Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Mua lại hãng xe hơi Volvo để thâu tóm công nghệ phương Tây

Mua lại Volvo, tập đoàn Geely nhắm vào việc mở rộng phạm vi kinh doanh qua thị trường Âu Mỹ, từ trước đến nay chủ yếu nằm trong tay các tập đoàn Mỹ, Pháp, Đức, Nhật và mới đây là Hàn Quốc. Nhưng mục tiêu quan trọng hơn cả là công nghệ học trong lãnh vực chế tạo xe hơi mà phiá Trung Quốc sẽ thụ hưởng, không chỉ từ Volvo, mà cả từ các đối tác truyền thống của Volvo.

Lý Thư Phúc, chủ tịch tập đoàn xe hơi TQ Geely
Lý Thư Phúc, chủ tịch tập đoàn xe hơi TQ Geely Reuters / Bjorn Larsson
Quảng cáo

Ngày 28/3,tập đoàn xe hơi Hoa Kỳ Ford đã chính thức ký thỏa thuận bán hãng xe hơi Thụy Điển Volvo cho tập đoàn Trung Quốc Geely. Với thương vụ này, thông qua nhãn hiệu Volvo, Trung Quốc sẽ có phương tiện thâm nhập trực tiếp vào thị trường xe hơi Âu Mỹ mà cho đến nay họ vẫn phải đứng ngoài. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, lợi ích quan trọng hơn cả chính là khả năng Bắc Kinh chiếm lĩnh được những công nghệ học mà họ còn thiếu trong lãnh vực chế tạo xe hơi, nhờ sở hữu được một hãng ô tô lâu đời và có uy tín của Châu Âu.

Được thành lập từ năm 1926, Volvo (tên lấy từ tiếng Latinh có nghĩa là ''Tôi lăn'') là một hãng nổi tiếng Châu Âu và thế giới trong lãnh vực xe berline cỡ lớn và cao cấp, cũng như các loại xe vận tải sau khi mua lại bộ phận chế tạo xe vận tải của Renault (Pháp) và Nissan (Nhật). Xe do Volvo sản xuất luôn được khen ngợi nhờ chất lượng bền chắc.

Tuy nhiên, do khó khăn tài chánh, các chủ nhân của Volvo đã đành phải bán hãng xe này cho tập đoàn Mỹ Ford vào năm 1999. Tuy nhiên, khó khăn nội tại của Volvo không dứt và chỉ hơn 10 năm sau, đến lượt Ford phải bán rẻ hãng xe Thụy Điển trong tay mình cho tập đoàn Geely của Trung Quốc. Giá bán Volvo cho Geely chỉ là 1,8 tỷ đô la, bằng 1/4 giá mua hồi năm 1999.

Đối với giới phân tích, khi mua lại Volvo, tập đoàn Geely nhắm vào việc mở rộng phạm vi kinh doanh của mình qua thị trường Âu Mỹ, từ trước đến nay chủ yếu nằm trong tay các tập đoàn Mỹ, Pháp, Đức, Nhật và mới đây là Hàn Quốc. Nhưng mục tiêu quan trọng hơn cả là công nghệ học trong lãnh vực chế tạo xe hơi mà phiá Trung Quốc sẽ thụ hưởng, không chỉ từ Volvo, mà cả từ các đối tác truyền thống của Volvo.

Theo ghi nhận của các chuyên gia, một khi thương vụ hoàn tất, do việc xe Volvo cũng dùng chung một số linh kiện với Ford, phía tập đoàn Mỹ sẽ phải tiếp tục cung cấp động cơ và một số hệ thống khác cho Volvo trong giai đoạn chuyển tiếp. Volvo qua đó sẽ được tiếp tục thừa hưởng các công nghệ của Ford và có thể cho phép chủ mới của mình là Geely sử dụng. Đó là chưa kể đến công nghệ học của chính Volvo.

Báo chí Thụy Điển vào hôm nay đã không ngần ngại nêu bật khiá cạnh này trong thương vụ Geely - Volvo. Theo bà Patricia Hedelius, bình luận gia tài chính của nhật báo Dagens Nyheter, vụ Trung Quốc mua lại Volvo đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nền công nghiệp thế giới. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc mua được một thương hiệu xe hơi cao cấp của châu Âu. Vấn đề là thương vụ này "chỉ là bước thứ nhất trong một loạt thỏa thuận theo đó các công ty Trung Quốc sẽ thu mua công nghệ học phương Tây''. 

Phân tích gia này dự báo : ''Sắp tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến những đòn tấn công trên bình diện rộng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các công ty Trung Quốc săn bắt các tài sản nằm bên ngoài nước họ''. Cùng quan điểm, Jacques Wallner, chuyên gia trong lãnh vực xe hơi của nhật báo Dagens Nyheter cũng dự trù những ngày sóng gió cho các hãng chế tạo xe hơi ở Châu Âu, Hoa Kỳ hay Nhật Bản.

Đối với ông Wallner, khi làm chủ được một hãng xe hơi Châu Âu kỳ cựu như Volvo, Trung Quốc có thể nâng cấp ngành công nghiệp xe hơi của họ với những công nghệ học đặc hiệu, và sắp tới đây giới tiêu thụ ở phương Tây sẽ phải chấp nhận thực tế là xe sản xuất tại Trung Quốc cũng có thể có chất lượng cao.

Phải nói rằng đây không phải là lần đầu tiên một tập đoàn Trung Quốc muốn mua lại một hãng phương Tây thuộc loại có tầm cỡ. Vào năm 2005, tập đoàn dầu hỏa hải ngoại Trung Quốc CNOOC đã tìm cách mua lại tập đoàn Unocal của Mỹ, nhưng thất bại vì bị chính quyền Mỹ phản đối.

Nếu ngành dầu khí được cho là mang tính chất chiến lược cao, thì ngành công nghiệp xe hơi có phần ít quan trọng hơn. Điều này có thể giải thích phần nào lý do vì sao Washington không phản đối thương vụ Geely - Ford - Volvo, cho dù nguy cơ công nghệ học bị thất thoát là một điều có thực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.