Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Sân chơi châu lục vẫn quá tầm với bóng đá Việt Nam

Đăng ngày:

 Vòng loại Asian Cup 2015 với đội tuyển quốc gia Việt Nam đã chính thức khép lại, sau trận thua 3 bàn không gỡ trên sân nhà trước đội tuyển Uzbekistan hôm 15/11/2013. Dù không đặt nhiều kỳ vọng, nhưng người hâm mộ Việt Nam vẫn thất vọng lớn với cách chia tay vòng loại Cup Châu Á 2015, sau 4 trận thua liên tiếp. Sân chơi tầm châu lục vẫn còn quá lớn, bóng đá Việt Nam vẫn lại tiếp tục vật lộn trong cái « ao làng » Sea Games mà chưa biết bao giờ mới bơi được ra biển lớn.

Bóng đá Việt Nam vẫn chưa ra khỏi ao làng Sea Games. Ảnh: U23 Việt Nam ( trắng) gặp Singapore tại Sea Games 25 Lào 14/12/2009.
Bóng đá Việt Nam vẫn chưa ra khỏi ao làng Sea Games. Ảnh: U23 Việt Nam ( trắng) gặp Singapore tại Sea Games 25 Lào 14/12/2009. Ảnh: Hồng Long
Quảng cáo

Kể từ khi tái hội nhập đấu trường châu lục đến nay, đội tuyển Việt Nam đã tham dự 5 kỳ Asian Cup, trong đó, giải năm 2007, Việt Nam với tư cách là một trong số bốn đội đồng chủ nhà, lần đầu tiên trong lịch sử, đã lọt vào tới tứ kết và chỉ chịu dừng bước sau khi để thua đội Iraq, đội bóng sau đó đã đăng quang ngôi vô địch. Còn lại 4 lần tham dự vòng loại Asian Cup từ trước đến nay, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ vào tới vòng chung kết, nhưng cũng chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh trắng tay trong cả 4 trận đấu đầu tiên, như ở vòng loại lần này. Ở các vòng loại từ năm 1996, đội tuyển Việt Nam đã từng chơi tưng bừng, giành được một số trận thắng, ít nhiều cho thấy, họ là một đối thủ cạnh tranh.

Dù sao thì kết quả này cũng không có gì là bất ngờ, bởi ngay từ khi chuẩn bị cho chiến dịch vòng loại này, những nhà quản lý bóng đá Việt Nam đã không chú tâm nhiều cho sân chơi châu lục, có thể do thấy quá tầm chăng ? Mục tiêu được Liên đòan bóng đá Việt Nam đề ra theo kiểu đá được đến đâu thì đá, nếu vào được sâu thì càng tốt.

Dù chưa kết thúc đợt thi đấu cho Asian Cup 2015, dư luận báo chí và người hâm mộ bóng đá ở Việt Nam đã nhìn nhận, đây là một vòng loại Cúp châu Á tồi tệ nhất của đội tuyển Việt Nam từ trước tới giờ. Có ý kiến cho rằng, nếu đánh giá đúng tầm quan trọng của vòng loại Châu Á và chuẩn bị tốt hơn, đội tuyển quốc gia Việt Nam hoàn toàn có những kết quả khả quan, giúp đem lại chút hy vọng thoát khỏi bầu không khí ảm đạm trong làng bóng đá Việt Nam từ nhiều năm qua.

Bình luận về thất bại của bóng đáng Việt Nam ở cấp độ châu lục, báo Văn hóa Thể thao đã nhận định : « Chuẩn bị cho một sự kiện bóng đá tầm cỡ châu lục mà trong khi cấp độ “vĩ mô” đặt mục tiêu không hề cụ thể, theo kiểu được chăng hay chớ, còn ở cấp độ “vi mô” thì có một bộ phận không nhỏ cầu thủ kiếm cớ thoái thác nhiệm vụ, vì biết đây là sân chơi không có “màu mè”, lại dễ có nguy cơ gặp chấn thương vào giai đoạn chuẩn bị quan trọng trước mùa bóng 2014, thế thì việc đội tuyển Việt Nam sớm phải giã từ cuộc chơi ở vòng loại Asian Cup 2015 có gì là lạ đâu ».

