Vào nội dung chính
ĐỨC- CHÍNH TRỊ

Philipp Rosler, chính khách gốc Việt sắp trở thành bộ trưởng kinh tế Đức

Đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) đã chọn ông Philipp Rosler, một chính trị gia chỉ mới 38 tuổi, làm bộ trưởng Kinh tế. Con đường quan lộ của Rosler như diều gặp gió. Ông sinh ra ở Việt Nam và được một đôi vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi khi mới sơ sinh. Ông Rosler là người không phải gốc Châu Âu đầu tiên làm bộ trưởng ở Đức.

Bộ trưởng Tài chính Đức  Wolfgang Schaeuble ( ngồi giữa) và ông Philipp Roesler (đứng trái đứng)  trước khi được cử làm bộ trưởng Kinh tế ngày 11/5/2011.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble ( ngồi giữa) và ông Philipp Roesler (đứng trái đứng) trước khi được cử làm bộ trưởng Kinh tế ngày 11/5/2011. REUTERS/Fabrizio Bensch
Quảng cáo

Trong bài viết tựa đề « Đảng Tự do Đức thay đổi lãnh đạo để chinh phục lại cử tri », nhật báo Le Figaro quan tâm đến sự kiện ông Philipp Rosler, một chính trị gia gốc Việt, 38 tuổi, đang càng lúc càng khẳng định uy lực của mình trên đảng FDP, một thành viên quan trọng trong liên minh của đương kim thủ tướng Đức AngelaMerkel. Le Figaro ghi nhận : vào lúc đảng này đang trong hồi khó khăn, ông Rosler đã vươn lên lãnh đạo Đảng và giành luôn cả chức bộ trưởng kinh tế của nước Đức.

Mở đầu bài viết, Le Figaro nhận định là cuộc tranh giành quyền lực trong Đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) sẽ dẫn đến việc cải tổ nội các liên bang. Hôm qua, đương kim bộ trưởng Kinh tế Đức Rainer Bruderle đã được bầu làm lãnh đạo nhóm nghị sĩ thuộc đảng FDP ở quốc hội Đức. Sự kiện này như vậy, đã rộng mở con đường đến bộ Kinh tế cho ông Philipp Rosler, hiện là Bộ trưởng Y tế, nhưng là lãnh đạo mới sẽ được Đảng Tự do chính thức bầu lên vào ngày 13/05 sấp tới.

Tờ báo nhắc lại, từ nhiều tháng nay, FDP bắt đầu lâm vào khủng hoảng với tỉ lệ ủng hộ chỉ còn có 5%, giảm đáng kể so với 14,6% phiếu bầu mà đảng này thu được trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2009. Đảng này từng chủ trương giảm thuế, một mục tiêu chưa bao giờ thành hiện thực. Hơn nữa, người đứng đầu của FDP là ông Guido Westerwelle, đã thất bại trên cương vị bộ trưởng ngoại giao của mình.

Để lội dòng nước ngược, FDP đã chọn ông Philipp Rosler, một chính trị gia chỉ mới 38 tuổi. Con đường hoạn lộ của Rosler như diều gặp gió. Ông sinh ra ở Việt Nam và được một đôi vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi khi mới sơ sinh. Ông Rosler là người không phải gốc Châu Âu đầu tiên làm bộ trưởng ở Đức.

Theo Le Figaro, ông Rosler sẽ nắm bộ Kinh tế, một vị trí mà ông nhòm ngó từ lâu, nhưng đầy khó khăn. Lý do là vì bộ Kinh tế cùng chịu trách nhiệm lĩnh vực năng lượng với bộ Môi trường, và đây đang là một vấn đề hóc búa ở Đức. Ngoài ra, bộ Kinh tế cũng thường xuyên bị bộ Tài chánh làm cho lu mờ.

Le Figaro kết luận : khi chiếm lấy chức bộ trưởng Kinh tế, ông Rosler đã bác bỏ lập luận của những người chống ông, theo đó ông thiếu năng nổ trong việc tranh giành quyền lực. Vào ngày 13/05 tới đây, ông sẽ chính thức được bầu làm lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do thay cho ông Guido Westerwelle. Thế nhưng ông còn phải khẳng định uy tien trước thủ tướng Đức Merkel để giành luôn chức phó thủ tướng Đức, cũng từ tay ông Westerwelle.

