Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Tại Hà Nội, người ta có thể bị bỏ tù vì tín ngưỡng

Nhật báo La Croix hôm nay, với tựa đề « Tại Hà Nội, người ta có thể bị bỏ tù vì đức tin tôn giáo », mô tả sức hút của Công giáo tại Hà Nội và những căng thẳng giữa Công giáo và chính quyền Việt Nam trong thời gian hai năm gần đây.

Các linh mục Nhà Thờ Lớn Hà Nội
Các linh mục Nhà Thờ Lớn Hà Nội Ảnh: Reuters
Quảng cáo

Theo La Croix, kể từ năm 1986, nhà nước Việt Nam bắt đầu khẳng định tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế quyền tự do này không thực sự được thực thi. Chính vì vậy, nhiều người theo Thiên chúa giáo đã phản kháng lại. Từ hai năm nay, các căng thẳng tiềm tàng có lúc dâng cao, và bùng nổ thành xung đột, đặc biệt liên quan đến các tranh chấp đất đai, nhất là ở Hà Nội.

Theo số thống kê chính thức, Hà Nội chỉ có 30 nghìn tín đồ Công giáo trên tổng số 4 triệu dân cư, trong khi trên toàn quốc, có khoảng 7 triệu người Công giáo, chiếm 8% dân số. Với làn sóng di dân từ nông thôn và các luồng nhập cư từ các nơi, và việc hôn nhân với người ngoài đạo, số lượng tín đồ Công giáo tại Hà Nội trên thực tế cao hơn nhiều. Hiện tại các cơ sở sinh hoạt tôn giáo tại các xứ đạo đều quá tải. Thái Hà, xứ đạo lớn nhất, phải đón tiếp từ 12 đến 15 nghìn người trong các buổi thánh lễ.

La Croix đặt câu hỏi, tại sao Công giáo lại có sức thu hút như vậy ? Theo một linh mục xứ Thái Hà, chính đức tin sâu sắc vào Chúa của những người Công giáo mang lại sức hấp dẫn cho tôn giáo này, tại một đất nước đang trải qua cuộc khủng hoảng lý tưởng. Tuy nhiên, cũng theo linh mục này, những căng thẳng trong quan hệ giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo khiến nhiều người, đặc biệt là sinh viên, xa lánh tôn giáo, vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của mình.

Theo linh mục xứ Thái Hà, do các nguyên nhân lịch sử, nhà cầm quyền coi nhiều người Công giáo như kẻ thù. Những người truyền giáo trước kia đã tới Việt Nam cùng với thực dân. Quá khứ này đã để lại nhiều dấu ấn, bên cạnh các cuộc đàn áp tôn giáo. Đàn áp tôn giáo tiếp tục khốc liệt sau khi những người cộng sản lên nắm quyền. Theo linh mục, cho đến giữa những năm 1980, các nhà thờ vẫn bị đóng cửa. Cho đến năm 1986, một giao ước khá mơ hồ đã được thiết lập, theo đó, để đổi lại việc nhà nước cho phép hoạt động tín ngưỡng, Giáo hội Công giáo phải từ bỏ thái độ đối kháng chống lại chế độ.

Tuy nhiên, giao ước này không giải quyết dễ dàng mọi trở ngại trong quan hệ giữa hai phía. Vẫn tiếp tục có những tiếng nói từ phía các chức sắc Công giáo cho rằng, Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn đang là một trong các giáo hội bị đàn áp nhiều nhất, như lời phát biểu của Giám mục Thanh Hóa tháng 10 năm 2009, trong một cuộc họp của Hội đồng giám mục.

Một tín đồ Công giáo cho biết, các xung đột về đất đai chỉ là một cái cớ đế chính quyền đàn áp. Bởi họ nhìn thấy trong Giáo hội Công giáo một mảnh đất tự do, cái tự do mà mọi người Việt Nam đều mong muốn. Chính vì vậy, chính quyền đã đàn áp để không cho tinh thần đó lan tỏa. Việc Tổng giám mục Hà Nội bị thay đối bất ngờ mới đây càng làm tăng thêm nỗi ngờ vực đối với chính quyền Hà Nội, nơi những người Công giáo.