Dường như những người điều hành bóng đá tại Việt Nam không nhìn thấy ở cuộc canh đến với sân chơi châu lục là một cơ hội tốt để các tuyền thủ quốc gia có cơ hội cọ sát, nâng tầm cho bóng đá Việt Nam, mà người ta chỉ bằng lòng với việc loanh quanh đi tìm vàng ở sân chơi Sea Games cùng đội đội tuyển U 23. Cũng có thể khẳng định là không một nước nào quan tâm phát triển bóng đá lại đặt mục tiêu quá nhiều vào thành tích của đội tuyển Olympic.

Có lẽ chính vì thế mà từ nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam vẫn cứ dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là tụt hậu. Thể thao Chủ nhật có cuộc trao đổi với chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui tại TP Hồ Chí Minh.

09:34

Chuyên gia Trần Văn Mui- Sài Gòn

 

 

 

 

 Bộ luật mới chống doping của thể thao thế giới

Hôm 15/11/2013, tại Johannesburg, sau hai năm tham khảo nhiều cơ quan tổ chức thể thao quốc tế và các chính phủ, Cơ quan chống doping quốc tế ( AMA) đã thông qua bộ Luật quốc tế chống doping. Văn bản Luật chống doping được sửa đổi lần thứ ba này sẽ được đưa vào áp dụng từ đầu năm 2015 đối với tất cả các vận động viên và chính phủ ký cam kết thi hành.

Thay đổi chủ yếu trong văn kiện là các thang kỷ luật đối với các trường hợp sử dụng thuốc kích lực trong thể thao sẽ nặng hơn so với các quy định trước. Theo đó, mức kỷ luật cấm thi đấu sẽ là 4 năm đối với trường hợp vi phạm lần đầu, thay vì 2 năm theo quy định cũ. Luật mới cũng quy định đưa thêm nhiều chi tiết để có thể phân biệt các hình thức vi phạm do vô tình và vi phạm cố ý. Bộ luật quốc tế doping vừa thông qua đã được các Liên đoàn thể thao và các tổ chức đại diện cho vận động viên trên khắp thế giới hưởng ứng, tuy vẫn còn có vài dè dặt trong một bộ phận vận động viên ở một số môn thể thao.

Bà Bộ trưởng Thể thao Pháp Valerie Fourneyron giải thích, những quy định mới trong bộ luật chống doping:

Bộ luật mới chống doping có nhiều tham vọng, rõ ràng và công bằng hơn nhiều so với trước đây. Quy định này đã tính đến những phát triển của cuộc đấu tranh chống doiping trong nhiều năm qua. Chúng ta đã thấy, bộ luật đưa ra năm 2009 đã tỏ ra không đủ để đấu tranh với tình trạng sử dụng thuốc kích lực trong thể thao. Đấu tranh chống doping là đấu tranh chống lại việc gian lận, đồng thời cũng có nghĩa là đấu tranh bảo vệ những vận động viên « sạch ».

Trong bộ quy định mới này, theo chỗ chúng tôi được biết thì có những chi tiết đã được rút kinh nghiệm từ sau các vụ việc như vụ Lance Armstrong. Theo đó, việc kiểm tra đối với các vận động viên không chỉ đơn thuần là kiểm tra về phân tích, như là kiểm tra máu hay nước tiểu, mà người ta có thể dựa trên các bằng chứng không qua phân tích, thí dụ như qua nhân chứng, lời thú nhận hoặc các tham số sinh học. Như trường hợp của Lance Armstrong, người ta sẽ tìm lại những mẫu xét nghiệm từ trước, nhưng đồng thời người ta cũng có thể dựa trên các bằng chứng không nhất thiết phải lấy từ các phân tích máu hay nước tiểu.

Cái mới nữa trong quy định này là quyền hạn điều tra của Cơ quan chống doping quốc tế (AMA), đây là điều mà cơ quan này không được quyền trong vụ Lance Armstrong. Bộ luật còn có phần liên quan đến môi trường sinh hoạt của vận động viên. Bộ luật chống doping mới thể hiện sự kiên quyết mạnh mẽ qua quy định trừng phạt 4 năm treo thi đấu với vận động viên vi phạm. Đây là mức kỷ luật rất nặng và kiên quyết. Khung quy định cũng khoanh vùng kỷ luật đối với các trường hợp sử dụng những chất kích thích đặc biệt, như cần sa một cách không cố ý hay bị bẫy.

Những công cụ như vậy tôi cho là không thể thiếu, nếu chúng ta muốn tất cả các vận động viên, dù chơi ở môn thi đấu nào, dù ở đâu thì cũng sẽ được đối xử như nhau.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.