Vào nội dung chính
NGA - DÂN CHỦ

Ông Putin bị mất ánh hào quang « bất khả xâm phạm » như thế nào ?

Điều này đã bắt đầu với việc một ngôi sao nhạc rock Nga chất vấn công khai ông Putin về vấn đề dân chủ. Sau đó, các hình ảnh vụng về liên quan đến một chuyến đi lặn ở Hắc Hải, rồi những bức ảnh chụp ông bị la ó trong một sân vận động, được lan truyền trên internet, tất cả đã làm tan vỡ quy chế « bất khả xâm phạm » của ông Vladimir Putin.

Ứng viên tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc mít tinh ở sân vận động Loujniki, Matxcơva, 23/02/2012
Ứng viên tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc mít tinh ở sân vận động Loujniki, Matxcơva, 23/02/2012 REUTERS
Quảng cáo

Ngày 20/11/2011, tại sân vận động Olympic Matxcơva : Cựu nhân viên KGB, người luôn tỏ rõ sự ham mê đối với võ thuật và được đai đen môn Judo, bước lên võ đài, sau một trận đấu, để hoan nghênh chiến thắng của võ sĩ hạng nặng Fedor Emelyanenko, trước 20 000 khán giả.

Thế nhưng, ông Putin đã được chào đón bởi một dàn đồng ca huýt sáo và la ó kéo dài trong nhiều phút, từ phía khán đài. Tiếng một người hô to « Oukhodi !– Xéo đi !», được một thâu vào một trong những băng ghi hình không chuyên nghiệp và ngay lập tức những cuốn băng này có hàng trăm ngàn lượt người xem trên internet Nga.
(http://www.youtube.com/watch?v=KMW-kïxïpGk )

Một điều cấm kỵ đã bị gạt bỏ. Nhật báo trên mạng gazeta.ru nhận xét : « Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời chính trị của mình, ông Putin bị công chúng la ó », mặc dù phát ngôn viên của thủ tướng đã bác bỏ và khẳng định rằng những tiếng huýt sáo, la ó trong trận đấu là nhắm vào võ sĩ người Mỹ.

Vào thời điểm đó, cuộc bầu cử tổng thống vẫn còn xa và cuộc bầu cử lập pháp ngày 04/12 năm ngoái vẫn chưa diễn ra ; sau này, kết quả cuộc bỏ phiếu bầu nghị viện đã bị phản bác và làm dấy lên làn sóng phản đối lớn chưa từng thấy của phe đối lập.

Thế nhưng, ông Vladimir Putin, vẫn là người hùng của đất nước kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2000, đã thông báo ý định của mình muốn quay trở lại điện Kremlin mà vào năm 2008, vì lý do Hiến pháp ngăn cấm, ông đã phải nhường chỗ cho ông Dmitri Medvedev.

Từ đó, cựu nhân viên KGB không mạo hiểm xuất hiện công khai trước một công chúng không được lựa chọn, các cuộc biểu tình của phe đối lập thì đầy rẫy những biểu ngữ đòi có một « Nước Nga không Putin » và trên các truyền thông của phe đối lập, giọng điệu ngày càng cứng rắn hơn đối với thủ tướng Nga.

Các blogger và các đạo diễn băng video chính trị thì sôi sục trên web, như các tác giả của bài hát « Trại điên chúng tôi bỏ phiếu cho Putin » hoặc những người dựng ghép băng video cảnh ông Putin bị xét xử như một « tên khủng bố » trong một tòa án ở Matxcơva.

Một phóng sự cho thấy thủ tướng Nga vừa kết thúc một cuộc lặn ở Hắc Hải, hai tay cầm hai chiếc bình được cho là cổ 15 thế kỷ, thế nhưng đây lại là những chiếc bình mới. Phóng sự này đã bị chế giễu nhiều đến mức mà phát ngôn viên của thủ tướng phải thừa nhận rằng đó là cảnh được dàn dựng tồi.

Tháng 05/2010, Iouri Chevtchouk thủ lĩnh nhóm nhạc rock huyền thoại DDT, người đã tháp tùng sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Leningrad (tên của thành phố Saint Petersburg dưới thời Liên Xô), đâm nhát dao nhíp đầu tiên vào cái quy chế « bất khả xâm phạm » của thủ tướng Nga.

Trong một cuộc gặp của các nghệ sĩ với ông Putin, Chevtchouk ngồi ở đầu bàn và lên tiếng : « Vladimir Vladimirovich, tôi có thể hỏi được không ? Tôi có nhiều câu hỏi, thành thật mà nói, nó tích tụ từ lâu rồi – câu đầu tiên là về quyền tự do, tự do báo chí, tự do thông tin, bởi vì chúng ta không có các quyền này. Hiện nay, chỉ có một tờ báo rưỡi và một nửa vô tuyến truyền hình… ».

Những người tham dự cuộc gặp, trong đó có những diễn viên nổi tiếng, chỉ biết ngồi nhìn vào chiếc đĩa trước mặt họ. Còn ông Putin thì uống ngụm nước chè với vẻ mặt căng thẳng.

Thế nhưng, Chevtchouk vẫn tiếp tục, « sự phản đối lên cao và có nhiều người bất bình », và ông đòi là « các hiệp hội không bị bóp chết và mọi người không còn sợ hãi cảnh sát nữa ».

Ca sĩ nhạc rock nói tiếp, « vì con cháu chúng ta », nước Nga không nên trở thành một quốc gia « độc ác, tham nhũng, toàn trị, độc đoán, chỉ có một đảng, với một lời ngợi ca, một tư tưởng… ».

Đoạn băng hình này đã có ít nhất hai triệu lượt người xem trên internet.

( http:/www.youtube.com/watch?v=Oaxf7txb-l4&feature=related

Theo AFP

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.