Tuy nhiên, lại cũng có những người Công giáo khác tránh xa các xung đột này. Sơ Marie được La Croix phỏng vấn, cho biết, đầu năm nay bà chọn tập trung vào tổ chức hội mừng kết thúc năm học của ngôi trường do bà phụ trách. Các phụ huynh học sinh rất ngưỡng mộ các hoạt động do bà phụ trách như : ca hát, nhảy múa, âm nhạc. Theo bà, các nhu cầu xã hội chăm sóc trẻ mồ côi, trường học cho những người tàn tật, trạm y tế, những việc mà người Công giáo có thể đảm nhiệm, là rất lớn. Bà có vẻ khá lạc quan, vì ngày càng có nhiều người đi theo tiếng gọi của đức tin. Bà cũng cho biết, tại các vùng nông thôn, nhận được giấy phép của chính quyền dễ hơn là tại các thành phố.

Còn theo sơ Lucie, đứng đầu một trung tâm trợ giúp y tế, thực phẩm cho biết, « Chúa đã sắp đặt hết ». Bất chấp các xung đột giữa Giáo hội và chính quyền, các hoạt động của trung tâm bà vẫn tiếp tục. Vấn đề quan trọng, theo bà, là đừng trộn lẫn với chính trị. Chính nhờ những hoạt động từ thiện này mà những cái nhìn của những người theo đạo Phật và những người vô thần đối với Công giáo cũng thay đổi.

Trang nhất các nhật báo Pháp

Trang nhất các nhật báo Pháp Le Monde và Libération hôm nay đưa bình luận về thất bại của đội tuyển áo lam tại vòng chung kết Nam Phi. Libération chạy tựa « Đội tuyển áo lam quá chán. Người Pháp chế giễu sự ngạo mạn và tính cá nhân của đội ông Domenech » trên hình bức ảnh các cổ động viên chìm trong bóng tối, với lá quốc kỳ Pháp nổi lên sáng chói.

Hai nhật báo Le Monde và Libération đều đưa tin ông de Villepin, nguyên thủ tướng Pháp, hôm nay tuyên bố thành lập một phong trào chính trị riêng. Nhìn sang thế giới, L’Humanité điểm lại quy mô của thảm họa dầu tràn tại vùng vịnh Mehico, còn nhật báo Le Figaro đưa tin tổng giám đốc của công ty BP, có trách nhiệm chính trong việc khắc phục thảm họa này, đã bị thay thế. Cũng trên trang nhất nhật báo Le Figaro, có hình tân thủ tướng Anh David Cameron và phu nhân nồng nhiệt đón tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và bà Carlas Sarkozy. Bên cạnh là hình ảnh một nhân vật tiêu biểu của quân đội Pháp, tướng Marcel Bigeard, vừa qua đời hôm qua ở tuổi 94, mà tờ báo dành nhiều trang mô tả tiểu sử và cuộc đời binh nghiệp.

Vẫn về nước Pháp, La Croix hôm nay đăng trên hàng đầu trang nhất, thông báo kỷ niệm 70 năm ngày tướng de Gaulle đưa ra lời hiệu triệu từ thủ đô nước Anh, kêu gọi toàn dân kháng chiến chống phát xít, và nhấn mạnh đây là dịp để La Croix nhắc đến những người đã tham gia kháng chiến trên căn bản đức tin tôn giáo. Với hàng tựa « Paris, mãi mãi là thành phố ánh sáng », La Croix dành gần trọn trang nhất để nhắc đến ngày hội âm nhạc lần thứ 29.

Kim loại hiếm và thị trường đường sắt cao tốc Trung Quốc

Nhìn sang Trung Quốc, nhật báo Le Figaro có hai bài đáng chú ý. Bài thứ nhất nói đến độc quyền của Trung Quốc và một số rất ít các quốc gia khác về các kim loại hiếm. Báo cáo của Ủy ban châu Âu được công bố ngày thứ năm tuần này, cho biết danh sách 14 kim loại hiếm được đưa vào danh sách báo động, vì nguồn cung rất hạn chế. Châu Âu đặc biệt lo ngại, vì kể từ đầu tháng sáu, Bắc Kinh tuyên bố nhà nước Trung Quốc sẽ nắm quyền khai thác các kim loại này.

