Vào nội dung chính
KINH TẾ - XÃ HỘI

Những cái bẫy của sản phẩm gắn nhãn « Made in France »

Các sản phẩm được gắn nhãn « Sản xuất tại Pháp » - Made in France - có đúng là được sản xuất tại Pháp hay không ? Trong mọi trường hợp, câu trả lời sẽ gây tranh luận, bởi vì luật lệ hiện hành tại Pháp không rõ ràng.

Quảng cáo

Ngày 21/08/1986, chính phủ Pháp công bố nghị định số 86 – 985 hủy bỏ việc bắt buộc phải ghi nơi sản xuất trên sản phẩm. Châu Âu cũng theo xu hướng này.

Vậy, một sản phẩm nếu được gắn nhãn « sản xuất tại Pháp » thì có đúng là được làm từ A đến Z tại Pháp hay không ? Trong sản phẩm, có bao nhiều phần trăm phụ kiện được làm ở Pháp ? Nếu sản phẩm được lắp ráp tại Pháp thì có được quyền gắn nhãn « Made in France » hay không ?

Cho đến nay, luật pháp của Pháp quy định như sau : Một sản phẩm được coi là sản xuất tại Pháp và có quyền gắn nhãn này nếu như có tới 45% giá trị gia tăng được tạo ra ở Pháp. Theo giới chuyên gia, đây là một định nghĩa chung chung, thiếu thực tế và rất nhiều nhà sản xuất đã khai thác kẽ hở này để tung ra thị trường sản phẩm được ghi « sản xuất tại Pháp ».

Ví dụ, giá một chiếc áo T-shirt đặt mua tại Banladesh và nhập vào Pháp là 1 đô la. Tại Pháp, người ta cho thêu tự động bằng máy một hình mẫu trang trí nào đó. Giá nhân công tại Pháp cao gấp vài chục lần so với Bangladesh, do vậy, giá tiền thêu sẽ dễ dàng lên tới trên 5 đô la, tức là vượt quá mức 45% giá trị gia tăng theo luật định. Sản phẩm này đưong nhiên được quyền gắn nhãn Made in France.

Trong thực tế còn có những trường hợp cực kỳ phi lý khác. Có những sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài và nhập vào Pháp dưới dạng các phụ kiện. Tại Pháp, công nhân chỉ cần bắt có hai con vít là có được thành phẩm. Thời gian bắt hai con vít chỉ là một phút, được tính theo giá nhân công tại Pháp còn cao hơn giá mua toàn bộ các linh kiện. Sản phẩm vẫn được coi là làm tại Pháp.

Trong thời gian gần đây, vấn đề « Sản xuất tại Pháp » đã thu hút sự chú ý của giới lãnh đạo chính trị, các doanh nhân và người tiêu dùng. Theo một cuộc thăm dò dư luận do cơ quan Sofres thực hiện hồi tháng ba vừa qua, thì có tới 65% số người được hỏi cho rằng việc chỉ rõ cho người tiêu dùng biết là sản phẩm có được làm tại Pháp hay không là rất quan trọng. Có tới 75% dân Pháp nói sẵn sàng mua các sản phẩm làm tại nước mình, nhưng đối với xe hơi thì tỷ lệ này giảm xuống còn 45% và quần áo là 35%.

Cuối năm ngoái, tổng thống Pháp đã chỉ định một chuyên gia nghiên cứu việc phân loại cho rõ ràng những sản phẩm được làm tại Pháp. Chuyên gia Yves Jéco đề nghị sử dụng hệ thống sao, giống như xếp hạng khách sạn, tính theo tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm.

Sản phẩm được gắn ba sao nếu hơn 90% giá trị gia tăng được tạo ra tại Pháp, hai sao cho tỷ lệ từ 75 đến 90%. Từ 60 đến 75% thì chỉ có một sao. Từ 45 đến 60% thì có một dấu trừ. Điều này có nghĩa là nếu dưới tỷ lệ 45%, sản phẩm không được phép gắn nhãn Made in France.

Đây mới chỉ là dự thảo đề nghị và theo giới chuyên gia thì cách phân loại nói trên vẫn chưa xác đáng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.