Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Cúp C1 bóng đá châu Âu : Thương hiệu lớn của bóng đá thế giới

Đăng ngày:

Việc cho ra đời giải bóng đá châu Âu với tên gọi Cúp các câu lạc bộ vô địch châu Âu năm 1955 đã thúc đẩy nhanh chuyên nghiệp hóa bóng đá. Cúp C1 hay Champions League giờ đây, đã trở thành giải đấu hàng đầu thế giới lôi cuốn người hâm mộ của cả hành tinh, cũng như thu hút ngồn tiền khổng lồ của các nhà đầu tư, đặc biệt gần đây với sự xuất hiện của các nhà tài phiệt Nga hay Qatar.

Tính cạnh tranh quyết liệt đã làm nên sức hấp dẫn của Champions League.
Tính cạnh tranh quyết liệt đã làm nên sức hấp dẫn của Champions League. REUTERS/Giorgio Perottino
Quảng cáo

Năm 1955 giải Cúp các câu lạc bộ vô địch quốc gia châu Âu ra đời theo sáng kiến của một số các nhà báo của tờ báo thể thao L’Equipe. Mục đích ban đầu các nhà tổ chức giải đấu chỉ đơn thuần là quảng bá cho ấn bản của tờ báo bán được chạy hơn. Cũng cần phải biết thêm là tiền thân của báo L’Equipe, tờ Auto chính là tờ báo đã khai sinh ra cuộc đua xe đạp Vòng quanh nước Pháp – Tour da France- năm 1903. Bên cạnh mục tiêu bán được báo các nhà tổ chức cúp bóng đá còn muốn tạo thêm cơ hội giao đấu giữa các câu lạc bộ châu Âu, vào thời điểm đó vẫn chỉ có vài đội bóng, với các đội bóng xứ đông Âu cộng sản.

Sau khi phác thảo ra một quy chế và được sự nhất chí của 16 câu lạc bộ châu Âu, tờ L’Equipe đã tổ chức tại Paris trong hai ngày mùng 2 và 3 tháng Tư năm 1955 một cuộc họp với lãnh đạo các câu lạc bộ liên quan để thống nhất với nhau về cách tổ chức giải đấu. Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA, khi đó chỉ lo quản lý các trận đấu cấp đội tuyển quốc gia, cùng đã đồng ý với các nhà tổ chức.

Giải đấu đầu tiên đã diễn ra trong mùa bóng 1955-1956, tập hợp tham gia các câu lạc bộ đã nổi tiếng như Real Madrid, AC Milan, Partizan Belgrade, Sporting Portugal, Stade de Reims của Pháp…. Trận chung kết mùa giải đầu tiên đó đã diễn ra tại Paris giữa Real Madrid và Stade de Reims trước 40 nghìn khán giả với chiến thắng 4-3 của Real Madrid. Câu lạc bộ Tây Ban Nha trở thành nhà vô địch đầu tiên của Cúp C1 châu Âu.

Trước thành công của giải đấu, UEFA tiếp tục tổ chức mùa giải 1956 - 1957 với quy định chỉ có các câu lạc bộ vô địch quốc gia mới được tham dự. Có thêm 5 quốc gia tham dự giải đấu, trong đó có câu lạc bộ Manchester United của Anh Quốc. Từ đó trở đi số lượng các câu lạc bộ tham gia vào giải đấu không ngừng tăng cũng như các khoản thu từ giải đấu này cũng lớn lên rất nhiều.

Giờ đây Champions League quy tụ về thi đấu không chỉ các nhà vô địch quốc gia mà còn cả các đội bóng xếp hạng 2, 3 và 4 trong các giả vô địch quốc gia ở 53 nước thành viên của UEFA. Với số lượng đông đảo này, giải Champions League được tổ chức theo thể thức thi đấu vòng bảng trước khi bước vào vòng loại trực tiếp 1/8. Champions League giờ đây là giải đấu bóng đá uy tín hàng đầu thế giới. Là giải ở cấp độ câu lạc bộ châu Âu nhưng khán giả và người hâm mộ nhanh chóng lan rộng toàn cầu và tất nhiên điều này đã khiến Champions League nhanh chóng trở thành giải đấu sinh lời nhất.

