Vào nội dung chính
VĂN HỌC

Tiết lộ mới về cuộc đời văn hào Tolstoi qua tự thuật của người vợ

Kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà văn thiên tài người Nga Lev Tolstoi, nhật báo Le Figaro hôm nay, với tựa đề « Sống với một thiên tài », đưa độc giả đến với một xuất bản gây rất nhiều chú ý. Đó là cuốn tự thuật của Sophia Tolstoi, bạn đời của nhà văn.

Văn hào Leo Tolstoi cùng vợ và gia đình năm 1887
Văn hào Leo Tolstoi cùng vợ và gia đình năm 1887 Nguồn: Wikipedia
Quảng cáo

Lần đầu tiên được dịch và xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, « Cuộc đời tôi » (tên cuốn sách) thuật lại cuộc sống hàng ngày của cặp vợ chồng kỳ lạ này trong suốt hơn 40 năm chung sống, từ những năm 1860, khi họ mới lấy nhau, cho đến đầu thế kỷ XX.

Toàn bộ cuốn sách dày hơn 1000 trang mang lại rất nhiều chi tiết mới mẻ và soi tỏ nhiều khía cạnh chưa từng được biết đến về cuộc sống gia đình của nhà văn. Cùng với tập « Nhật ký 1862-1910 », cũng của chính vợ Tolstoi, được xuất bản bằng tiếng Pháp cách đây 10 năm, cuốn tự thuật của Sophia Tolstoi, vừa mới ra mắt, tiếp tục làm thay đổi hình ảnh về nhà văn Nga trong con mắt độc giả, vốn đã hết sức phong phú, với những mâu thuẫn tư tưởng và giằng xé nội tâm của ông.

Lấy chồng gần gấp đôi tuổi mình và có 13 người con với Tolstoi, bà Sophia có một đời sống nội tâm vô cùng phức tạp. Hồi nhỏ, trước khi quyết định lấy Tolstoi, lúc đó đã nổi tiếng và về sống tại trang trại Iasnaia Poliana xa xôi, Sophia Andreievna Behrs, con một bác sĩ, sống tại Matxcơva, đã từng mơ ước trở thành nhà văn.

Đúng vào lúc làm lễ đính hôn với Lev Tolstoi, vì mê tài văn của ông, ngay từ lúc 8 tám tuổi, khi đọc cuốn « Tuổi thơ » của nhà văn, Sophia đã đốt toàn bộ những gì mình viết ra. Đây là hành động mở đầu cho cả một quá trình xây dựng lại bản thân, kéo dài cho mãi đến cuối đời bà. Thoạt tiên, Sophia rất tự hào, vì tình yêu mang lý tưởng của bà đối với chồng. Chính Tolstoi rất ấn tượng với điều này, và chắc chắn Sophia chính là cội nguồn cảm hứng để nhà văn dựng nên hình tượng Natasa, một trong những nhân vật thành công nhất của ông trong tiểu thuyết « Chiến tranh và Hòa bình ».

Theo Le Figaro, trong cuốn tự thuật này, độc giả có thể bắt gặp được tinh thần nghệ sĩ, tính hài hước, niềm ghen tuông, nỗi đau buồn, vì đã phải sống ngược lại với những giấc mơ thời thiếu nữ để đảm nhận trách nhiệm mà Sophia tự nhận lấy : phục vụ một thiên tài. Sophia đã buộc phải chôn vùi ánh sáng sáng tạo của riêng mình để không làm cản trở mặt trời lớn Lev Tolstoi. Bị cầm tù trong cuộc sống gia đình, cách biệt với thế giới bên ngoài, bà Sophia đã viết trong nhật ký : « Tôi chỉ muốn tự sát, chạy trốn đi bất cứ nơi nào, hay yêu bất cứ một ai ». Tuy nhiên, trong những trang tự thuật hiện lên một Sophia bình thản hơn và có khoảng cách với mình hơn.

