Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Lance Armstrong : Từ huyền thoại trở thành kẻ dối trá

Đăng ngày:

Lance Arstrong, tay đua xua đạp lẫy lừng một thời chính thức đưa ra những lời thú nhận về sự nghiệp thể thao gian dối của mình, đặc biệt trong 7 chiến thắng ở cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp, sau hơn một thập kỷ che đậy sự thật một cách tinh vi.

Lance Armstrong trong cuộc phỏng vấn của Oprah Winfrey thực hiện hôm 14/1/ 2013.
Lance Armstrong trong cuộc phỏng vấn của Oprah Winfrey thực hiện hôm 14/1/ 2013. REUTERS/Harpo Studios, Inc/George Burns/Handout
Quảng cáo

Những lời sám hối của Arstrong được nhiều người đón đợi, không chỉ bây giờ mà đã từ nhiều năm nay, đã làm sụp đổ hẳn hình tượng một huyền thọai được thêu dệt trong suốt một thời gian dài bằng sự dối trá. Sau nhiều năm trời cố gắng che chắn sự thật, tối thứ Năm (17/01/2013) vừa qua, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình Mỹ, tay đua Lance Armstrong đã khẳng định lại tất cả những nghi vấn sử dụng doping nhằm vào anh từ trước tới nay đều đúng. Trả lời các câu hỏi trực diện của Oprah Winfrey, nữ dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Mỹ, Armstrong đã thừa nhận không một chút tiếc nuối, nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng, thành tích mà anh có được trong tòan bộ sự nghiệp thể thao của mình là nhờ doping, tuy nhiên anh không đi vào chi tiết của các vụ việc trong quá khứ.

Lance Arstrong đã tỏ ra điềm tĩnh và chủ động khi nói về chuyện anh sử dụng doping. Trước cuộc phỏng vấn nà không lâu, cuối năm ngoái, sau khi cơ quan chống doping Mỹ (USADA) tung ra bản báo cáo dày cả ngàn trang, cung cấp đủ các chứng cứ liên quan đến việc sử dụng doping của Armstrong, thì tay đua người Texas này đã phải nhân án kỷ luật trọn đời loại ra khỏi làng đua xe đạp và bị tước toàn bộ 7 chức vô địch Vòng quanh nước Pháp – Tour de France từ 1999 đến 2005.

Lance Armstrong cho biết sở dĩ anh muốn có buổi phỏng vấn này là vì khôgn muốn tiếp tục lừa dối chính những đứa con của mình. Armstrong đã thú nhận với ba đứa con lớn - đứa trai 13 tuổi và hai bé gái sinh đôi 11 tuổi - trong dịp lễ Giáng sinh. Armstrong nói: “Bọn trẻ không đáng phải sống với điều này trong đời chúng”. Điểm nhấn của cuộc phỏng vấn phần một phát sóng tối 18/1 là khi Oprah Winfrey hỏi Lance Armstrong rằng anh muốn nói gì với hàng triệu người đã tin tưởng anh nhưng lại phát hiện họ bị phản bội. Armstrong trả lời rằng anh hiểu sự phẫn nộ của cảm giác bị phản bội và chỉ đơn giản nói xin lỗi :

« Đây là một trong những điểm yếu của tôi, của một người luôn hy vọng đạt được những gì mình mong muốn. Đây là điều không thể tha thứ được. Mặt khác tôi cũng hiểu được những người nghe đượcc tôi nói những điều này sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi. Tôi đang bắt đầu hành trình sửa chữa sai lầm của mình. Một trong những chặng đầu cho tiến trình này là nói thẳng với mọi người và nói với họ một câu rằng : Tôi xin lỗi và tôi đã sai lầm còn các bạn đã đúng ».

Tối hôm sau, thứ Sáu, phần hai của cuộc phỏng vấn tiếp tục được truyền hình Mỹ cho phát sóng. Khác với phần đầu thừa nhận những cáo giác trướcc đây thì ở phần 2 tay đua người Mỹ đã không giấu được thất vọng về việc bị cấm tham gia mọi cuộc thi đấu thể thao vĩnh viễn. Người ta biết Lance Armstrong đã sử dụng doping trong từng chiến thắng ở giải Tour de France, nhưng anh vẫn im lặng không giải thích về sự việc tiến hành ra sao.
Tay đua Mỹ vẫn cho rằng việc trừng phạt cấm thi đấu hết đời là quá nặng nền. Anh so sánh đó như mọt án tử hình. Trong xúc động Lance Armstrong nói « Tôi nghĩ là mình xứng đáng được trở lại thi đấu. Đúng tôi đáng bị phạt nhưng tôi nghĩ không đáng bị án tử hình ». Armstrong vẫn còn một mơ ước được tham gia giải chạy Marathon Chicago khi anh 50 tuổi.