Trong mùa bóng 2011-2012, UEFA đã phân phối lại hơn 750 triệu euro cho các câu lạc bộ tham dự giải. Trong đó câu lạc bộ vô địch (Chelssea) được nhận 60 triệu, và Á quân của giải Bayer Munich cũng thu về 41,7 triệu euro. Dự tính mùa bóng 2012-2013, UEFA sẽ chia 910 triệu euro cho 32 câu lạc bộ tham dự. Những đội bị loại ở vòng bảng vẫn có thể nhận được 8,6 triệu euro, phần còn lại sẽ được chia theo mức xếp hạng thành tích. Nhà vô địch năm nay sẽ nhận thêm 10,5 triệu so với năm ngoái.

Theo Giáo sư Vladimir Andeff, chuyên gia về lĩnh vực kinh tế trong thể thao của Đại học Paris I, giờ đây các câu lạc bộ bóng đá lớn ở châu Âu đều có dáng dấp của một công ty xuyên quốc gia. Các cầu thủ chơi ở các câu lạc bộ châu Âu giờ được quốc tế hóa cao độ, họ đến từ khắp các lục địa trên thế giới đầu quân cho các câu lạc bộ lớn ở châu Âu với hy vọng được chơi ở Champions League. Khái niệm câu lạc bộ của một quốc gia giờ chỉ là tương đối bởi các chủ sở hữu của các câu lạc bộ cũng giờ cũng được toàn cầu hóa.

Giành chiến thắng ở Champions League hoặc ít ra là được hiện diện trong giải để tạo dựng một danh tiếng quốc tế đó là mục tiêu của các câu lạc bộ bóng đá ở châu Âu. Tương tự như vậy, được sở hữu đội bóng tham gia Champions League cũng là một cái đích của rất đông các nhà tỷ phú đến từ Nga hay từ vùng Ả Rập, bởi họ nhìn thấy ở đây một cơ hội kiếm tiền và tạo dựng danh tiếng khá nhanh. Người ta có thể kể ra những cái tên như Roman Abramovitch, ông chủ của câu lạc bộ Chelsea, Alicher Ousmanov, đồng sở hữu Arsenal. Lấy thí dụ như trường hợp của câu lạc bộ Paris Saint Germain.

Được tập đoàn Qatar Sport Investment mua lại từ tay nhà đầu tư Mỹ Colony Capital năm 2011, câu lạc bộ thành Paris đã được ông chủ tịch người Qatar Nasser Al Khelaifi tung ra hơn 200 triệu euro trong vòng một năm để trang bị những cầu thủ hàng đầu thế giới với mục tiêu cùng với chức vô địch quốc gia là chinh phục Champions League. Paris Saint-Germain đến lúc này dường như đang đi đúng hướng. Họ tiếp tục dẫn đầu giải vô địch quốc gia và vừa vượt qua được vòng 1/8 Champions League.

Các nhà đầu tư vào Champions League không chỉ hy vọng vào lợi nhuận tài chính trực tiếp từ bóng đá mà giải đấu này giờ còn là nơi giúp họ tạo được hình ảnh và uy tín quốc tế của đất nước hay trong công việc kinh doanh hay cá nhân. Trường hợp Qatar là một thí dụ điển hình. Mục tiêu của các nhà đầu tư Qatar còn là quảng bá hình ảnh tích cực của thế giới Ả Rập và tạo sự ủng hộ trong các thương vụ thôn tính trong công nghiệp hay lĩnh vực bất động sản đang khiến cả thế giới lo ngại.

So với mục tiêu ban đầu của báo L’Equipe khi sáng lập giải Cúp các đội vô địch quốc gia thì đến nay Champions League đã tiến rất xa cả uy tín, sức hấp dẫn đến quy mô kinh tế và chính trị của nó.

04:18

Nhà báo Minh Hùng-Sài Gòn

Nhân mùa bóng Champión League 2012-2013 đang đi vào gia đoạn quyết liệt của vòng loại trực tiếp, Tạp chí Thể thao phỏng vấn nhà báo thể thao Minh Hùng, chuyên theo dõi bóng đá quốc tế tại Sài Gòn :

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.