Vào nội dung chính
CHÂU Á

Mỹ phát triển quan hệ với Lào để chặn ảnh hưởng của Trung Quốc

Hoa Kỳ tìm cách khởi động chương trình hợp tác phát triển song phương với Lào, kể cả trong lĩnh vực quân sự.  Theo giới phân tích, chính quyền Vientiane tỏ thái độ « cởi mở một cách thận trọng » trước đề nghị của Mỹ « nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ». 

Nguồn : state.gov
Quảng cáo

Trung tuần tháng 3, ông Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách hồ sơ Đông Á-Thái Bình Dương đã có chuyến công du châu Á trong đó có Lào. Theo giới phân tích, qua chuyến đi này, Hoa Kỳ có ý định tăng cường hợp tác với Lào nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng trong khu vực.

Trong hai ngày làm việc tại Vientiane, từ 10 đến 12/03, ông Campbell đã hội đàm với thứ trưởng ngoại giao Lào Phongsavath Boupha, gặp phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Thongloun Sisoulityh và tham dự cuộc đối thoại mở rộng Mỹ-Lào lần thứ ba.

Trong dịp này, Washington đã khởi động chương trình hợp tác phát triển kinh tế song phương tập trung trên bốn lĩnh vực : Hợp tác bảo vệ môi trường sông Mêkông, tăng cường quan hệ thương mại, thúc đẩy các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo trong đó có việc rà phá bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh, hợp tác giữa quân đội hai nước, tập trung vào việc đào tạo huấn luyện, kể cả giảng dậy tiếng Anh cho các sĩ quan Lào

Vào tháng bẩy năm ngoái, bên lề hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN – AMM 42, tại Phuket, Thái Lan, theo sáng kiến của Mỹ, ngoại trưởng Hillary Clinton đã có cuộc họp đầu tiên với bốn nước ở hạ nguồn sông Mêkông là Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan. Đồng thời, Washington cam kết tài trợ 7 triệu đô la cho các chương trình bảo vệ môi trường.

Để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương, vào tháng sáu năm ngoái, tổng thống Barack Obama đã rút Lào và Cam Bốt ra khỏi danh sách đen cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với hai nước này. Bên cạnh đó, cơ quan phụ trách viện trợ Mỹ, USAID, đang giúp Lào cải cách hệ thống thương mại với mục tiêu đưa nước này sớm gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế.

Điều đáng chú ý hơn cả là hợp tác quân sự giữa Mỹ và Lào. Tháng 12 năm ngoái, lần đầu tiên kể từ 30 năm qua, sứ quán Mỹ tại Vientiane có tùy viên quân sự. Trong khuôn khổ chương trình giáo dục và huấn luyện quân sự quốc tế IMET, một số sĩ quan Lào đã được huấn luyện tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, giới lãnh đạo Lào tỏ thái độ « cởi mở một cách thận trọng » trước đề nghị của Mỹ « nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ».

Theo báo trên mạng atimes.com, một số lãnh đạo ở Vientiane vẫn muốn có quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh để bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa và đầu tư. Thế nhưng, mối lo ngại « sự thống trị của Trung Quốc » đang gia tăng, nhất là việc ngày càng có nhiều lao động Trung Quốc sang Lào và điều này « đe dọa chủ quyền quốc gia của Lào ». Trong khi đó, việc Trung Quốc xây đập thủy điện trên thượng nguồn Mêkông, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, hệ sinh thái và cuộc sống của người dân ở hạ nguồn và đang gây ra nỗi bất bình của hàng triệu dân cư sống nhờ vào con sông này, trong đó có Lào.

Vẫn theo giới chuyên gia, Việt Nam cũng ủng hộ phát triển quan hệ giữa Washington và Vientiane. Là đồng minh thân thiết của Lào, Việt Nam lo ngại trước việc Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại quốc gia nhỏ bé này. Nếu quan hệ Lào-Mỹ phát triển, sườn biên giới phía tây Việt Nam được bảo vệ tốt hơn. Hà Nội sẽ có vị trí vững chắc hơn tại Lào, tạo thế mạnh trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.

Ý định ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực thể hiện rõ qua phát biểu của ông Campbell tại tiểu ban đối ngoại Hạ Viện Mỹ, trước chuyến đi châu Á, được báo atimes.com trích dẫn : « Châu Á-Thái Bình Dương có tầm quan trọng sống còn và thường trực đối với Hoa Kỳ và điều rõ ràng là các nước trong khu vực mong muốn Hoa Kỳ duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ và tích cực tại đây. Chính sách của chúng ta là Hoa Kỳ sẽ hành động với tư cách là một cường quốc trong khu vực chứ không phải chỉ là một khách thăm bởi vì những gì xẩy ra trong vùng có tác động trực tiếp đến an ninh và sự phồn thịnh kinh tế của Mỹ ».

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.