Vào khi ấy, nhiệm vụ tối ưu tiên của ông Rosler là đề ra một đường lối chính trị mới để vực dậy đảng FDP đang trong giai đoạn khó khăn.

Y tá người Philippines trên đầu tuyến lửa Libya

Libération mang đến một thông tin đáng chú ý về những bệnh viện tại thành phố Benghazi, thủ phủ của quân nổi dậy. Bài viết đề tựa «Những bệnh viện ngoài mặt trận ở Libya », cho biết, ở Bengahzi, nhiều nữ y tá người Philippines tìm đến đất nước này lúc đầu chỉ vì lương cao, còn giờ đây  họ đang phải làm việc trong vùng lửa đạn.

Nhân vật đầu tiên bài viết giới thiệu là cô Shalima, 25 tuổi. Cô đến Benghazi vào tháng 4/2010 trong khi chưa hề hiểu gì về đất nước này ngoài ba từ vỏn vẹn « Kadhafi, dầu hỏa và tiền ». Hiện tại, mỗi ngày có đến 300 người bị thương được chuyển đến bệnh viện Halwary ở vùng ngoại ô Benghazi. Shalima là một trong 104 y tá người Philippines hiện đang làm việc tại bệnh viện này, trong khi chỉ có khoảng 20 y tá là người bản địa. Thêm vào đó, người bị thương được chuyển đến từ Misrata đang bắt đầu tăng.

Người Philippines đến Libya do không tìm được việc làm trên đất nước mình. Hơn nữa, lương làm việc ở Libya là 500 đô/tháng, trong khi ở nước họ chỉ có khoảng 200. Thế nhưng, sau khi đến Benghazi làm việc, mộng đẹp của họ đã tan vỡ. Một y tá Philippine tâm sự : « Tôi thất vọng tràn trề, ở đây còn nghèo hơn Philippines ».

Họ sống ở Libya nên phải hòa nhập vào văn hóa bản địa, tức chịu chung số phận với phụ nữ Libya, là bị bất công về quyền và phải biết giữ im lặng. Tuy họ không phải che mặt, nhưng cũng không được mặc áo ngắn tay. Rồi chiến sự nổ ra, họ cảm thấy sợ hãi.

Thực tế, hợp đồng của họ chỉ có 2 năm, vì thế họ còn thời gian suy nghĩ đến chuyện sẽ đi hay ở. Có người muốn nhanh chóng ra đi, cũng có người muốn ở lại. Một y tá tâm sự : « Khi chiến sự mới nổ ra, tôi định ra đi, nhưng sau đó thấy rằng ra đi là minh chứng của sự thất bại. Các bệnh nhân kêu khóc và bảo với tôi rằng nếu tôi bỏ ra đi, họ sẽ chết mất. Cuối cùng, tôi quyết định ở lại, và sẽ ra đi khi nào đất nước này đã tốt hơn ».

Một y tá người Philippines khác cho biết, ở Libya tự do rất bị bó buộc, mọi người không dám bình luận gì cả, kể cả bàn chuyện đường quá gồ ghề với tài xế taxi, « thậm chí trong giấc ngủ, người dân cũng chẳng dám nghĩ xấu về Kadhafi ». Hiện tượng phân biệt chủng tộc cũng rất nghiêm trọng.

Nói về tay nghề của đội ngũ y bác sỹ người Libya, một ý tá người Philippines cho biết : « Vài y tá người Libya thậm chí còn không biết đặt ống đo nhiệt độ và bông băng vết thương đúng cách. Một chuyên gia phẫu thuật thần kinh người Palestine còn gay gắt hơn khi cho biết, vài bác sỹ phẫu thuật Libya là « những kẻ giết người thật sự ». Theo người này, các bệnh viện Libya đang trong hiện trạng thiếu phương tiện và lạc hậu nghiêm trọng.

Còn đối với Raissa, y tá người Ucraina, ngày 20/4 là ngày cô không thể nào quên. Ngoài ban công tại căn hộ của cô ở Misrata, cô và một người bạn đang hút thuốc thì trúng phải đạn lạc. Bạn cô chết ngay tại chổ, còn cô thì bị thương ở chân và được chuyển đến Benghazi.