Ngoài Trung Quốc, các nước sở hữu nhiều kim loại hiếm là Nga, Cộng hòa Congo, Úc hay Brazil. Trong 20 năm nữa, nhu cầu sẽ tăng lên gấp nhiều lần, vì các công nghệ mới sử dụng ngày càng nhiều các kim loại này, do đó, các chuyên gia châu Âu yêu cầu tăng cường các nỗ lực tái chế để tiết kiệm.

Le Figaro giới thiệu một nghiên cứu của văn phòng Sia Conseil, theo đó, kể từ năm 2014, thị trường đường sắt cao tốc tại Trung Quốc sẽ đóng cửa với những công ty nước ngoài. Bởi vì, kể từ năm này, công nghiệp đường sắt Trung Quốc sẽ có khả năng tự chế tạo được tất cả, thậm chí cả tàu cao tốc. Trong hiện tại các hãng phương Tây, như Alstom, Siemén và Bombardier chỉ chiếm được 10% thị phần đường sắt cao tốc. Trong mười năm nữa, Trung Quốc dự kiến sẽ có 25 nghìn km đường cao tốc tại Trung Quốc. Cũng theo các chuyên gia, từ năm 2016, thị trường tàu cao tốc của Trung Quốc sẽ bão hòa, và nước này có thể trong 10 năm tới, sẽ tìm cách xuất khẩu tầu cao tốc để cạnh tranh với các công ty phương Tây trên các thị trường lớn, như Hoa Kỳ, châu Mỹ Latin và khu vực Cận đông.

Vào năm 2030, các nước công nghiệp phát triển chỉ còn chiếm 43% nền kinh tế thế giới

Với tựa đề « Trọng lượng của nền kinh tế thế giới đang chuyển sang các nước phía Nam và phía Đông », nhật báo Le Monde hôm nay giới thiệu báo cáo nghiên cứu của Trung tâm phát triển thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE) cùng với bản đồ minh họa, được công bố thứ tư tuần này. Theo báo cáo này, đến năm 2030, các nước phát triển chỉ còn chiếm hơn 43% nền kinh tế thế giới, so với tỷ lệ 60% năm 2000.

Số các nước phát triển không mở rộng. Tuy nhiên, các nước có tỷ lệ tăng trưởng gấp hai lần các thành viên của tổ chức OCDE đã tăng từ 25 nước năm 2000 đến 65 nước hiện nay. Chỉ còn có 25 nước được xếp vào nhóm nước nghèo, so với 55 nước, trong thập kỷ 1990. Theo báo cáo, tỷ lệ tăng trưởng của các nước đang phát triển là khá ổn định. Nguyên nhân đầu tiên được báo cáo phân tích là sự gia nhập của 1,5 tỷ người lao động Trung Quốc và Ấn Độ vào thị trường lao động toàn cầu, cho phép các nước này phát triển xuất khẩu và từ chỗ là người vay nợ biến thành chủ nợ.

Xu thế này sau đó được tiếp tục tại các nước khác, làm cho số lượng những người nghèo giảm đi 500 triệu người, tương đương với một phần tư số người nghèo trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế tại các nước này cũng khiến sự khác biệt giàu nghèo tăng mạnh, và trở thành một nhân tố kìm hãm phát triển.

Iran : nghệ thuật là vũ khí của một cuộc cách mạng mới

Để kết thúc mục điểm báo hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị thính giả bài phân tích của nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật Pháp Catherine Millet, được đăng trên nhật báo Libération, về nền nghệ thuật Iran một năm sau phong trào phản kháng chống lại tổng thống Ahmadinejad.

Theo Catherine Millet, khoảng cách giữa thế hệ đã làm nên cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979, hiện nay đang tự hỏi liệu có thể làm được một cuộc cách mạng thứ hai không và thế hệ trẻ hơn, tham gia vào cuộc phản kháng từ một năm trở lại đây. Đối với những người này, cuộc cách mạng mới đã hiện hữu trong tinh thần trong tinh thần họ. Và chính nghệ thuật đã mang lại các vũ khí cho cuộc cách mạng này.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.