Vào nội dung chính
PHIM ẢNH - XÃ HỘI

Khi phim Avatar trở thành một biểu tượng đấu tranh

Với gần 2 tỷ đôla doanh thu trên thế giới, bộ phim khoa học viễn tưởng Avatar của đạo diễn người Canada James Cameron đã thành công ngoài sự chờ đợi của tác giả. Phim này tiếp tục hái ra bạc triệu, vì được khai thác qua đĩa hình DVD, và trò chơi video điện tử. Nhưng có một tác dụng mà ít ai nghĩ tới. Đó là phim Avatar đang trở thành một biểu tượng đấu tranh của những người thấp cổ bé miệng.

Quảng cáo

Cách đây một tháng, tờ báo đầy uy tín của Mỹ Vanity Fair đã đăng bức thư ngỏ của tổ chức phi chính phủ Survival International lên tiếng kêu gọi đạo diễn James Cameron đánh động dư luận về số phận của cộng đồng thiểu số Dongria Kondh tại Ấn Độ. Cộng đồng này sống trên một vùng đất đầy tài nguyên, nhưng đất đai của họ đang bị chính quyền trưng dụng tịch thu, trước áp lực của tập đoàn Anh Quốc Vedanta Resources. Theo tổ chức Survival International, số phận của người Dongria giống như trường hợp của bộ tộc người Nav’i trong phim Avatar, bị loài người đô hộ để chiếm đoạt tài nguyên. Cộng đồng thiểu số Ấn Độ đã mời đạo diễn Canada đến tại chỗ để chứng kiến cách đối xử của tập đoàn Anh với người dân bản địa.

Theo tuần báo Courrier International, trường hợp kể trên không phải là riêng lẽ, vì ngoài Ấn Độ còn có nhiều cộng đồng khác tại Nam Mỹ hay Trung Đông cũng có những yêu sách tương tự. Theo nhật báo Pagina 12 của Achentina, các nông dân nghèo tại nước này thường bị buộc phải di dời chỗ ở, trước sự bành trướng của các trại chăn nuôi và các tập đoàn nông thực phẩm. Vấn đề ở đây là đa số những nông dân này là những thổ dân an cư lạc nghiệp từ xưa tại chỗ, trước khi có sự xuất hiện của các nhà điền chủ. Họ không muốn rời bỏ nguyên quán, vì nơi mà họ đang sống không chỉ đơn thuần là một vùng đất canh tác trồng trọt mà còn là nơi chôn cất, thờ phụng tổ tiên.

Về phần mình, tờ báo El Comercio của Equador, nhắc đến cuộc đấu tranh của hàng ngàn thổ dân vùng Amazone. Ban đầu rất lẽ loi, cộng đồng này đang dần dần tập hợp lại, tổ chức các cuộc biểu tình trước văn phòng của tập đoàn dầu hỏa Chevron – Texaco của Mỹ, để chống lại các hình thức trưng dụng đất đai, và đòi bồi thường thiệt hại do mức độ ô nhiễm. Theo tờ báo El Pais của Tây ban Nha, thì trong cuộc đọ sức với tập đoàn Hoa Kỳ, thổ dân vùng Amazone vừa nhận được một sự ủng hộ đáng kể đến từ bà Marina Silva, cựu bộ trưởng bộ Môi trường Brazil. Với tư cách là ứng cử viên tổng thống trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới, bà Marina Silva cho biết là bà sẽ yêu cầu đạo diễn Cameron can thiệp trên hồ sơ này.

Trong khi đó, tại vùng Cisjordanie ở Palestine, cư dân của một ngôi làng đã hóa trang y như các nhân vật trong phim Avatar để phản đối kế hoạch của Nhà nước Israel, lấn đất để xây thêm nhà cửa cho người Do Thái. Trên mạng Internet, nhiều đoạn phim video cho thấy dân làng Bil’in hóa trang thành người Nav’i, nước da được sơn thành màu xanh, mắt vẽ như mắt mèo để đánh động dư luận về số phận của họ. Theo nhật báo Al Hayat, không phải ngẫu nhiên các khu định cư của người Do Thái thường được xây gần các địa điểm gọi là chiến lược, với mục tiêu về lâu về dài là kiểm soát các nguồn nước, vốn rất khan hiếm ở trong vùng.

Từ Nam Mỹ đến Trung Đông, các cuộc đấu tranh đều ít nhiều chọn phim Avatar làm biểu tượng, một cuộc đọ sức khá chênh lệch theo kiểu châu chấu đá voi hay David chống Goliath. Điều mà có lẽ ngay cả đạo diễn James Cameron cũng không thể ngờ tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.