Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Hội nghị Saint Petersbourg : biện pháp cứu loài hổ khỏi diệt vong

Hiện tại, trên thế giới, chỉ còn có 3.200 cá thể hổ sống trong tự nhiên, so với 100.000 con, cách đây một thế kỷ. Bộ trưởng Tài nguyên Nga nhấn mạnh đã có 3 trên tổng số 8 tiểu loài của giống hổ đã bị diệt chủng.

Reuters
Quảng cáo

Ngày hôm qua (21/11), tại thành phố Saint-Peterbourg (Nga), đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh đặc biệt, sẽ kéo dài trong bốn ngày, với sự có mặt của các nhà lãnh đạo 13 nước châu Á, nhằm đưa ra các biện pháp cụ thể để cứu các loài hổ khỏi diệt chủng. Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới James Adam, cho biết các nhà lãnh đạo các nước có chủ trương tăng gấp đôi số lượng hổ hiện có cho đến năm 2020. Để làm được điều này, Ngân hàng Thế giới sẽ giám sát chương trình tài trợ 350 triệu đô la, cho năm năm tới để thực hiện kế hoạch sẽ được thông qua.

Vấn đề bảo vệ hổ tại Trung Quốc và Ấn Độ là chủ đề trung tâm của hội nghị. Là nước có nhiều hổ nhất trên thế giới, số lượng hổ tại Ấn Độ đã giảm từ 40.000 con, vào năm 1947, khi nước này giành được độc lập, đến chỉ còn 1.411 con hiện nay. Hổ được tiêu thụ nhiều nhất tại Trung Quốc, lý do là vì ở đây, vẫn tồn tại một tập quán trong y học truyền thống, sử dụng các bộ phận của hổ để làm thuốc chữa bệnh và thuốc kích dục. Một trong các chủ đề chính của cuộc hội nghị thượng đỉnh này là các biện pháp cụ thể bảo vệ tiểu loài hổ Amur, sống tại vùng Sibêri, khu vực viễn đông của nước Nga và khu vực biên giới phía bắc Trung Quốc, khỏi nạn săn bắt và buôn lậu qua biên giới.

Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ đưa ra lộ trình thành lập một tổ hợp bảo vệ hổ, bao gồm Interpol và hải quan các nước.

Hiện tại, trên thế giới, chỉ còn có 3.200 cá thể hổ sống trong tự nhiên, so với 100.000 con, cách đây một thế kỷ. Bộ trưởng Tài nguyên Nga nhấn mạnh đã có 3 trên tổng số 8 tiểu loài của giống hổ đã bị diệt chủng.

Theo các chuyên gia về môi trường, cần phải có một quyết tâm chính trị mạnh mẽ mới có thể ngăn được đà diệt chủng của loài thú dữ quý hiếm này. Nước chủ nhà Nga đã đi đầu trong việc bảo tồn thú hoang dã. Ngược lại với việc số lượng hổ ở các nước khác tại Châu Á đang giảm xuống, số hổ tại vùng Viễn đông của Nga lại tăng lên, từ 100 con đến khoảng 500 con trong vòng 50 năm. Bản thân tổng thống Nga Putin rất tích cực trong việc bảo vệ đàn hổ hoang dã. Đích thân ông đã tham gia vào một cuộc bắt sống một hổ cái năm 2008, để buộc vào nó một thiết bị định vị toàn cầu (GPS), nhằm giúp kiểm soát quá trình di chuyển của cá thể này.

Bảo vệ loài hồ cần phải thay đổi hoàn toàn tập quán sử dụng các bộ phận của hổ để làm thuốc tại Trung Quốc, cũng như các nước có truyền thống này như Việt Nam. Theo một nghiên cứu được tiến hành tại 7 thành phố Trung Quốc vào năm 2007, tức là bốn năm sau khi lệnh cấm sử dụng hổ để làm thuốc được ban hành, 43% người trả lời nói đã sử dụng các sản phẩm có liên quan đến hổ, như cao hay rượu hổ cốt. Mặc dầu đã có những biện pháp tuyên truyền để mọi người hiểu rằng : dùng các dược liệu có thành phần từ hổ là bất hợp pháp, nhưng theo người điều phối của chương trình TRAFFIC của Quỹ bảo tồn tự nhiên (WWF) tại Nga, Trung Quốc vẫn chưa kiểm soát thực sự được việc buôn lậu các bộ phận của hổ.

Để bảo vệ loài hổ Amur, sống dọc theo biên giới Nga Trung Quốc, hải quan hai nước cần phải hợp tác chặt chẽ giữa. Bởi, một con hổ cần đến 250km² để sống được và có đủ mồi để ăn, mà hổ lại di chuyển tự do, không cần biết đến biên giới. Bộ trưởng Tài nguyên Nga cho biết hai phía đã có kế hoạch tạo các hành lang xuyên biên giới để tạo không gian sống cho hổ Amur.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.