Vào nội dung chính
VĂN HÓA

« Baba » : Thế hệ Hoa kiều đầu tiên tại Singapore

Triển lãm về văn hóa Peranakan tại bảo tàng Quai Brandly đã khai mạc vào ngày 5/10, và sẽ kéo dài đến ngày 30/01/2011. Theo Le Monde, đến với triển lãm này, người xem sẽ có dịp thưởng thức gần 500 hiện vật của nền văn hóa tạp chủng độc đáo của các thế hệ Hoa kiều đầu tiên tại Singapore, bao gồm : các đồ gỗ, đồ sứ, quần áo thêu tinh xảo, v.v.

Nhà bảo tàng Baba Housa Museum ở Malaysia, tại khu vực có nhiều người Peranakan gốc Hoa sinh sống.
Nhà bảo tàng Baba Housa Museum ở Malaysia, tại khu vực có nhiều người Peranakan gốc Hoa sinh sống. Nguồn: wikipedia
Quảng cáo

Từ « Peranakan » trong tiếng Mã Lai, có nghĩa là « các con trai của », là tên gọi của nhiều cộng đồng tạp chủng giữa những người nhập cư Ấn Độ, Trung Hoa, Hồi giáo với cư dân địa phương, trong đó cộng đồng người Peranakan gốc Hoa là lớn nhất và có ảnh hưởng mạnh nhất. Cộng đồng Peranakan Hoa Kiều còn được gọi là Baba. Từ « Baba » nghĩa đen là « sinh ra ở đây », dùng để chỉ con cháu những người Trung Quốc di cư, ngay từ thế kỷ XVI, lập gia đình với các phụ nữ địa phương không theo đạo Hồi.

Bất chấp hình phạt tàn khốc là treo cổ, đặt ra để đe dọa những người Hoa có ý định rời khỏi Trung Quốc, được duy trì cho mãi đến năm 1893, đã có không biết bao nhiêu người rời khỏi lục địa Trung Hoa để đến định cư tại khu vực eo biển Malacca trong vòng ba bốn thế kỷ qua. Chỉ riêng năm 1930, đã có khoảng 250 ngàn "cu-li" Trung Quốc đến làm việc tại khu vực này.

Tuy nhiên, không phải tất cả các Hoa kiều đều thuộc về cộng đồng Peranakan. Các Hoa kiều Peranakan, thường là những người rất giàu có và bảo tồn được một truyền thống văn hóa lâu đời. Nói được cả tiếng Anh và tiếng Mã Lai, họ tạo thành trong xã hội vùng eo biển Mã Lai, một đẳng cấp trung gian giữa giới thực dân Anh và các cư dân địa phương. Các Baba Peranakan có tục thờ tổ tiên theo văn hóa truyền thống Trung Hoa, pha trộn với các nghi thức Lão giáo và Phật giáo.

Theo ghi nhận của nhà khảo cứu Vaughan vào năm 1879, các Baba rất mê rượu brandy, thích chơi billard, hay lui tới các câu lạc bộ, và đồng thời trung thành với các trang phục truyền thống của người Hoa.

Với cư dân chỉ còn ước khoảng 10 ngàn người, nền văn hóa Peranakan dường như đang trên đà biến mất. Ông Peter Wee, 60 tuổi, phụ trách một nhà bảo tàng váy áo cổ truyền thuộc khu Katong, tỏ vẻ hết sức bi quan. Ông cho rằng nền văn hóa này hiện nay chỉ còn lại một vài dấu vết vật chất, trong trang phục hay bếp núc, tuy nhiên, giờ đây rất nhiều thứ trong đó lại được sản xuất tại Trung Quốc hay Ấn Độ. Tuy nhiên Peter Lee, chủ nhân của Ngôi nhà Baba, ngôi nhà duy nhất thuộc truyền thống Peranakan được tân trang lại, thì lại tỏ vẻ rất lạc quan. Ông cho rằng cộng đồng Baba tại Singapore có khả năng sống cùng một lúc với nhiều thế giới, và liên tục tìm kiếm những kết hợp khác nhau giữa cội rễ và ước mơ.

Văn hóa Peranakan, đặc biệt là Peranakan của các Baba, nay đang trở thành một đối tượng được truyền thông tại Singapore đặc biệt quan tâm. Tại Singapore ngày nay, nơi cùng song song tồn tại bốn ngôn ngữ chính thức : tiếng Anh, tiếng Quan thoại, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil, Bộ trưởng Văn hóa Thông tin và Nghệ thuật Singapore, Luc Tuck Yew, ca ngợi cộng đồng này như là một biểu tượng thành công của văn hóa tạp chủng. Đại diện của National Arts Council của Singapore thì khẳng định : « Singapore không phải chỉ là một nền kinh tế, chúng tôi là một xã hội và một dân tộc ».

Tự do và độc đoán, thành phố-quốc gia nhỏ bé, độc lập từ năm 1965, giờ đây quyết định tăng tốc trong phát triển kinh tế và xây dựng đô thị, như đã từng làm trong quá khứ. Le Monde kết luận: « Ai nói rằng văn hóa rơi từ trên trời xuống, chắc chắn đó không phải là một người Peranakan ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.