Vào nội dung chính
ĐỊA LÝ CHIÊN LƯỢC

Trung Quốc trong vòng "kềm nhẹ" của Mỹ và các láng giềng châu Á

Vòng công du châu Á vào tháng 11/2010 của Tổng thống Mỹ Barack Obama rất được chú ý. Không phải vì 4 nước ông ghé thăm (Ấn Độ, Indonesia,Hàn Quốc, Nhật Bản), mà vì quốc gia không có trong chương trình là Trung Quốc. Trong bài Containment lite trên tờ New York Times (09/11/10), Thomas L. Friedman cho rằng chuyến đi đó minh họa cho điều có thể gọi là "chính sách kềm chế hay ngăn chặn nhẹ nhàng" đang áp dụng đối với Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tại buổi tiệc chiêu đãi ở New Delhi ngày 08/11/ 2010.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại buổi tiệc chiêu đãi ở New Delhi ngày 08/11/ 2010. REUTERS/Jason Reed
Quảng cáo

Đừng tin tất cả mọi thứ bạn đọc thấy trên báo. Hãy xem tựa đề sau đây của bài viết trên tờ The Hindustan Times cách nay một vài tuần khi tôi còn ở New Delhi : "Mỹ không tìm cách kềm chế Trung Quốc". Tựa đề này nhắc đến một tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trong vòng công du châu Á của bà.

Không, Washington không tìm cách ngăn chặn Trung Quốc theo kiểu mà họ đã từng làm đối với Liên Xô thời trước. Thế nhưng, Tổng thống Mỹ Obama đâu phải là đã dành ba ngày tại Ấn Độ để cải thiện kỹ thuật thiền yoga của ông.

Chuyến thăm của ông Obama có mục tiêu là để cho Trung Quốc biết rằng nước Mỹ biết rằng Ấn Độ biết rằng thái độ "hung hăng" gần đây của Bắc Kinh đã làm cho người láng giềng hơi lo ngại, như lời một bộ trưởng Ấn Độ đã nhận định với tôi. Không một láng giềng nào của Trung Quốc dám đề cập công khai đến từ ngữ "kềm chế". Trong thực tế, không một ai trong số họ muốn đi tới tình trạng đó, hoặc có ý định thúc đẩy một chính sách theo chiều hướng đó. Thế nhưng, bầu không khí tại châu Á lúc này đang nồng nặc một tâm trạng lo lắng mới.

Tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc đều muốn Bắc Kinh ghi nhận rõ tín hiệu sau đây : "Đừng mơ tưởng đến việc đỗ xe trên sân nhà tôi". Thậm chí đừng bao giờ nghĩ đến việc sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên để áp đặt đòi hỏi trong các tranh chấp biên giới và các hòn đảo dồi dào dầu hỏa ở Biển Đông. Bởi vì, nếu bạn làm thế, tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc- kể cả Ấn Độ - sẽ buộc lòng phải trở thành những người bạn mới tốt nhất của nước Mỹ.

Đó là lý do tại sao mọi láng giềng của Trung Quốc đều muốn thấy ảnh lãnh đạo của họ chụp chung với Ngoại trưởng Clinton hay Tổng thống Obama – kèm theo những lời chú thích ngầm : "Bạn Trung Quốc ơi, thật tình mà nói, chúng tôi không muốn xiết cổ bạn. Chúng tôi không muốn một cuộc chiến tranh lạnh tại châu Á. Chúng tôi chỉ muốn làm ăn buôn bán và quan hệ tốt đẹp. Nhưng, xin bạn vui lòng đi giữa các vạch trắng, thậm chí cũng đừng nghĩ đến việc đậu xe trong sân nhà tôi bởi vì, nếu bạn làm thế, tôi có người bạn này từ Washington, anh ấy thực sự to lớn.... Và có chiếc xe cẩu trục riêng của mình".

Tôi muốn gọi chính sách vừa kể là chủ trương "chặn trước" hoặc "kềm chế - nhẹ nhàng" – đã dấy lên từ năm ngoái sau khi Trung Quốc đột ngột tăng cường các đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ vùng Biển Đông. Điều này đánh dấu một sự tương phản hoàn toàn với không khí trong khu vực chỉ hai năm trước đây thôi. 

