400 triệu euro trong 4 năm với một ngân hàng Qatar.

Dường như chiến dịch chinh phục châu Âu của vương quốc dầu mỏ này chưa dừng lại. Đầu mùa bóng năm ngoái, trong làng bóng đá châu Âu còn loan truyền thông tin rằng Qatar Sport Investment đã sẵn sàng mua lại câu lạc bộ giàu nhất thế giới Manchester United - MU. Để làm được việc này các ông chủ Qatar sẽ phải chuẩn bị ít nhất 2 tỷ euro. Vụ mua bán này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tin đồn.

Nếu như thương vụ thôn tính MU chưa làm được, các ông chủ Qatar quay sang hướng FC Barcelona, chưa phải là cả câu lạc bộ, nhưng là chiếm vị trí trên màu áo của câu lạc bộ này. Giờ đây người ta thấy trên áo thi đấu của các các cầu thủ Barça có dòng chữ Qatar Foundation, bên cạnh logo của Unicef. Để trở thành nhà tài trợ của câu lạc bộ huyền thoại xứ Catalan, Quỹ đầu tư Qatar đã ký một hợp đồng trị giá 162 triệu euro cho đến hết năm 2016.

Đây cũng là một hướng được Qatar dùng để xâm nhập vào thị trường bóng đá châu Âu. Gần đây người ta lại thấy xuất hiện bên lề sân cỏ một nhãn hiệu trang thiết bị thể thao mới bên cạnh những tái tên danh tiếng như Nike, Addidas. Đó là Burrda. Về mặt chính thức thì đây là nhãn hiệu của một công ty Thụy Sĩ mới thành lập năm 2006, nhưng thực chất Burrda đang chủ yếu được quỹ đầu tư Qatar cung cấp tài chính. Hiện tại Burrda trang bị quần áo thi đấu cho đội tuyển bóng đá quốc gia Bỉ và nhiều câu lạc bộ bóng đá khác ở châu Âu như Wolverhampton, Leicester của Anh và Nice của Pháp.

Một thực tế khác trong kinh doanh bóng đá mà ai cũng biết đó là bóng đá không chỉ thi đấu trên sân cỏ mà còn cả ở trên truyền hình. Ở lĩnh vực này, các nhà đầu tư Qatar không thể bỏ sân bãi được. Từ tháng Sáu năm nay, kênh thể thao beIn Sport của tập đoàn truyền thông Qatar Al-Jazeera đã độc quyền phát sóng hầu hết các trận đấu trên sân cỏ châu Âu. Truyền hình Qatar đã giành bản quyền phát sóng 80% các trận đấu trong giải Vô địch quốc gia Pháp và hơn 100 trận đấu của Champions League ( Cúp C1) châu Âu.

Chính sách ngoại giao bóng đá

Toàn bộ chiến lược tiếp cận và thôn tính bóng đá châu Âu không thể đơn thuần chỉ là thỏa mãn sự hâm mộ với bóng đá hay thú tiêu tiền của các nhà tỷ phú dầu mỏ mà chiến dịch này còn góp phần tạo dựng một vị thế mới của quốc gia Qatar. Với trữ lượng dầu mỏ, khí đốt đứng hàng đầu thế giới, ai cũng biết, Qatar rất, rất giàu có nhưng cũng là một quốc gia nhỏ bé chỉ có 1,1 triệu dân mà trong đó chỉ có 300 000 dân bản xứ. Không có phương tiện về nhân lực để trở thành một quốc gia hùng mạnh về quân sự như các láng giềng lớn, Qatar chọn hướng phát triển thể thao mà trọng tâm là bóng đá để tạo thanh thế trên trường quốc tế.

Ông pascal Boniface, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp đã nhận định : « Hơn bất kỳ nước nào khác, Qatar là biểu hiện hùng hồn cho cái gọi là 'ngoại giao thể thao'. Đây là kết quả của một suy tính tổng quan trên vấn đề toàn cầu hóa, của một sự phân tích kỹ lưỡng các mối quan hệ quốc tế mới và là ý chí của một quốc gia để tồn tại trong một môi trường đầy biến động ». Chiến lược thể thao của Qatar dường như đang mang lại kết quả.Giành quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới 2022, khi đó mảnh đất chỉ rộng có 11 000 km2 này sẽ trở thành tâm điểm thế giới, ít nhất trong vòng một tháng diễn ra giải đấu.

Giao hữu Pháp –Nhật : Chiến thắng lịch sử của bóng đá Nhật

Để chuẩn bị cho trận gặp đội tuyển Tây Ban Nha, trận đâu được đánh giá là thách thức lớn nhất của đội tuyển Pháp tại vòng loại Cúp thế giới 2014, hôm 12/10, các cầu thủ áo Lam đã tiếp giao hữu đội tuyển Nhật Bản trên sân nhà Stade de France. Mặc dù làm chủ thế trận trên sân, tạo được nhiều cơ hội, nhưng cuối cùng đội tuyển Pháp đã bị thất bại 1-0, bàn thắng do cầu thủ Kagawa kết thúc chính xác ở phút thứ 88, từ một đường phản công nhanh. Đây có thể coi là một chiến thắng lịch sử, vì các cầu thủ Nhật Bản, trước trận đấu này, chưa một lần giành chiến thắng trong 6 lần gặp tuyển Pháp.

Đội tuyển Nhật Bản (Trắng) lần đầu vượt qua được đội Pháp.
Đội tuyển Nhật Bản (Trắng) lần đầu vượt qua được đội Pháp. Reuters

Đây cũng là thất bại đầu tiên của đội tuyển Pháp dưới tay nhà cầm quân Didier Deschamps. Mặc dù trận đấu không mang nhiều ý nghĩa được mất, nhưng thất bại nhỏ này cũng ảnh hưởng nhất định đến tinh thần của đội bóng trước khi bước vào trận thử lửa thực sự với đương kim vô địch châu Âu và Thế giới Tây Ban Nha, trong khuôn khổ vòng loại Cúp thế giới 2014.

