Vào nội dung chính
INDONESIA - ASEAN

ARF : những bước tiến nhỏ trong các hồ sơ lớn

Sau 5 ngày hoạt động ngoại giao sôi động với đỉnh điểm là Diễn đàn khu vực ASEAN – ARF, diễn ra vào hôm qua, 23/07/2011, tại Bali, Indonesia, Hiệp hội các nước Đông Nam Á và các đối tác chỉ thu được những kết quả quá khiêm tốn, không có những bước đột phá, đặc biệt trong hồ sơ Biển Đông.

ARF ASEAN - DOC Tháng 7/2011 (Reuters)
ARF ASEAN - DOC Tháng 7/2011 (Reuters)
Quảng cáo

Trong tuần qua, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được đồng thuận – sau 9 năm đàm phán, về bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC, tạo cơ sở cho việc thảo luận về một bộ luật mang tính ràng buộc.

Tổng thư ký ASEAN, Surin Pitsuwan cho rằng các kết quả đạt được tại ARF lần này tự nó cũng nói lên vai trò của diễn đàn, đây không phải chỉ là một nơi gặp gỡ, trò chuyện giữa đại diện các quốc gia, không có tác dụng gì, như giới quan sát thường chỉ trích. Theo ông, bản hướng dẫn thi hành DOC là một dấu ấn to lớn và mang tính lịch sử, cho thấy rõ là ARF có hoạt động. Còn Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì miêu tả bản hướng dẫn là rất quan trọng, mặc dù ông cũng thừa nhận đây mới chỉ là bước đi đầu tiên.

ARF cũng tạo cơ hội cho đại diện của Nam-Bắc Triều Tiên gặp nhau lần đầu tiên kể từ hơn hai năm qua. Hai bên nói đến mong muốn nối lại vòng đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

Cũng tại Bali, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tiến hành hội đàm với các đồng nhiệm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.

Thế nhưng, theo giới quan sát, các kết quả trên đây không gây nhiều ấn tượng.

Tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông liên quan đến quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ và kêu gọi một giải pháp đàm phán đa phương. Sự kiện này đã làm cho Ngoại trưởng Trung Quốc tức giận.

Năm nay, lãnh đạo ngoại giao Mỹ, tuy vẫn nhắc lại lập trường của Washington là quan tâm đến tự do lưu thông, chỉ đưa ra những khuyến nghị nhẹ nhàng hơn như  : bày tỏ lo ngại những căng thẳng ở Biển Đông là một mối đe dọa đối với hòa bình trong khu vực, kêu gọi Bắc Kinh và ASEAN nhanh chóng giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, và Washington mong muốn những thỏa thuận đạt được về bản hướng dẫn thực hiện DOC cần phải được nhanh chóng phát triển thành bộ luật.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói thẳng là những lời trấn an của Trung Quốc không có nhiều ý nghĩa khi mà Bắc Kinh không hề thay đổi lập trường cố hữu, không thừa nhận chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào tại Biển Đông. Ông nói, « làm sao mà bạn có thể thảo luận được điều gì trong khuôn khổ song phương, khi bạn ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc thì họ nói rằng tất cả là của họ ».

Theo ông Thời Ân Hoằng, thuộc đại học Nhân dân Bắc Kinh, được AFP trích dẫn thì « cuộc gặp của bà Hillary Clinton với ông Dương Khiết Trì và cuộc gặp của ông Dương với đồng nhiệm Việt Nam, cũng như với các Ngoại trưởng Đông Nam Á khác, tất cả góp phần làm giảm căng thẳng xẩy ra trong những tuần qua ». Thế nhưng, ông cũng phải thừa nhận là nhìn từ quan điểm chiến lược thì các cuộc thảo luận ở Bali đã thu được kết quả ít ỏi và « những bất đồng về lập trường của các bên vẫn tồn tại ».

Cựu tổng thư ký ASEAN, ông Rodolfo Severino, hiện lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu ASEAN, tại Singapore nhận định rằng Trung Quốc trở nên hung hăng hơn trong việc quyết đoán chủ quyền của mình tại Biển Đông bởi vì nơi đây có rất nhiều tài nguyên. Bắc Kinh có những lợi ích mà họ muốn bảo vệ. Trừ phi Trung Quốc yên tâm là sẽ không bị một số nước Đông Nam Á tấn công hoặc xâm chiếm những vùng biển mà Bắc Kinh tự cho là của mình, thì rất khó mà Trung Quốc có những nhượng bộ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.