Hạnh phúc và bất hạnh của Sophia Tolstoi

Hầu hết gánh nặng của cuộc sống vợ chồng đè lên bà Sophia. Vợ Tolstoi lên án chồng đã làm rất ít cho những đứa con lớn, và không làm gì cho những đứa bé. Càng cao tuổi, Tolstoi càng tách biệt với đời sống hiện thực mà ông khinh bỉ, để khép kín mình với những dằn vặt của ông trong thế giới tư tưởng. Đền bù lớn nhất mà bà Sophia nhận được là được làm việc với Tolstoi.

Ngày nào cũng vậy, bà chép lại cho sạch các bản thảo của Tolstoi. Núi công việc này làm bà rất hạnh phúc, mặc dù bà đã phải vứt bỏ đi không biết bao nhiêu là giấy, bởi hàng sáng, Tolstoi thường rỡ bỏ tất cả đi để làm lại những gì đã viết ra hôm trước. Không quá đáng khi nói rằng, hai tiểu thuyết « Chiến tranh và Hòa bình » và « Anna Karenina » cũng chính là những đứa con của bà.

Tuy nhiên, không phải là Sophia thích tất cả những gì chồng mình viết ra. Bà không thích các tiểu luận tôn giáo của Tolstoi, và cho rằng chính chứng bệnh đau dạ dày của Tolstoi đã khiến ông viểt ra những tác phẩm tiêu cực này. Sophia cũng rất căm ghét cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Tolstoi « Bản Sonate ở Kreutzer » (xuất bản năm 1889 tại Nga, được dịch và in tại Pháp ngay năm sau 1890), vì cuốn sách này làm tổn thương đến niềm kiêu hãnh của bà, với tư cách là người vợ.

Cuốn sách đặc biệt này đã kết tinh lại nỗi bất hạnh lớn của bà Sophia : Tolstoi vừa yêu thích, lại vừa căm giận bà. Sophie bị căm giận bởi vì bà đã đưa nhà văn vào tội lỗi ham muốn nhục dục, bà được yêu, vì nhà văn không thể nào bỏ qua được ham muốn tội lỗi này. Le Figaro nhận định : Tolstoi và Sophia là tù nhân của nhau. Nhưng, cuộc sống vợ chồng thường hết sức nặng nề, giằng xé bởi những mâu thuẫn của họ, đôi khi lại bừng sáng trong những niềm vui vô tư lự. Khó có ai tưởng tượng được rằng nhà văn nghiêm nghị Tolstoi đã từng hóa trang thành con dê và dấu quà trong tay áo giống như ông già Noel. Thế nhưng, đây chính là điều mà Sophia, nàng thơ, người trợ thủ, tù nhân, người bạn tri kỷ của ông, đã kể lại.

Cuốn tự thuật, như La Croix nhận xét, đã đưa bà Sophia ra khỏi cái bóng của thiên tài Lev Tolstoi.

Tại Nhật Bản, những người cha ly dị không có quyền thăm con mình

Le Figaro và La Croix hôm nay chú ý đến việc những người đàn ông, sau khi ly dị, bị tước quyền thăm đứa con do người kia nuôi nấng - một vấn đề lớn của xã hội Nhật hiện nay. Le Figaro mở đầu bằng một sự kiện gây chấn động, xảy ra vào thứ bảy tuần trước : Một người đàn ông Pháp đã chọn lấy cái chết, vì không được vợ cũ người Nhật cho phép thăm con.

