Vào nội dung chính
CÔNG NGHỆ

Phải chăng máy chữ đã hết thời ?

Chúng ta đang sống trong nền văn minh máy tính. Vậy vào năm 2011 này, liệu có còn nơi nào trên thế giới sản xuất máy chữ nữa hay không ? Theo nhật báo Anh Quốc Daily Mail, thì không. Cơ sở cuối cùng chế tạo công cụ này là ở Ấn Độ và nó đã chính thức đóng cửa hồi cuối tháng Tư vừa qua.

Quảng cáo

Tháng Hai năm nay, AFP đưa tin là máy chữ và nghề đánh máy chữ vẫn phát triển tại Ấn Độ, một quốc gia hối hả trên con đường hiện đại hóa. Mỗi năm, Ấn Độ vẫn chế tạo ra khoảng 150 ngàn máy chữ. Thế nhưng, báo Daily Mail vừa cho biết, Godrej and Boyce ở Bombay, cơ sở cuối cùng tại Ấn Độ, thậm chí trên thế giới, đã ngừng sản xuất do không có đơn đặt hàng nữa.

Godrej and Boyce chế tạo máy chữ từ những năm 1950, thời kỳ mà Nehru coi máy chữ là biểu tượng của sự độc lập về công nghiệp của Ấn Độ. Cho đến đầu những năm 1990, nhà máy bán được 50 ngàn sản phẩm mỗi năm. Đến 2010, con số này rơi xuống còn 800. Nhà máy không sản xuất nữa, trong kho chỉ còn vài trăm chiếc, phần lớn là loại máy đánh chữ Ả Rập.

Tổng giám đốc nhà máy Milind Dukle giải thích : kể từ những năm 2000, máy tính bắt đầu thống trị thị trường. Tất cả các cơ sở chế tạo máy chữ ngừng sản xuất, chỉ còn mỗi Godrej and Boyce vẫn tiếp tục hoạt động. Đến tận năm 2009, chúng tôi vẫn sản xuất 12 ngàn chiếc. Có lẽ, đó là đợt đặt hàng cuối cùng đối với những ai còn gắn bó với máy chữ.

Việc Godrej and Boyce ngừng chế tạo máy chữ có lẽ chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan hành chính, công sở, tòa án, cảnh sát ở vài tiểu bang Ấn Độ cũng như ở châu Phi.

Tuy vậy, vào cuối tháng Tư, trên website tài chính minyanville.com, Justin Rohrlich đã bác bỏ khẳng định của báo Daily Mail coi Godrej and Boyce ở Bombay là nơi cuối cùng trên thế giới chế tạo máy chữ đã đóng cửa. Tác giả đã dẫn lời ông Ed Michael, giám đốc phụ trách bán hàng của công ty Swintec ở New Jersey, Hoa Kỳ, khẳng định là máy chữ còn lâu mới hết thời và hiện nay, công ty vẫn đặt sản xuất máy chữ ở Indonesia, Trung Quốc, thậm chí Nhật Bản.

Thị trường chính của công ty Swintec là các nhà tù Mỹ. Ông cho biết, công ty đã ký hợp đồng với các nhà tù của 43 tiểu bang cung cấp máy chữ cho các phạm nhân, loại có vỏ bọc trong suốt, để tránh việc cất giấu ma túy trong máy. Tùy theo từng nhà tù, có nơi mua loại máy chữ cơ khí đơn giản, tức là gõ phím, bật cần mổ chữ. Nhưng cũng có nơi cho phạm nhân dùng máy chữ điện tử, có bộ nhớ.

Quay trở lại Ấn Độ, các công sở tại một số tiểu bang của nước này vẫn gắn bó với máy chữ vì nhiều lý do, như thói quen, nhất là đối với những người lớn tuổi, sử dụng đơn giản, không tốn tiền bảo dưỡng. Một nhân viên tòa án Ấn Độ nói với nhà báo AFP : « Cùng một công việc, nếu ông làm trên máy tính, còn tôi gõ máy chữ, chắc chắn tôi sẽ làm xong trước ông ».

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.