Vẫn còn nhiều câu hỏi đằng sau lần « xưng tội »

Dù được đánh giá là thẳng thắng và can đảm nhận đã sử dụng doping, nhưng giới chuyên môn về phòng chống doping trong thể thao vẫn thấy Armstrong chưa nói hết sự thật đã diễn ra thế nào. Trong suốt cuộc phỏng vấn khi đề cập đến chi tiết tổ chức thực hiện sử dụng doping, Armstong luôn tìm cách cắt ngang hoặc lảng tránh không bình luận đến vai trò của người chuẩn bị doping cho anh, đó là bác sĩ nổi tiếng Michel Ferrari, người từng dính líu đến nhiều vụ nghi vấn dùng doping khác trong làng đua xe đạp.

Anh nói : « Tôi không muốn tố cáo một ai khác. Đó là quyết định của tôi, sai lầm của tôi. Có những người mà trong chuyện này không nên thổi phồng quá đáng. Michele Ferrari là một người tốt ». Tuy nhiên anh đã không thể từ chối việc có một người đi moto đến để trao cho anh thuốc trong mỗi chặng đua của Tour de France năm 1999. Armstrong cũng thừa nhận trong cuộc phỏng vấn rằng mình đã được trợ giúp bằng cách không bị kiểm tra doping bên ngoài các cuộc thi đấu cho đến tận năm 2005.

Tóm lại, sau 10 năm nói dối, Armstrong đã thú nhận. Nhưng thực ra với lời xin lỗi như vậy thì liệu người ta có tin anh, có tha thứ cho anh ? Chắc chắn là không, và bản thân Armstrong cũng ý thức được điều đó khi anh nói : « Tôi sẵn sàng chịu phạt danh dự bao lâu cũng được vì biết rõ là mình không thuyết phục được bao người ». Có một điều chưa được giải đáp đó là việc sử dụng Doping của Armstrong quá tinh vi hay nó được che chắn thế nào từ cơ quan có trách nhiệm khiến cho một nghi ngờ kéo dài đến từng ấy thời gian.

Vụ Armstrong rồi cũng sẽ đi vào quên lãng dần với thời gian, nhưng tương lai của môn đua xe đạp mới là đáng lo ngại. Vụ Armstrong không phải là cá biệt, những nghi vấn sử dụng vẫn lẩn quất trong hầu hết các giải đua xe đạp lớn cho dù ngày nay người ta không thiếu các phương tiện kỹ thuật để kiểm tra theo dõi. Theo ông Jean Pierre de Mondenard, bác sĩ thể thao và là một chuyên về doping trong thể thao của Pháp thì cần phải cải tổ Liên đoàn đua xe đạp quốc tế UCI thì mới mong thay đổi, chứ không nên nhìn vào trường hợp cá biệt của Lance Armstrong :

Chủ thể thực sự không phải là Armstrong, phải gọi đây là vụ Armstrong, một trong vô số vụ tương tự. Chủ đề chính ở đây là làm thế nào để thoát ra khỏi tất cả những vụ việc như vậy vốn đã tích tụ lại từ suốt 40 năm qua. Thí dụ như năm 1967 đã có vụ Tom Simpson, rồi đến năm 1998 cũng xảy ra một vụ đội đua Festina bị phát giác sử dụng doping, bây giờ thì lại đến vụ Arstrong.

Chừng nào UCI vẫn còn còn như là một « công ty tổ chức biểu diễn » nhưng đồng thời cũng lạilà cơ quan ra lệnh trừng phạt những kẻ gian dối thì không có hy vọng gì có sự thay đổi. Armstrong là một dấu ấn điển hình cho sự thất bại của cuộc hiến chống doping. Anh ta đã giành chiến thắng 7 giải đua Vòng quanh nước Pháp, anh vẫn tồn tại trong làng đua xe đạp suốt 15 năm. Nhưng anh ta đã gian lận trong suốt thời gian đó. Thế thì đó là sự thất bại của cuộc chiến chống sử dụng thuốc kích lực. Đó là điều cần phải đánh mạnh.

Lời thú tội chưa thể giúp Armstrong thanh thản trong lòng, bởi giờ lại là lúc tay đua người Mỹ đối diện với một thực tế khác: Các khoản nợ. Trước tiên là những khoản nợ về tiền. Ban tổ chức Tour de France đang tính đến chuyện buộc Armstrong phải trả lại số tiền thưởng cho 7 lần đăng quang vô địch cuộc đua với số tiền thưởng lên tới gần 3 triệu euro. Không chỉ rút khỏi các giải đua xe đạp ngay từ khi vụ Armstrong bị bung ra, các nhà tài trợ giờ đây cảm thấy bị lừa dối bắt đầu lên tiếng đòi lại các khoản tiền hỗ trợ cho tay đua thi đấu trong nhiều giải mà số tiền gộp lại cũng phải là con số hàng chục triệu đô la. Armstrong còn một món nợ không thể đo đếm bằng tiền - đó là món nợ với người hâm mộ - những người đã luôn tin tưởng, tôn sùng, coi tay vợt này như hình mẫu để noi theo. Biểu tượng của ý chí vượt qua bệnh tật vươn tới đỉnh cao thể thao giờ trở thành nỗi thất vọng tột cùng của người hâm mộ anh. Đó có lẽ là món nợ mà tay đua này mãi không thể trả nổi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.