Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Cảnh sát châu Âu báo động về nạn ăn cắp sừng tê giác

Nếu đến thăm viện bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Paris trong dịp này, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy trên bộ xương tê giác khổng lồ được trưng bầy không còn có chiếc sừng nữa. Nó không bị đánh cắp, nhưng ban quản lý viện bảo tàng đã cho tháo gỡ và cất vào một nơi an toàn. Bởi vì vừa qua, cơ quan cảnh sát châu Âu, Europol, đã báo động là có một băng đảng chuyên đánh cắp sừng tê giác ở châu Âu.

Sừng tê giác tại viện bảo tàng Edimbourg 29/7/2011 (REUTERS)
Sừng tê giác tại viện bảo tàng Edimbourg 29/7/2011 (REUTERS)
Quảng cáo

Các vụ ăn trộm đã xẩy ra liên tiếp bởi vì sừng tê giác đắt như vàng, đặc biệt là trên thị trường châu Á, được coi là chất cường dương. Theo Europol, hiện nay, có một băng đảng người Ailen đang đi săn lùng sừng tê giác. Tùy theo kích cỡ, mỗi sừng có thể được bán từ 150 đến 200 ngàn euro. Mục tiêu của băng đảng này là viện bảo tàng, vườn bách thú, nơi bán đồ vật cổ.

Tại Pháp, các thành viên băng đảng trộm cắp này vừa tiến hành các hoạt động lừa đảo, bán sừng tê giác dởm, vừa dò la xem ở đâu có đầu hoặc sừng tê giác. Một nguồn thạo tin cho biết là chúng là việc theo từng nhóm. Toán đầu tiên dò la, xác định vị trí và toán thứ hai tiến hành đột nhập, trộm cắp. Thậm chí, dường như băng trộm Ailen này còn thuê, giao khoán việc cho những nhóm tội phạm khác, thông thường là công dân các nước Đông Âu. Vì vừa qua, tại Bỉ, cảnh sát bắt được các tên trộm người Ba Lan.

Cách nay không lâu, viện bảo tàng Jacobins de Blois, đã bị mất một cái đầu tê giác nặng tới 100 kg. Đầu năm nay, tại viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên ở Rouen, bọn trộm đã đột nhập vào viện bảo tàng vào ban đêm nhưng không thành công. Ngay sáng hôm sau, chúng ngang nhiên hành động và lấy được sừng tê giác.

Còn tại Bỉ, trong vòng một tháng, kẻ trộm đã đột nhập vào viện bảo tàng Khoa học Tự nhiên Bruxelles và viện bảo tàng bách thú Liege. Tại Barcelona, Tây Ban Nha, trộm ghé thăm nhưng không lấy được gì…

Theo một cảnh sát châu Âu, băng đảng Ailen rất có tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp và chỉ tuyển dụng những kẻ trong cộng đồng dân du mục. Một nhân viên trong một việc bảo tàng ở miền trung nước Pháp cho biết, trước tiên, chúng đề nghị mua lại những con thú, kể cả với giá rất cao. Nếu không mua được, chúng sẽ tìm cách ăn trộm. Bọn trộm ngang nhiên hành động giữa ban ngày : Mua vé vào xem bản tàng, đập tủ kích và khi không lấy được sừng tê giác thì chúng lấy luôn cả đầu con thú. Điều lo ngại hơn cả là vấn đề an toàn, bởi vì bọn trộm sẵn sàng hành hung các nhân viên bảo tàng.

Thông thường, sau khi lấy được các sừng tê giác, băng trộm Ailen tìm cách đưa sang thị trường châu Á, chủ yếu là Trung Quốc. Tại đây, sừng tê giác được cắt gọt thành các cốc uống rượu, để uống những chất thần bí, được coi giúp tăng thể lực và cường dương… Sừng càng lâu đời thì càng đắt giá.

Các chuyên gia cho biết, thành phần của sừng tê giác chỉ là chất keratine – nói nôm na là chất sừng, như ở móng tay, móng chân, tóc của người hay ở sừng trâu bò… Thế nhưng, giới y học cổ truyền Trung Quốc vẫn sử dụng chúng như là chất cường dường. Trên thị trường buôn lậu, sừng tê giác có khi được giao bán với giá 140 ngàn euro một kilo.

Hiện nay, cảnh sát Ailen và Pháp đang truy lùng băng đảng trộm cắp này. Đó là một nhóm các gia đình liên kết với nhau tiến hành những hoạt động tội phạm, đầu tư vào bất động sản tại Ailen và các loại xe hơi cao cấp. Thế nhưng, việc bắt giữ chúng không đơn giản vì cộng đồng này thường xuyên di chuyển. Theo giới chuyên gia, tại châu Phi, số tê giác đã giảm từ 70000 con xuống còn 5000 con.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.