Vào nội dung chính
SINGAPORE - DÂN SỐ

Singapore đau đầu vì dân số sút giảm

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Singapore hiện nay là làm thế nào để khuyến khích phụ nữ sinh con. Từ một phần tư thế kỷ qua, các chính sách ưu đãi đối với phụ nữ Singapore liên tục nối đuôi nhau ra đời. Vậy mà biểu đồ dân số vẫn đổ dốc.

Quảng cáo

Năm 1983 chính phủ đã giật mình khi tỷ lệ sinh đẻ trung bình tại Singapore đang từ 2,1 rơi xuống còn 1,6. Thủ tướng Lý Quang Diệu thời đó đã « dùng đòn tình cảm » kêu gọi phụ nữ Singapore nên xem việc sinh con là một « nghĩa vụ » để bảo đảm sự thịnh vượng kinh tế cho quốc đảo này. Bên cạnh đó thì chính phủ cũng đã đề ra một loạt các biện pháp như là giảm thuế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ghi danh cho con đi học … cho những gia đình chịu khó sinh con.

Hơn 15 năm sau đó, thủ tướng Ngô Tác Đống đi xa hơn người tiền nhiệm, khi tặng luôn cho các bà mẹ một khoản tiền thưởng có thể lên tới 1500 đô la mỗi lần họ chịu mang nặng đẻ đau. Điều mà nhiều nhà xã hội học coi là một tiến bộ đối với đất nước châu Á này đó là thời gian nghỉ phép để nuôi con được nâng lên thành 8 tuần lễ.

Tới năm 2004, tỷ lệ sinh đẻ trung bình đối với một phụ nữ tại Singapore chẳng những đã không cất cánh mà còn lao tụt xuống hố sâu,  xuống còn là 1,26. Chính quyền lại vội vàng kéo dài thời gian nghỉ phép của những bà mẹ sinh con, đang từ 8 lên thành 12 tuần lễ, tăng các khoản trợ cấp gia đình, để khuyến khích các bà mẹ mượn người giữ con, gửi con đi nhà trẻ, giảm thêm thuế mỗi lần trong gia đình có thêm một miệng ăn. Nhưng Singapore lại càng thất vọng khi thấy tỷ lệ sinh nở cứ thấp dần.

Thông thường, một nền kinh tế càng phát triển thì tỷ lệ sinh đẻ càng có khuynh hướng sút giảm và hệ quả là hiện tượng dân số tại quốc gia này trên đà lão hóa. Đó là trường hợp đang xảy ra tại Nhật Bản và nhiều nước Tây phương với một vài ngoại lệ.

Nước Pháp không khỏi tự hào vì phụ nữ Pháp chịu khó sinh con vào bậc nhất so với các nền công nghiệp phát triển của thế giới, ngang hàng với các nước Bắc Âu. Thụy Điển thường được coi là tấm gương sáng vì nổi tiếng là chịu đầu tư vào nhà trẻ, tạo điều kiện để các bà mẹ vừa có thể đi làm mà vẫn có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Đây cũng là điều dễ hiểu khi biết rằng Thụy Điểm bằng lòng chi ra đến 2% GDP để đầu tư vào nhà trẻ, và dành đến 0,8% tổng sản phẩm nội địa để trợ cấp cho các bà mẹ, nếu họ muốn đi làm bán thời gian hay ở nhà nuôi con.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.