Đối với đội tuyển Pháp, đúng ra trận giao hữu với Nhật chỉ là cuộc tập dượt củng cố tinh thần trước khi lên đường sang Madrid cho trận gặp Tây Ban Nha, đối thủ lớn định đọat số phận của Pháp trong cuộc đua giành vé đi Brazil 2014. Thế nhưng trận giao hữu đã gây hiệu ứng ngược lại cho các cầu thủ áo Lam. Bàn thắng của cầu thủ Shinji Kagawa, đang chơi cho Manchester United, từ một pha phản công nhanh đã như một gáo nước lạnh hay nói đúng hơn là một đòn trừng phạt đối với hiệu quả thi đấu của các cầu thủ Pháp. Kẻ áp đảo chưa phải là đã là người chiến thắng, nguyên lý đã quá cũ này nay lại đúng với trường hợp trận giao hữu Pháp-Nhật tối qua. Đội trưởng đội tuyển Pháp, thủ môn Hugo Lloris đã phải cay đắng thừa nhận :

« Nhiều khi vẫn xảy ra như vậy. Chúng tôi biết đây là một đội bóng đáng sợ, nhất là lối chơi tập thể, đây là đội bóng rất giỏi và họ đã chứng tỏ được điều này. Các cầu thủ Nhật đã tổ chức tốt để vượt qua sóng gió và cuối cùng cụ thể hóa bằng một chiến thắng qua đòn phản công. Bây giờ chúng tôi chỉ còn phải nhìn về phía trước ».

Nếu như các cầu thủ Pháp không mở được tỷ số thì lỗi trước hết là họ đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội chứ không phải chơi dở. Các cầu thủ kết thúc thiếu chính xác. Đây là những lỗi mà các ngôi sao của đội tuyển Tây Ban Nha không mấy khi mắc phải. Những cơ hội đáng tiếc của các học trò ông Didier Deschamps tập trung vào hiệp đầu. Trên 14 cú sút chỉ có 3 cú đi đúng hướng khung thành. Huấn luyện viên Deschamps cố gắng lý giải thất bại :

« Chúng tôi đã buộc đội tuyển Nhật phải co về phòng thủ. Ngay từ đầu trận đấu, các cầu thủ Nhật đã cố gắng chơi dâng khá cao, nhưng ngay sau đó, họ buộc phải quay về phòng thủ và đã làm tốt công việc đó. Đây là phẩm chất chính của các cầu thủ Nhật. Nếu nhìn vào số lượng các đợt tấn công, các cú sút thì thấy các cầu thủ của chúng tôi đã thiếu chính xác, nhất là trong 45 phút đầu. Nói tóm lại là họ có cơ hội để ghi bàn, nhưng lại không kết thúc thành công ».

Có thể rút ra kết luận gì từ thất bại đầu tiên dưới thời Didier Deschamps, đồng thời cũng là lần đầu tiên trước đối thủ Nhật Bản trong 6 lần gặp nhau ? Một trận đấu không có gì được mất hay vì thiếu vắng nhiều cầu thủ trụ cột ? Dù trận giao hữu tối 12/10 chắc hẳn không thể hiện hết được tiềm năng của các cầu thủ Pháp, nhưng đã khiến cho người hâm mộ không thể yên tâm được khi thứ Ba tới (16/10), Pháp đối mặt với đội bóng mạnh nhất hành tinh hiện nay.

Chính Tây Ban Nha, cách đây 4 tháng đã loại Pháp dễ dàng ở vòng tứ kết Cúp châu Âu. Vẫn trung thành với lối chơi bóng nhỏ, kỹ thuật cá nhân điêu luyện, có thể một lần nữa, các cầu thủ Tây Ban Nha lại buộc các cầu thủ Pháp chạy đuổi theo trái bóng. Ông Didier Deschamps chắc chắn sẽ phải đau đầu với việc lựa chọn chiến thuật cho các cầu thủ của mình. Đánh giá về đối thủ ông nói :

« Với trình độ của các cầu thủ Tây Ban Nha thì đúng là không dễ dàng gì. Tôi chắc chắn là trận đấu sẽ diễn ra với lối chơi tập thể ở trình độ cao. Sau đó, như nhiều lần vẫn xảy ra, đó là kỹ thuật cá nhân của từng cầu thủ ( Tây Ban Nha) sẽ làm nên sự khác biệt. Những đặc thù và trình độ cá nhân của một đội bóng như Tây Ban Nha đòi hỏi các cầu thủ của chúng tôi phải chơi tập thể gắn kết và kỷ luật chiến thuật cao và nhất là phải cố gắng nhiều ».

Tối thứ Ba tới, đối mặt với hàng tấn công thiên biến vạn hóa và đầy kỹ thuật, đội tuyển Pháp buộc phải củng cố đặc biệt tuyến phòng ngự. Bằng chứng cho tính hiệu quả của Tây Ban Nha là họ vừa thắng Belarussia 4-0 hôm 12/10 trong khuôn khổ vòng đấu loại Cúp thế giới 2014. Các cầu thủ Pháp đang đòi hỏi phải có một nỗ lực lớn nhất trong chuyến di chuyển sang Madrid vào ngày mai, 15/10. Hy vọng có thể vượt qua được vòng loại Cúp thế giới 2014 của Pháp phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của trận gặp Tây Ban Nha.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.