Vào nội dung chính
CHÍNH TRỊ - VĂN HỌC

Thư từ của "người tù đặc biệt" của Nga với nhà văn Oulitskaia

Trong số báo đề ngày 22-23/1/2011, báo Libération giới thiệu một gương mặt khác của nhà tỷ phú Nga, Mikhail Khodorkovski, người tù đặc biệt của nước Nga, qua các thư từ trao đổi của ông với nữ văn sĩ Ludmila Oulitskaia. Ông Khodorkovski vừa nhận thêm án tù, bị giam cho đến năm 2017.

Người tù Khodorkovski và nữ văn sĩ Oulitskaia (DR)
Người tù Khodorkovski và nữ văn sĩ Oulitskaia (DR)
Quảng cáo

Bà Ludmila Oulitskaia, vừa đến Paris ngày 10/1/2011, để nhận giải thưởng « Simone de Beauvoir vì tự do của phụ nữ » cho các tác phẩm mang đậm tinh thần dấn thân vì quyền bình đẳng và tự do cho phụ nữ của bà, mà trong đó các nhân vật trung tâm phần lớn đều là phụ nữ.

Khó ai có thể đoán được rằng nữ văn sĩ Ludmila Oulitskaia lại có những liên lạc với ông Mikhail Khodorkovski, "cựu vương của ngành dầu mỏ" nước Nga, kém bà đến 20 tuổi, và bị giam giữ từ năm 2003 tại Sibêri, và vừa nhận thêm án tù tổng cộng 14 năm, có nghĩa là cho đến năm 2017.

Nhiều người cho rằng nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovski đã dại dột dám đối đầu với nhà lãnh đạo toàn uy Vladimir Putin để đến mức bị Kremlin trừng phạt. Tuy nhiên, những năm ở tù của ông Mikhail Khodorkovski không hẳn đã là vô ích, nhất là khi "cựu vương dầu mỏ" có điều kiện bút đàm với một số nhà văn danh tiếng của nước Nga.

Mang tên « Những lời nói tự do », tuyển tập các thư từ trao đổi giữa nữ văn sĩ Ludmila Oulitskaia, cùng hai nhà văn Nga khác, với ông Mikhail Khodorkovski, sẽ được dịch và ra mắt vào mùa thu năm nay tại Pháp, sau khi đã được phát hành tại Matxcơva ngày thứ năm 20/1/2011.

Ludmila Oulitskaia kể, chính nhà văn viết truyện trinh thám bán rất chạy tại Nga, Boris Akounine, đã khuyến khích bà trao đổi thư từ với tù nhân số 1 của điện Kremlin.

Nhà văn tâm sự, thoạt tiên, giữa bà và người tù đặc biệt của nước Nga, chẳng có điểm gì chung cả, thậm chí bà còn không có chút cảm tình nào đối với anh ta. Đối với bà, Mikhail Khodorkovski là người xuất thân từ tầng lớp tinh hoa của xã hội cộng sản cũ, đã tham gia vào cuộc chia phần chiếc bánh lợi ích của nước Nga, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Mà bà thì rất ghét những người giàu.

Quá trình trao đổi thư từ một năm rưỡi với Mikhail Khodorkovski đã giúp cho nhà văn hiểu thêm nhiều điều, và đặc biệt là nó làm cho bà thay đổi hẳn một quan niệm. Trước đó, bà là người ủng hộ tự do và thường xuyên đứng về phía các cá nhân để chống lại những lạm dụng và đàn áp của Nhà nước. Chính Khodorkovski đã thuyết phục bà rằng nước Nga cần phải có một Nhà nước mạnh. Bà hiểu rằng, Nhà nước Nga yếu, và chính bởi vì yếu, nên nó mới phải ra tay đàn áp. Một Nhà nước mạnh sẽ để cho dân chúng thể hiện và bày tỏ những quan điểm của họ.

Trong phần mở đầu cho các trích đoạn thư từ của bà với ông Khodorkovski, được xuất bản lần đầu trên tạp chí Nga « Znamia » vào tháng 10/2009, nhà văn đã kể lại nguyên nhân vì sao, bà, vốn là một người rất thờ ơ với giới chính trị, lại đột nhiên quan tâm đến ông Khodorkovski, sau khi bà phát hiện thấy trên khắp nước Nga mênh mông, rất nhiều hoạt động được "cựu vương ngành dầu mỏ" tài trợ : những trại trẻ mồ côi, trại lao động cải tạo, trường phổ thông, trường đại học ... Toàn bộ hệ thống phúc lợi khổng lồ, được tổ chức rất tốt này đã gần như hoàn toàn biến mất, ngay sau khi ông Khordokovski bị bỏ tù.

Từ chỗ ác cảm với Mikhail Khordokovski, vì ông là một người giàu, nữ văn sĩ Ludmila Oulitskaia hiểu rằng, những người giàu như vậy là vô cùng cần thiết cho đất nước. Giải Simone de Beauvoir vì tự do của phụ nữ giờ cũng là người đấu tranh cho tự do của nhà cựu tỷ phú, chống lại các lực lượng, mà bà gọi là « độc đoán và mê muội ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.