Cũng đến từ Misrta là cô giáo tin học người Philippine tên là Jennifer. Cô này kể về chiến sự tại Misrata với cảnh thường xuyên có xác chết chất đầy xe ô tô. Cô cũng phản ánh tình hình thiếu phương tiện chiến đấu của quân nổi dậy. Jennifer tâm sự về việc còn do dự đi hay ở : « Tôi lấy làm thương xót những sinh viên của mình. Chúng nói với tôi là rất thèm khác tự do. Vì thế, tôi quyết định đồng hành với chúng ít lâu nữa ».

Chíến sự Libya ngày càng lan sang lãnh thổ Tunisia

Theo LibỔation, nhiều lần khi truy kích quân nổi dậy, lính của chính phủ Libya đã ném bom trên phần đất Tunisia. Sự vi phạm lãnh thổ ngày càng nghiêm trọng , đến mức nhà cầm quyền Tunisia đã cảnh báo sẽ sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và bảo toàn an ninh cho người chạy nạn theo đúng luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, dòng người tản cư từ Libya sang Tunisia ngày càng nhiều. Hồi đầu tháng 4, mỗi ngày có khoảng 1 000 người di tản, nhưng đến cuối tháng con số này đã lên đến 2 000. Chính phủ Tunisia ủng hộ quân nổi dậy Libya, vì thế đã giúp đở người chạy loạn bằng những phương tiện hết sức hạn hẹp của mình.

Mỹ hạ giọng với Trung Quốc về vấn đề tiền tệ

« Sự trìu mến được thể hiện trong cuộc gặp cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ ở Washington hôm 9/5 đã không thể đánh lừa được ai về những xích mích dai dẳn của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này », đó là nhận định của nhật báo Le Monde về quan hệ Trung-Mỹ trong bài viết « Washington bớt gắt gao trong chỉ trích về việc định giá thấp đồng nhân dân tệ ».

Theo Le Monde, có lẽ hai bên muốn nhân cuộc gặp thường niên này đẫy lùi vào dĩ vãng những va chạm trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Vì thế, trong mối bất hòa thường trực liên quan đến việc Bắc Kinh cố tình định giá thấp đồng nhân dân tệ, Washington đã hơi dịu giọng. Theo các nghị sỹ Hoa Kỳ, đồng nhân dân tệ bị định giá thấp hơn 20 đến 40% so với đô la Mỹ. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã đạt con số kỉ lục là 273 tỷ đô la.

Chính quyền Mỹ cho rằng, vấn đề đã có chuyển biến. Bộ trưởng Tài chính Mỹ ông Tim Geithner lạc quan nêu lên « những tiền đề thay đổi lạc quan trong chính sách kinh tế của một nước Trung Quốc đang tìm cách tăng trưởng nhắm vào thị trường nội địa ».

Một chuyên gia kinh tế nhận định, để đẩy mạnh xuất khẩu, Trung Quốc đã cố tình giữ thấp giá đồng nhân dân tệ, thế nhưng, hiện tại lạm phát đang nghiêm trọng, vì thế chính phủ nước này phải chấp nhận một tỷ giá cao hơn cho đồng nội tệ của mình.

Về vấn đề này, Le Monde cho biết, trong tháng 3 qua, giá cả ở Trung Quốc đạt mức 5,4%, mức kỷ lục kể từ năm 2008. Hiện tại, chính phủ vẫn chưa kiểm soát được đà lạm phát. Lo sợ cuộc sống đắt đỏ sẽ gây rối loạn xã hội, Bắc Kinh mới bắt đầu xem xét giải pháp này.

Dù thấy rằng sự thay đổi của Trung Quốc còn quá chậm, nhưng Mỹ đã không ra tối hậu thư, thậm chí khác hẳn với thái độ hồi năm 2010, giời đây Washington không còn chỉ trích thẳng thừng việc Bắc Kinh định giá thấp đồng nhân dân tệ. Dự luật trả đũa thương mại mà Hạ viện Mỹ thông qua hồi cuối tháng 9/2010 vẫn còn nằm trên giấy, và chưa có chương trình cụ thể nào cho Thượng viện thông qua.

Nguyên nhân do đâu ? Theo Le Monde, Mỹ e dè bởi cũng đang ở thế bị Trung Quốc chỉ trích. Trung Quốc nêu lên nhiều vấn đề mà Mỹ đang vấp phải : nợ công chồng chất, là nước làm cho hiện tượng lạm phát lan tràn trên thế giới và góp phần làm mất cấn đối các dòng chảy thương mại.Thậm chí sáng thứ hai rồi, trước cuộc hội kiến cấp cao Trung-Mỹ, hãng  tin Tân Hoa Xã còn nhắc lại việc đồng đô la bị cố tình hạ giá kéo theo hàng loạt các vấn đề kinh tế quốc tế khác.

