Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Bụi phóng xạ lan tới Tokyo

Một tuần sau vụ động đất và sóng thần, bụi phóng xạ đã bay vào bầu khí quyển và đang trên đà lan rộng tới Tokyo. Nhật Bản chấp nhận để thanh tra viên AIEA đến trung tâm Fukushima. Nạn nhân sóng thần : ít nhất là 20 000 người chết và mất tích.

Đường phố Tokyo vắng bóng người
Đường phố Tokyo vắng bóng người AFP / VOISHMEL
Quảng cáo

Thông tín viên Frédéric Charles tường trình từ Tokyo

"Các hạt bụi phóng xạ đã được phát hiện tại khu vực Tokyo. Theo hãng thông tấn Kyodo, các hạt này đã được xác nhận trong thời gian 24 tiếng đồng hồ, kể từ sáng 18/03/11. Chính phủ Nhật bảo đảm rằng chúng không có bất cứ một tác động nào đến sức khỏe con người. Ngày hôm nay (20/03/11), trời có thể mưa tại khu vực nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Cơ quan dự báo thời tiết cũng thông báo có thể sẽ có những trận mưa nhỏ tại thủ đô.

Một số cư dân tại Tokyo lo ngại mưa tại đây sẽ là nguồn lây nhiễm phóng xạ. Chính phủ khuyên người dân « không nên sợ hãi, và nếu như có lo lắng, thì dùng ô để che là đủ ». Bụi phóng xạ cũng đã được tìm thấy trong sữa và rau bina, đến từ khu vực Fukushima, gần với nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, lượng phóng xạ được phát hiện trong các thực phẩm này còn xa mới đạt mức nguy hiểm theo quy định của luật Nhật Bản". 

Trong khi các biện pháp cứu chữa vẫn đang được tiếp tục tại Fukushima, ngày hôm qua (19/3), để trấn an dân chúng, lần đầu tiên, Nhật Bản chấp nhận một điều tra độc lập của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA). Đây là lần đầu tiên các thông tin về tai biến tại nhà máy điện hạt nhân của Nhật sẽ được một tổ chức độc lập tiến hành xử lý.

Thông tín viên RFI tại Vienna, Blaise Gauquelin, nhấn mạnh, phải đến khi ông Yukia Amano, tổng giám đốc AIEA đến Tokyo, thì chính quyền Nhật Bản mới chấp nhận nhân nhượng một chút chủ quyền của mình trong lĩnh vực này.

Mức độ phóng xạ cho phép tại khu vực Fukushima được nâng lên 250.000 millisievert

Ngay tại các lò phản ứng hạt nhân Fukushima, sáu công nhân đang làm việc, bất chấp mức độ phóng xạ rất cao, vượt quá 100.000 millisievert. Đây là mức tối đa chấp nhận được, vào lúc các hoạt động cứu chữa được tiến hành khẩn cấp tại một nhà máy hạt nhân. Quá mức này, các công nhân có thể bị mắc bệnh ung thư sau đó. Tuy nhiên mức giới hạn này đã được nâng lên tới 250.000 millisievert trong tai biến hiện nay tại Fukushima.

Hiện tại, chính quyền Nhật khẳng định rằng mức độ phóng xạ không nguy hiểm tại các khu vực nằm bên ngoài bán kính 30 km xung quanh nhà máy. Cư dân tại các khu vực xung quanh không tin tưởng vào các thông tin của chính phủ, được coi là quá kỹ thuật và không đầy đủ.

Nhiều nước thành viên của tổ chức này, như Nga, Trung Quốc, lo ngại về ảnh hưởng phóng xạ gia tăng, không còn chấp nhận phụ thuộc vào các thông tin một chiều do công ty quản lý nhà máy Fukushima cung cấp, không được kiểm chứng bởi một cơ quan độc lập nào.

Bản thân Nhật Bản, theo các hiệp định đã được ký kết, không có nghĩa vụ phải mở cửa hoàn toàn cho các điều tra của tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, tuy nhiên, theo một thông tin được Wikileaks tiết lộ, qua báo chí Anh, ngày 17/3 vừa rồi, AIEA đã báo động với Tokyo, cách đây hai năm về những nguy cơ động đất cao hơn là Nhật Bản dự kiến. Vào thời điểm này, nếu chính phủ Nhật Bản không tỏ ra nhân nhượng với các yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Tokyo sẽ có thể phải chuốc lấy sự phẫn nộ và sự bất bình của chính dư luận trong nước.

Dấu hiệu cải thiện tại khu nhà máy Fukushima

Còn liên quan đến các lò hạt nhân tại trung tâm Fukushima, tình hình ‘đang dần dần được cải thiện’, theo lời phó tổng thư ký nội các, ông Tetsuro Fukuyama vào hôm nay 20/03/11.

Theo hãng tin Reuters, các êkíp quyết tử tại trung tâm đã giành được một ‘thắng lợi’ :  thành công trong việc tái lập lại được điện trong lò phản ứng số 2. Họ hy vọng sẽ cho phòng điều khiển vận hành trở lại, cũng như tái lập được nguồn điện và hệ thống làm nguội lò phản ứng số 1 được nối liền với lò số 2 bằng một dây cáp.

Sau đó họ sẽ tiếp tục thực hiện động tác này ở hai lò số 3 và số 4.

Theo chính phủ Nhật Bản, lính cứu hoả đã phun nước vào lò số 3 trong suốt nửa ngày hôm qua và đã làm nguội được các thanh nhiên liệu.

Tập đoàn Tepco cho biết thêm là máy bơm nước tại các lò số 5 và số 6 đã được phục hồi trở lại, nhờ các tổ máy phát điện và đã giảm được nhiệt độ trong các hồ làm nguội, mà theo tập đoàn này, đã xuống lại mức bình thường.

Tuy nhiên giới chuyên gia vẫn hết sức thận trọng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA cho là những điều bất trắc vẫn có thể xẩy ra.

Vế số nạn nhân động đất và sóng thần, theo số liệu cảnh sát cập nhật hôm nay, người chết và mất tích lên khoảng 20.000 người.

Các đội cứu thương vẫn nuôi hy vọng tìm thấy người sống sót và tích cực hoạt động. Bằng chứng là 9 ngày sau thiên tai, họ đã tìm thấy 2 người sống sót dưới đống gạch vụn tại thành phố Ishinomaki : một bà cụ 80 tuổi và người cháu trai 16 tuổi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.