Arnaud Simon có thể là một trong những kiều dân có thể góp nhiều vào mối quan hệ Pháp Nhật. Tuy nhiên, nhà sử học trẻ tuối, làm việc về Edo, giai đoạn lịch sử cận đại của Nhật, đã tự sát bằng cách treo cổ tại Tokyo. Không để lại bất cứ một lời trối trăng nào, nhưng những người thân của Arnaud Simon đều biết rằng, nhà sử học trẻ đã hết muốn sống, vì không được phép đến thăm đứa con trai, mà sau khi ly dị, tòa án đã giao cho vợ cũ của anh, là người Nhật, quyền chăm sóc. Thêm vào đó, các luật sư người Nhật thay vì bảo vệ thân chủ, đã quay sang trách móc Arnaud Simon vì đã đang tâm bỏ vợ. Đây không phải là vụ tự tử duy nhất trong năm nay. Tháng bảy vừa qua, một ông bố người Pháp khác cũng đã chọn cái chết vì cùng một lý do.

Theo Le Figaro, nhìn chung tại Nhật, sau một cuộc ly hôn, người vợ thường nhận được quyền nuôi con. Vấn đề rất nghiêm trọng là ở chỗ, việc thăm con của người cha sau khi ly di là điều không phổ biến. Nếu người cha có được công nhận quyền này, thì quá trình thực hiện vẫn phụ thuộc vào lòng tốt của người mẹ. Cảnh sát Nhật không can thiệp vào việc này vì cho rằng đây là lĩnh vực riêng tư. Pháp đứng hàng thứ hai sau Mỹ về số lượng người cha bị ảnh hưởng bởi nỗi khổ này.

Vụ tự tử của người bố Pháp vì không được thăm con đã gây chấn động mạnh trong cộng đồng người Pháp kết hôn với người Nhật, đến mức là, ngày hôm qua, đại sứ Pháp tại Nhật Philippe Faure đã ra một thông cáo quyết liệt để phản đối tình trạng bất công này. Theo Le Figaro, Bộ Ngoại giao Nhật tỏ ra lắng nghe trước phản ứng này, nhưng Bộ Tư pháp, cảnh sát và xã hội dân sự Nhật lại rất bàng quan.

Dân di cư có thể đóng góp vào việc giảm nhẹ các khoản phúc lợi xã hội của nước tiếp nhận

Về vấn đề người di cư và các xã hội tiếp nhận, La Croix hôm nay có bài « Dân di cư có thể cho phép làm giảm nhẹ các chi phí phúc lợi xã hội ». Bài viết được xuất bản nhân dịp Tuần lễ Xã hội sẽ diễn ra tại Paris, từ ngày 26 đến 28 tháng 11 tới về chủ đề « Những người di cư, một tương lai cùng xây dựng ».

La Croix cho biết, những nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều điều ngược lại với các ý tưởng phổ biến hiện nay, cho rằng những người nước ngoài nhập cư tăng gánh nặng cho Quỹ Bảo hiểm Xã hội và tước đoạt chỗ làm của những người dân tại chỗ. Một nghiên cứu khác dựa trên kết quả nghiên cứu dân số học của viện Insee và Hội đồng tư vấn định hướng về hưu và giáo dục quốc gia cũng cho thấy một kết quả đưa ra một thực tế khác. Theo nghiên cứu này, nếu Pháp duy trì được dòng nhập cư khoảng 100 nghìn người một năm, thì các khoản bảo hiểm xã hội sẽ giảm đi 1,3% từ đây đến năm 2005. Ngược lại, nếu như ngừng chấp nhận nhập cư, bảo hiểm sẽ tăng lên 1,3%, nghĩa là tương đương với 4,3 GDP.

Lý do của việc giảm chi phí xã hội này, theo một trong các tác giả của nghiên cứu, là do những người lao động nhập cư có lương thấp hơn, nên họ ít được hưởng các chi phí liên quan đến sức khỏe, cũng như các chi phí cho giáo dục (bởi lẽ rất nhiều người nhập cư đến nước tiếp nhận sau khi hết tuổi học tập). Mặc khác, gánh nặng hưu trí cũng nhẹ hơn, do nhiều người quay về bản quán sau khi về hưu, và có nhiều người, khi quyết định ở lại, lại có mức lương về hưu thấp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.