Cuba vẫn tiếp tục đàn áp đối lập

Phản ánh tình hình chính trị Cuba, Le Monde có bài « Tại Cuba, chính sách trấn áp ngầm đang đi quá đà.

Nếu Cuba đã trả tự do cho hơn 100 tù nhân chính trị kể từ tháng 7/2010, thì việc đàn áp giới li khai của nước này lại trở thành đề tài thời sự thu hút nhiều chú ý nhất sau cái chết gây nhiều tranh cãi của Juan Wilfredo Soto Garcia vào ngày 8/5 vừa qua, tức ba ngày sau khi ông này bị công an giam giũ và thẩm vấn.

Giới đối lập cho biết, hôm 5/5, người tù chính trị 46 tuổi này đã bị công an đánh dữ dội và ông đã chết tại bệnh viện. Trong khi đó, nguồn tin của chính quyền cho biết, ông Soto chết do bệnh viêm tụy và suy thận, không có dấu hiệu bị đánh đập. Một quan chức Cuba nhận định, có thể « có mối liên hệ giữa tình trạng sức khỏe và những trận đòn ». Giới đối lập yêu cầu phải tiến hành điều tra.

Một nhà đối lập có tiếng ở Cuba cho biết, sẽ có 80 người biểu tình bằng cách nhịn đói nếu các công an gây ra cái chết của Soto không bị xét xử, và nếu chủ tịch Raul Castro không cấm việc sử dụng bạo lực đàn áp những người đối lập một cách hòa bình.

Le Monde nhắc lại, hôm 16/4, tại đại hội Đảng Cộng sản Cuba, trong bài diễn văn của mình, người kế nhiệm Fidel Castro là ông Raul Castro đã có lời cảnh báo giới đối lập. Ông Raul cũng cho phép người dân Cuba « bảo vệ cách mạng, quảng trường, đường xá ». Le Monde cho rằng, câu nói này đã là chỗ dựa chính thức cho những người ủng hộ chế độ hiện hành tấn công người đối lập.

Le Monde còn cho biết thêm, ngoài việc ngày càng có nhiều vụ bắt bớ, thẩm vấn ngắn hạn đối với người li khai, chính phủ La Havana còn phát động chiến dịch tuyên truyền chống những Blogger viết bài chỉ trích, các nghệ sỹ và giới trí thức thì bị theo dỏi ngày càng gắt gao. Vài người trong số họ đã bị an ninh tra vấn, thậm chí còn bị đe dọa.

Trang nhất các báo Pháp ngày 11/5/2011

Liên hoan phim Cannes khai mạc ngày hôm nay. Libération dành cho Festival điện ảnh đầy uy tín của Pháp   câu hỏi lớn trên trang nhất « Có phải đây là Festival de Cannes cuối cùng không ? ». Tờ báo nhận định, ở thời đại công nghệ cao hiện nay, ai cũng có thể quay phim ảnh, và người ta có thể xem phim mà không cần phải đến rạp phim, vì thể Festival de Cannes phải biết hội nhập để tồn tại.

Trang nhất La Croix đăng hàng tựa « Tiếng vọng thế giới tại Cannes ». Bài viết cho biết, hôm nay Festival de Cannes lần thứ 64 sẽ bắt đầu với nhiều phim mang chủ đề thời sự quốc tế, đặc biệt chủ đề năm nay là thế giới Ả Rập.

Nhật báo Le Monde đăng kết quả hai nghiên cứu về khả năng chiến thắng của Đảng Xã hội trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, theo đó, đảng này cần thiết mở rộng phạm vi cử tri của mình, chứ không chỉ ưu tiên cho giới trung lưu và bình dân. Tờ báo cũng phản ánh sự chia rẽ về chiến lược tranh cử trong nội bộ đảng này.

L’Humanité nhìn về Hy Lạp, quốc gia đang chìm trong khủng hoảng. Với bài viết « Hy Lạp đang trong vòng thống khổ », tờ báo cho biết, hôm nay có cuộc tổng đình công ở nước này nhằm phản đối chính sách khắc khổ do Qũy tiền tệ Quốc tế và Liên Hiệp Châu Âu áp đặt.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.