Trong vỏn vẹn sáu tháng, Trung Quốc đã tự biến mình thành một kẻ bắt nạt

Như Christian Caryl, một biên tập viên tạp chí Foreign Policy, đã ghi nhận trong bài biên khảo ngày 4 tháng 8 : Trung Quốc trong nhiều năm đã được các chuyên gia Châu Á khen ngợi vì đã rất sắc sảo, thông minh, và khéo léo, trong việc xây dựng quan hệ văn hóa, kinh tế với tất cả các nước láng giềng - và qua mặt người Mỹ xuẩn ngốc. Nhưng chỉ trong vỏn vẹn sáu tháng, Trung Quốc đã tự đẩy mình vào vai trò một kẻ bắt nạt, qua đó thúc đẩy các nước láng giềng trải thảm đỏ đón chú Sam.

Caryl ghi nhận : "Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã nâng đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trong vùng Biển Đông lên mức 'lợi ích quốc gia cốt lõi’ ngang bằng với Tây Tạng hay Đài Loan, và điều đó đã làm dấy lên phản ứng giận dữ đáng kể nơi các quốc gia khác trong khu vực - bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan, và Việt Nam – vốn cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần của vùng biển...  

Sau đó, như thể là để phòng ngừa khả năng là người Mỹ và Đông Nam Á chưa hiểu thông điệp, Hải quân Trung Quốc đã cho tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn trên biển, triển khai chiến hạm từ cả ba hạm đội của họ. Các vị đô đốc Trung Quốc đứng xem các chiếc tàu bắn ra hàng loạt tên lửa vào một kẻ thù tưởng tượng -.tất cả các hình ảnh đó đều được Truyền hình Trung Quốc ưu ái phát đi một cách chi tiết "

Trung Quốc cũng đã thúc ép, buộc Việt Nam phải ngưng thăm dò dầu khí tại những vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc cũng buộc Nhật Bản thả thuyền trưởng một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc, bị bắt sau một vụ va chạm với hai tàu tuần duyên Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp giữa hai bên ở Biển Hoa Đông. Trung Quốc gây sức ép với Nhật Bản bằng cách tạm ngừng xuất khẩu qua Nhật Bản các nguyên liệu đất hiếm rất quan trọng cho công nghế sản xuất tiên tiến.

Brahma Chellaney, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Delhi đã viết : "Với Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào quân đội để duy trì độc quyền về quyền lực và bảo đảm trật tự trong nước, các sĩ quan quân đội cao cấp đang công khai ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại".

Nhưng giống như các đồng hương châu Á của họ, người Ấn Độ - cho đến giờ - thực ra là không muốn đi quá chủ trương ngăn nhẹ đối với Trung Quốc. Chắc chắn là Ấn Độ và Trung Quốc đang bất đồng về vấn đề biên giới và Pakistan, nhưng Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất Ấn Độ.

Ngoài ra, không nên quên rằng chính sách ngoại giao của Ấn Độ có một lịch sử lâu dài theo hướng không liên kết. Chiến lược gia Ấn Độ C. Raja Mohan cho biết : "Cho đến cách đây một năm, các cuộc tranh luận lớn Ấn Độ vẫn còn là làm thế nào để đối phó với bá quyền Mỹ". Nhiều người trong giới tinh hoa kỳ cựu của Ấn Độ vẫn còn sợ "Chủ nghĩa đế quốc" và "Chủ nghĩa tân tự do" của Hoa Kỳ.

Sau cùng, nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ Kanti Basu nói rằng : "Trong thâm tâm, người Ấn Độ nào quan tâm đến chiến lược chung đều cảm thấy là Trung Quốc đang lên, còn Mỹ đang mờ dần - và không có dấu hiệu nào cho thấy là người Mỹ sẽ sửa chữa được vấn đề của họ trong thời gian tới." Như vậy, không nên đặt cược quá nhiều vào Mỹ.

Không, Ấn Độ sẽ không nhảy vào vòng tay của Mỹ. Vả lại, chúng ta không đòi hỏi điều đó. Dân chủ, địa chính trị, địa lý và kinh tế, tất cả sẽ kết hợp với nhau để Mỹ và Ấn Độ gần nhau hơn. Và đó là một điều tốt cho cả hai. 

Nếu Trung Quốc xử sự thông minh, quan hệ Ấn-Mỹ sẽ không bao giờ đi xa hơn chiến lược ngăn chặn trước. Nhưng nếu Trung Quốc không thông minh, một ngày nào đó, Obama đối với Ấn Độ có thể trở thành một Nixon mới đối với Trung Quốc : kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn thân mới nhất của tôi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.