Vào nội dung chính
CHÂU Á

Trung Quốc thẳng tay trấn áp đối lập

Càng đến gần ngày quyết định nhân vật kế nhiệm chủ tịch Hồ Cẩm Đào, “bàn tay sắt’ của nhà cầm quyền Trung Quốc càng giáng mạnh xuống xã hội Trung Quốc. Tuần san Le Nouvel Observateur tổng kết và phân tích chủ đề này với bài : “Trung Quốc: Đàn áp trên qui mô lớn”.

DR
Quảng cáo

Tờ báo nhắc lại việc gần đây nhiều người bỗng nhiên mất tích, từ các luật sư, blogger, nhà báo, người đấu tranh chống lạm quyền… Lúc đầu chỉ là những người đấu tranh hăng hái nhất bị bắt, nhưng rồi đến lượt những người bị xem là có khả năng kích động chống đối.

Hiện tượng mất tích đột ngột này không có gì là lạ ở Trung Quốc. Tờ báo cho rằng, vào thời điểm nhạy cảm, nhà cầm quyền Trung Quốc có thói quen trấn áp mọi nguy cơ.

Trước kia, nhiều người đã bị bắt và sau đó phần lớn được trả tự do, để tiếp tục đấu tranh cho tới thời điểm nhạy cảm kế tiếp. Thế nhưng, hiện tại, vòng vây và áp lực của chính phủ đã vượt mức bình thường. Thứ ba vừa rồi, lại có hàng chục người bị mất tích, sau đó chỉ có vài người được thả ra. Internet thì bị kiếm duyệt hơn bao giờ hết. Các trang mạng bị tấn công dữ dội.

Chính quyền bắt đầu tấn công nhà báo nước ngoài và cáo buộc họ “cổ vũ cho phong trào nổi loạn”. Hôm đầu tháng tư, họa sĩ Ngải Vị Vị, và một số nghệ sĩ khác bị bắt giam. Tờ báo cho rằng, Ngải Vị Vị là con một nhân vật có vai vế trong chế độ Trung Quốc, và bản thân ông cũng là người có ảnh hưởng. Vì thế, việc ông bị bắt chắc chắn là được chính quyền trung ương bật đèn xanh.

Giáo hội Tin Lành không chính thức lớn nhất Bắc Kinh đã bị tấn công. Giáo hội này, tập trung nhân sĩ trí thức, sinh viên và những giáo hội ít thế lực khác. Các nhà sư Tây Tạng ở Tứ Xuyên cũng thường xuyên gặp rắc rối.

Tờ báo nhận định, từ bỏ thói quen cẩn trọng giải quyết từng việc một, lần này Bắc Kinh hình như quyết tâm trấn áp mọi sự chống đối, trên tất cả các phương diện.

Mùa xuân Ả Rập đem lại giá rét cho giới lãnh đạo Bắc Kinh

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có sự tăng cường đàn áp như vậy ?

Le Nouvel Observateur cho rằng, dù tăng trưởng kinh tế thiếu cân đối gây nhiều khó khăn cho người dân, dù bất công xã hội là to lớn, dù tỉ lệ lạm phát cao…nhưng các yếu tố bên trong này chưa đủ để tạo ra một đe dọa thật sự.

Như vậy, để tìm được câu trả lời thuyết phục, tờ báo nhìn về thế giới Ả Rập : mùa xuân Ả Rập đang đem lại cái rét mùa đông cho nhà cầm quyền Trung Quốc.

Một nhà xã hội học Trung Quốc nhận định, dù trong điều hành kinh tế Bắc Kinh tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với các nước Ả Rập, thế nhưng, hai bên lại có nhiều điểm tương đồng, như sự phẫn nộ chống lại nhà cầm quyền của người dân. Vì thế, theo ông này, nguy cơ cho Trung Quốc hoàn toàn hiện hữu.

Hồi cuối tháng Giêng, một trang mạng kêu gọi người Trung Quốc tập họp ở các trung tâm thành phố vào lúc 14 giờ mỗi chủ nhật với khẩu lệnh duy nhất là “Mỉm cười”. Thế là cảnh sát được triển khai ở các trung tâm thành phố, ngăn cản mọi sự tụ tập, tấn công cả nhà báo nước ngoài. Sau đó là một chiến dịch đe dọa tâm lý đối với thông tín viên nước ngoài với cáo buộc “thêu dệt thông tin”, nào là triệu tập đến cơ quan an ninh, nào là xét nơi ở, nào là đe dọa trục xuất …

Sự tăng cường đàn áp này cho thấy tầm ảnh hưởng chính trị đang lên của ông Chu Vĩnh Khang. Dù ông được xếp hàng chót trong số 9 ủy viên thường trực Bộ Chính trị, nhưng quyền lực của ông trên thực tế rất lớn do ông phụ trách giám sát toàn bộ các cơ quan an ninh: cảnh sát, mật vụ, tòa án, nhà tù. Ở cương vị này, ông điều phối một nguồn ngân sách lớn dành cho an ninh, lên đến 68 tỷ euro cho năm 2011.

