Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Phụ nữ Ả Rập Xê Út được quyền làm việc tại các cửa hàng đồ lót nữ

Kể từ thứ Năm 05/01/2012, phụ nữ Ả Rập Xê Út có thể đi mua quần áo lót mà không ngại ngùng khi phải trao đổi với người bán hàng là nam giới như trước. Đó là nhờ Quốc vương Abdallah đã quyết định cho phép phụ nữ được làm nhân viên bán hàng trong các cửa hàng đồ lót.

Phụ nữ Ả rập Xê út được phép làm nhân viên bán hàng trong các cửa hàng đồ lót kể từ ngày 05/01/2012
Phụ nữ Ả rập Xê út được phép làm nhân viên bán hàng trong các cửa hàng đồ lót kể từ ngày 05/01/2012 REUTERS
Quảng cáo

Trong vương quốc siêu bảo thủ mà nam nữ hoàn toàn « thụ thụ bất thân », vị vua chủ trương cải cách một cách thận trọng hồi tháng Sáu đã ban hành một sắc lệnh. Theo đó, các cửa hàng bán quần áo lót phụ nữ trong vòng sáu tháng phải thay thế các nhân viên bán hàng nam, bằng các nhân viên nữ người Ả Rập Xê Út.

« Đây là một quyết định tích cực và can đảm. Cũng như nhiều phụ nữ khác, tôi rất ngại khi đi mua đồ lót, phải trả lời cho người đàn ông bán hàng kích thước các vòng của mình ». Sarah Mohammed, một nữ giáo viên 37 tuổi đã khẳng định như thế với AFP. Quyết định trên được Quốc vương đưa ra sau khi đã có cả một chiến dịch trên internet trong đó phụ nữ bày tỏ sự bất mãn của họ. Tuy vậy, phụ nữ Ả Rập vẫn không thể mặc thử đồ lót, vì các phòng thử quần áo dành cho nữ giới bị cấm ở vương quốc dầu lửa này.

Kết thúc những ngại ngần

Cách đây một năm, Rim Assaad cũng đã lăng-xê một chiến dịch trên internet kêu gọi tẩy chay các cửa hàng đồ lót nữ sử dụng các nhân viên nam « để chấm dứt sự ngượng ngùng của nữ giới khi phải hỏi người bán hàng là nam ». « Kết thúc những ngại ngần », Fatima Qaroub tuyên bố trên mạng như thế. Cô cũng đã tung ra chiến dịch đòi phải nữ hóa công ăn việc làm trong ngành trang phục lót phụ nữ. Cô nhấn mạnh : « Ban đầu các thương nhân không thích thú mấy với quyết định của chính quyền. Nhưng sau khi tuyển dụng các nữ nhân viên bán hàng người Ả rập Xê út, một số đã áp dụng cả cho các cửa hàng quần áo tổng hợp ».

Bộ trưởng Lao động Adel Faqih cho biết có 7.300 cửa hàng có liên quan đến quyết định trên. Quyết định này sẽ tạo ra được 44.000 việc làm cho phụ nữ Ả Rập Xê Út. Và như vậy, các cửa hàng sẽ có số lượng nữ nhân viên tương đương nam nhân viên. Các nhân viên nam thừa ra, hầu hết là người nhập cư châu Á, sẽ bị sa thải. Theo Fahd al-Takhifi, một viên chức có trách nhiệm của bộ này, thì đã có 28.100 phụ nữ nộp đơn lên bộ xin làm việc trong các cửa hàng trang phục lót và mỹ phẩm trên toàn quốc, « Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả sẽ được tuyển dụng ». Bộ Lao động dự kiến huy động 400 thanh tra viên để kiểm tra việc áp dụng sắc lệnh của Quốc vương kể từ ngày 5/1, những nơi vi phạm sẽ bị phạt.

Mỹ phẩm : Phải đợi đến tháng Bảy

Trong giai đoạn hai, sắc lệnh trên sẽ được áp dụng cho các cửa hàng bán mỹ phẩm vào trước tháng 7/2012. Safa Salama rất hài lòng với chức vụ mới và nữ giám đốc một cửa hàng trang phục lót phụ nữ, trong một trung tâm thương mại ở Jeddah, thành phố cảng nằm phía tây. Cô nói : « Tôi đã làm thực tập sinh không lương trong một nhà bảo sanh, cho đến khi một bạn gái cho tôi biết các cửa hàng đồ lót đang tuyển nhân viên. Ban đầu tôi có hơi sợ, nhưng mọi việc sau đó đều tốt đẹp ».

Sắc lệnh của nhà vua bắt đầu có hiệu lực, cho dù giáo sĩ Abel Aziz Al Cheikh phản đối. Thủ lĩnh Hồi giáo trong bài giảng hôm thứ Sáu 6/1 cho rằng điều này làm cho các nữ nhân viên bán hàng « tiếp xúc trực tiếp » với các nam giám đốc. Hơn nữa, « các phụ nữ này sẽ bán hàng và đếm tiền », một điều « đi ngược lại với giáo luật ». Cách đây ba năm, một quyết định tương tự đã bị các giáo sĩ bảo thủ ngăn chặn, họ phản đối việc cho phụ nữ làm việc trong nhiều lãnh vực, để tránh việc tiếp xúc giữa nam và nữ. Năm 2010, một giáo sĩ cấp cao đã ra lệnh cấm phụ nữ làm nhân viên thu ngân trong siêu thị - một công việc được chính quyền cho phép – nhưng các nhà quản lý siêu thị đã không tuân theo quyết định mang tính tôn giáo này.

Ý thức rằng nguồn lợi từ dầu hỏa không phải là vĩnh viễn, Quốc vương Abdallah luôn khuyến khích nữ giới học lên cao và đi làm việc. Nhưng lại còn có một vấn đề khác: Ả Rập Xê Út hiện là quốc gia duy nhất trong thế giới Ả Rập cấm phụ nữ lái xe. Càng có nhiều phụ nữ Ả Rập Xê Út đi làm, thì việc họ đi đến nơi làm việc bằng phương tiện nào lại càng được đặt ra.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.