Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Phá giá đồng bạc Việt Nam có nguy cơ khiến lạm phát tăng thêm

Ngân hàng Stnadard Chartered chờ đợi tiền đồng sẽ tiếp tục chịu áp lực, vì mối lo ngại lạm phát vẫn còn đó. Trong thàng Giêng vừa qua, lạm phát ở Việt Nam đã lên tới 12,17%. Việt Nam vẫn phải nhập nhiên liệu từ nước ngoài; do vậy việc phá giá đồng tiền khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn.

Việt Nam vẫn đứng trước đe dọa lạm phát
Việt Nam vẫn đứng trước đe dọa lạm phát Reuters
Quảng cáo

Trong năm 2010 kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng được thẩm định là 6,8%. Đây là mức cao nhất trong ba năm qua. Thế nhưng, tại cuộc họp vào cuối năm ngoái, các nhà tài trợ cho Việt Nam đã cảnh báo : nếu chính phủ Hà Nội không có biện pháp kiểm soát lạm phát và giải quyết tình trạng yếu kém của đơn vị tiền tệ, mức tăng trưởng này sẽ bị đe dọa.

Trong khi đơn vị tiền tệ của những nước láng giềng tăng giá trở lại so với đôla trong những tháng qua, thì đồng bạc Việt Nam vẫn lao đao. Theo Ngân hàng Thế giới, một lượng tiền lớn quá mức bình thường được lưu giữ bên ngoài quỹ dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã góp phần tăng áp lực lên tiền đồng.

Trong bối cảnh vô định về kinh tế như hiện nay, nhiều người ở Việt Nam thích trữ đôla và vàng hơn, vì không ai tin tưởng vào giá trị của tiền đồng. Tính từ tháng 6 năm 2008 đến nay, đồng bạc Việt Nam đã bị phá giá hơn 20% và dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã sụt giảm mạnh, nay chỉ còn khoảng hơn 10 tỷ đôla tính đến cuối năm ngoái, theo lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, so với mức 24 tỷ đôla cuối năm 2008.

Trong một báo cáo vào tháng trước, công ty tư vấn của Anh Capital Economics cũng cho rằng, Việt Nam cần đặt mục tiêu giảm lạm phát và thâm thủng thương mại, hơn là chú tâm đến việc duy trì mức tăng trưởng cao.

Năm ngoái, thâm thủng mậu dịch của Việt Nam được thẩm định đã lên tới 12,4 tỷ đôla và chính là nhằm kềm chế mức thâm thủng này mà hôm nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã một lần nữa phá giá đồng bạc Việt Nam.

Nói chung, theo giới kinh tế và doanh nghiệp, biện pháp phá giá tiền đồng là đúng lúc, vì dẫu sao nó đã được thị trường chờ đợi từ nhiều tuần trước. Các kinh tế gia thuộc ngân hàng Stnadard Chartered hôm nay nhận định : mặc dù mức độ phá giá cao hơn là dự báo, nhưng tiền đồng sẽ tiếp tục chịu áp lực, vì mối lo ngại lạm phát vẫn còn đó. Trong thàng Giêng vừa qua, lạm phát ở Việt Nam đã lên tới 12,17%.

Theo kinh tế gia Lê Đăng Doanh, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, việc phá giá đồng bạc Việt Nam sẽ khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn và như vậy sẽ tạm thời giảm bớt lượng hàng ngoại. Ông Lê Đăng Doanh nói thêm là giá tiếp tục tăng cao của nhiên liệu, mà Việt Nam vẫn phải nhập từ nước ngoài, sẽ kéo lạm phát tăng thêm.

Một số nhà phân tích cho rằng nỗ lực nhằm thu hẹp sự cách biệt giữa tỷ giá chính thức với tỷ giá chợ đen là một bước tích cực. Nhưng chính phủ Việt Nam cần phải chứng tỏ thêm tiến bộ trong việc chống lạm phát, cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước thiếu hiệu quả và giảm thâm thủng cán cân vãng lai. Quỹ Tiền tệ quốc tế, tuy hoan nghênh biện pháp phá giá, cũng kêu gọi Hà Nội nên đưa ra một loạt các chính sách để phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.