Có nhiều người có tham vọng chạy đua trong cuộc chiến kế vị ông Hồ Cẩm Đào. Vì thế, căng thẳng có thể làm rạn nứt chóp bu của đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là kịch bản cho “một mùa xuân Thiên An Môn”, và là cơn ác mộng đáng sợ nhất mà những người lãnh đạo đất nước này muốn tránh bằng mọi giá.

Cuối cùng, tờ báo ví von: “Trong khi chờ đợi vị hoàng đế mới lên ngôi, xã hội Trung Quốc đang được yêu cầu phải biết im hơi lặng tiếng”. 

Dòng nước ngọt sông Mêkông gây cảm giác đắng cay

Liên quan đến rắc rối xung quang đập thủy điện Xayaburi mà Lào định xây dựng trên sông Mêkông, Le Nouvel Observateur có bài nhận định: “Lào: đập chống đập”.

Từ một tuần nay, lính Thái Lan và Cam Bốt bắt đầu nổ súng bắn nhau để tranh chấp đền cổ Preah Vihear. Trong khi đó, một tranh chấp khác cũng đang tồn tại giữa các quốc gia trong khu vực, một tranh chấp mà đến hiện tại có vẻ vẫn “hòa bình”.

Tuần rồi, trong khuôn khổ Ủy ban Mêkông, tại thủ đô Viêng Chăn, đại biểu của Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam đã không thể đạt được thỏa thuận về việc xây dựng đập Xayaburi ở phía nam tỉnh Luông Pra Băng trong vùng Thượng Lào.

Đối với Lào, dự án này rất quan trọng. Đập Xayaburi và những đập khác được dự kiến xây dựng trên sông Mêkông sẽ giúp cho đất nước thiếu tài nguyên này trở thành “tiểu vương quốc điện” và thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhờ vào việc bán năng lượng xanh.

Thái Lan, nước lãnh thầu xây dựng đập Xayaburi, sẽ mua đến 95% lượng điện được sản xuất. Các nước đông Nam Á khác cũng là khách hàng tiềm năng, do nhu cầu điện ở những nước này ngày càng tăng.

Thế nhưng, Việt Nam và Cam Bốt lo ngại các đập thủy điện sẽ gây tác hại tiêu cực về mặt sinh thái cho vùng hạ lưu, phá hủy các vùng đánh bắt cá, làm trầm trọng thêm nạn xâm nhập mặn vào đất liền. Đó cũng chính là quan điểm của 263 tổ chức phi chính phủ trong khu vực.

Việt Nam đề nghị gia hạn thời gian xây dựng 10 năm để tiến hành những nghiên cứu cần thiết về tác hại.

Le Nouvel Observateur cho biết thêm rằng, Việt Nam và Thái Lan muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung ứng điện. Thế nhưng, thảm họa Fukushima “vừa giáng một đòn đau điếng vào quyết định này”. 

Người dân Fukushima lại rơi vào cảnh “họa vô đơn chí”!

Sau thảm họa động đất, sóng thần, đe dọa phóng xạ, giờ đây người dân Fukushima lại phải chịu đựng sự kỳ thị của chính đồng bào mình. Thông tin này được Courrier International dẫn lại với bài nhận định “ Không, nhiễm phóng xạ không phải là bệnh lây nhiễm”.

Hồi tháng 3, trẻ em di tản từ vùng thảm họa Fukushima đến sống ở thành phố Funabashi bị trẻ em địa phương bắt nạt. Biết được vụ việc, sở giáo dục thành phố này đã gửi một thông tư yêu cầu 813 trường cấp một và cấp hai khuyên học sinh mình nên có thái độ ân cần trong lời nói cũng như hành vi đối với người chạy nạn.

Tờ báo cho biết, đây không phải là kiểu phân biệt đối xử duy nhất mà người dân chạy nạn vấp phải. Một vài khách sạn đã không tiếp người dân đến từ vùng bị thảm họa, có những khách sạn gọi nhà chức trách đến để hỏi xem việc tiếp nhận họ có nguy hiểm gì không.

Mặc dù hành động đó là do sợ hãi phóng xạ, nhưng vô tình làm tăng thêm nỗi đau khổ của người chạy nạn, vốn đã gặp cảnh khó khăn.

Giáo sư Kazuhiko Maekawa thuộc đại học Tokyo giải thích, người di tản từ Fukushima chưa hề tiếp xúc phóng xạ, và cũng chưa chính thức bị xem là người bị nhiễm phóng xạ, vì thế, không có lý do gì có thái độ kỳ thị với họ. Tờ báo cho biết, quy định về cường độ phóng xạ làm cơ sở cho quyết định di dân khỏi vùng có nguy cơ là hết sức nghiêm ngặt.

