Vào nội dung chính
DÂN SỐ

Khó có thể biết đứa trẻ thứ 7 tỷ được sinh ra ở đâu

Ngày 31/10/2011 vừa qua được các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc chọn làm thời điểm dân số trên hành tinh chúng ta đạt 7 tỷ người. Nhân sự kiện này, châu Á chào đón sự ra đời của bé gái Danica May Camacho, sinh vào lúc 23h58’ ngày 30/10, tức là hai phút trước khi chuyển sang ngày 31/10/2011 tại một bệnh viện công ở Manila, Philippines, như là biểu tượng của công dân thứ 7 tỷ.

Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tặng bánh gatô cho gia đình bé Danica Camacho, ở Philippines, được coi là công dân thứ 7 tỷ trên trên thế giới
Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tặng bánh gatô cho gia đình bé Danica Camacho, ở Philippines, được coi là công dân thứ 7 tỷ trên trên thế giới REUTERS/Erik De Castro
Quảng cáo

Theo AFP, đại diện của Liên Hiệp Quốc đã tới chúc mừng, hứa cấp học bổng cho bé Camacho và cấp một khoản tín dụng giúp cho cha mẹ của bé mở cửa hàng để sinh sống.

Tuy nhiên, cùng ngày hôm đó, tại hai nơi ở Nga và một nơi ở Ấn Độ, người ta cũng làm lễ chào đón công dân thứ 7 tỷ. Câu hỏi được đặt ra là liệu có xác định được một cách chắc chắn thời điểm công dân thứ 7 tỷ ra đời hay không và đứa bé này được sinh ra ở đâu ? Câu trả lời là không.

Chuyên gia Daniel Goodkind làm việc tại Văn phòng thống kê dân số Hoa Kỳ giải thích với tạp chí National Geographic là vì không có hệ thống theo dõi và cập nhật tức thời số trẻ sinh và số người qua đời đang diễn ra trên thế giới.

Về mặt lý thuyết, việc dự đoán sự ra đời của công dân thứ 7 tỷ khá đơn giản : Ở một thời điểm cụ thể, lấy tổng dân số của một quốc gia trừ đi số người chết, cộng thêm số trẻ được sinh ra. Trên cơ sở các dữ kiện này của tất cả các nước, có tính tới hiện tượng di dân, giới chuyên gia có thể phỏng đoán được thời điểm này.

Trên thực tế, phương pháp nói trên chỉ khả tín nếu tất cả các nước trên thế giới có số liệu thống kê dân số đáng tin cậy. Liên Hiệp Quốc cho biết là hiện có rất nhiều quốc gia không tiến hành điều tra dân số hoặc sẽ tiến hành thống kê trong những năm tới.

Theo ông Gerhard Heilig, giám đốc phụ trách thẩm định dân số thế giới của Liên Hiệp Quốc thì không ai có thể nói được nơi sinh của đứa trẻ thứ 7 tỷ và nhấn mạnh là phương pháp tính của Liên Hiệp Quốc có hai hạn chế :

Thứ nhất là về tổng số người trên hành tinh : Phương pháp tính của Liên Hiệp Quốc có tỷ lệ sai số từ 1% đến 2%, tương đương 56 triệu người. Điều này có nghĩa là hiện nay, có thể dân số thế giới còn thiếu 56 triệu người nữa thì mới đạt 7 tỷ hoặc là con số này đã lên tới 7 tỷ 56 triệu.

Hạn chế thứ hai liên quan đến thời điểm ra đời của công dân thứ 7 tỷ : mức độ sai số là 6 tháng : Có thể nghĩa là đứa trẻ thứ 7 tỷ được sinh ra trước ngày 31/10/2011 khoảng 6 tháng hoặc sau ngày này 6 tháng.

Ngay các tổ chức thống kê dân số cũng đưa ra các thời điểm khác nhau. Theo Văn phòng dân số Mỹ, đứa trẻ thứ 7 tỷ có thể ra đời trong khoảng giữa tháng Ba và tháng Tư năm 2011. Còn Viện dân số của Áo thì dự đoán là giữa tháng Giêng và tháng Hai năm 2012.

Ngoài việc khó xác định được thời điểm và con người cụ thể, còn có một lý do khác khiến Liên Hiệp Quốc không chọn một cách đích danh và địa điểm chính xác sự ra đời công dân thứ 7 tỷ. Đó là vì muốn tránh lập lại một điềm xấu.

Cách nay 12 năm, vào ngày 12/10/1999, để đánh dấu sự ra đời của công dân thứ 6 tỷ trên trái đất, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Anan đã đến tận bệnh viện ở Bosnia, chúc mừng sự ra đời của bé trai Adnan Mevic. Thế nhưng, nhiều điều không may đã xẩy ra đối với gia đình này : Người cha đã qua đời vì bị ung thư, người mẹ thì bị thất nghiệp còn Adnan Mevic thì mắc bệnh tim. Gia đình của công dân thứ 6 tỷ này cho biết là sau đợt đưa tin, quảng cáo rầm rộ, từ đó đến nay, họ không hề nhận được lời thăm hỏi nào từ phía Liên Hiệp Quốc, thậm chí không có cả thiếp chúc mừng sinh nhật.

Do vậy, Liên Hiệp Quốc thừa nhận là thực sự không biết nước và giờ chính xác sự ra đời của công dân thứ 7 tỷ và đề nghị tất cả các quốc gia hãy chọn một đứa trẻ nào đó được sinh ra trong ngày 31/10/2011 để đánh dấu sự kiện này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.