Tờ báo nhắc lại, những người bị nhiễm phóng xạ ở Hiroshima và Nagasaki năm xưa đã phải chịu nhiều định kiến và phân biệt đối xử do hiểu biết hạn chế của mọi người. Họ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm công việc và lập gia đình. Ngay cả con cháu họ cũng bị vạ lây. Như vậy, ngoài những căn bệnh quái ác do bom nguyên tử gây ra, họ còn phải chịu đựng sự khinh thị của người khác. Năm hiệp hội người bị nhiễm xạ của vùng Nagasaki đã yêu cầu chính phủ Naoto Kan có những biện pháp tránh để hiện tượng kỳ thị tái diễn.

Tờ báo kết luận, người chạy nạn từ Fukushima đã chịu liên tiếp ba thảm họa: động đất, sóng thần và hạt nhân, vì thế nên tránh cho họ phải chịu thêm một nỗi đau nữa, đó là nổi đau bị kì thị bởi chính đồng bào của mình. 

Hội chợ Paris 2011 dành ưu ái cho giấc ngủ trưa !

Hội chợ Paris năm 2011 diễn ra từ ngày 28/4 đến 8/5, với chủ đề trọng tâm là “Slow attitude” (thái độ sống chậm). Vì thế, hàng hóa trưng bày cũng tập trung phục vụ cho mục đích biết sống thư giãn. Tuần san Le Figaro thông tin về sự kiện này với bài “Slow Attitude hay nghệ thuật ngắt điện”.

Hội chợ Paris năm nay đặt trọng tâm cho giấc ngủ trưa. Các doanh nghiệp tập trung những sản phẩm giúp chúng ta biết lắng nghe tiếng nói của cơ thể, bớt quá đà trong công việc, tức là biết “ngắt điện” mọi vật : tắt điện thoại di động và máy tính vào cuối tuần, hạn chế các hoạt động vô độ…

Trong thế giới bộn bề của thế kỷ 21, nên biết tận dụng lợi ích của giấc ngủ trưa. Ngủ trưa có thể giúp tăng năng suất lao động, tăng khả năng tập trung, giúp tránh bị cáu gắt, tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất.

Một chuyên gia cho biết, 17 tiếng đồng hồ thức liên tục tương đương với tác hại của việc tồn tại 0,5gr rượu trong một lít máu, nếu thức 24 giờ liên tục sẽ giống như có 1 gr rượu trong một lít máu. Ngoài ra, thiếu ngủ còn gây hại đến huyết áp và kéo theo bệnh béo phì.

Dân Nhật Bản và Hàn Quốc nổi tiếng là làm việc nhiều. Thế nhưng, theo Le Figaro, họ biết cách dừng lại để nghỉ ngơi. Còn ở Trung Quốc, ngủ trưa quan trọng đến mức nó được xem là quyền của người lao động, và được quy định trong Hiến pháp.

Tóm lại, dù ngủ trưa lâu (40 phút), hay chớp nhoáng (5 phút), hoặc ngủ đúng chuẩn (từ 20 đến 30 phút), dù ngủ trưa mỗi ngày hay chỉ 2 hoặc 3 lần trong tuần, thì cũng nên ngủ trưa bởi nó là “công cụ bảo dưỡng động cơ” tốt nhất.

Tản mạn báo chí cuối tuần 

Courrier Internatinal dành trang nhất chạy bức tranh biếm họa vẽ tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và dòng tít “Sarkozy sẽ bỏ rơi nước Pháp”. Tờ báo cho biết, một năm trước kỳ bầu cử tổng thống ở Pháp, nước này được báo chí thế giới “quan sát kỹ lưỡng”. Đa số các báo đều nhận định, nhiệm kỳ của ông Sarkozy là tồi tệ.

Tuần san Le Monde quan tâm đến đại danh họa Picasso với thông tin, để có được tranh của đại danh họa này, hoặc là người ta phải giàu có, hoặc là đã từng quen biết và được danh họa tặng tranh. Thế nhưng, từ khi một người thợ điện bị buộc tội ăn cắp tranh, những người được quen biết và nhận quà bằng tranh của Picasso bắt đầu im hơi lặng tiếng.

Le Figaro dành trang nhất cho sự kiện đức giáo hoàng Gioan Phaolô II được phong chân phước với dòng tựa “Người được phong chân phước Gioan Phaolô II”. Tờ báo cũng ghi nhận tình cảm của tín đồ Công giáo Pháp đối với vị Giáo hoàng này.

Với hàng tựa “Tình dục trong sự bí ẩn của đàn ông”, Le Nouvel Observateur đăng kết quả điều tra y khoa, theo đó, 2 000 ông chồng kể về đời sống tình dục của vợ chồng họ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.