Vào nội dung chính
NGA - CHÍNH TRỊ

Về phong trào chống và ủng hộ Putin ở Nga

Tuần báo Courrier International, số 1112, tháng 02/2012 dịch và đăng lại bài của Stanislav Kouvaldine trên trang Expert.ru, nhan đề « Ông Putin thắt chặt mạng lưới quan hệ và huy động các trí thức ra sao ». Theo tác giả, do hoàn cảnh chính trị đặc biệt tại nước Nga, những người biểu tình chống Putin nhắm vào những gì diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống và muốn có tác động đến tiến trình thay đổi của đất nước. RFI xin giới thiệu. 

Một người tham gia cuộc biểu tình chống Putin, Matxcơva, 26/02/2012
Một người tham gia cuộc biểu tình chống Putin, Matxcơva, 26/02/2012 REUTERS
Quảng cáo

Chiến dịch tranh cử tổng thống 2012 diễn ra trong những hoàn cảnh không bình thường. Tại thủ đô, các cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người liên tiếp diễn ra. Các nhân vật thường được gọi là « các lãnh đạo phe đối lập ngoài hệ thống »  – đối lập không có đại diện tại Nghị viện, các phong trào hình thành từ xã hội dân sự mà mới gần đây vẫn còn bị gạt ra bên lề - được mời lên các đài truyền hình và ở đó, người ta để cho họ nói những gì mà họ thích hoặc gần như thế. Trong các cuộc tranh luận giữa các ứng viên vào vị trí tối cao (hoặc là giữa họ với các « sứ giả » của ông Vladimir Putin – ông Putin đã từ chối tranh luận với các đối thủ của mình với lý do lịch làm việc rất bận. 449 « sứ giả », xuất thân từ tầng lớp tinh hoa trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, thể thao, làm việc này thay ông ta), người ta nghe thấy vang lên những tuyên bố đủ loại dành cho số phận của hệ thống hiện nay nói chung và cho một số đại diện của chế này nói riêng.

Các ông Mikhail Prokhorov (cánh hữu cực tự do), Guennadi Ziouganov (đảng Cộng sản) và Serguei Mironov (đảng Nước Nga công bằng, trung tả) là ba trong số bốn ứng viên tổng thống, ngoài ông Putin ; họ trấn an với các cử tri tiềm tàng của mình rằng nếu giành được thắng lợi, họ sẽ không chiếm giữ chiếc ghế tổng thống trong suốt thời hạn sáu năm theo luật định (kể từ cuộc bầu cử tổng thống này, thời gian một nhiệm kỳ tăng từ bốn năm lên thành sáu năm và có thể được tái cử nhiệm kỳ thứ hai) mà họ sẽ rời khỏi chức vụ này rất sớm sau khi đã tái lập một tổng thể các quyền tự do và trao nhiều quyền hành quan trọng cho tân Nghị viện (được ra bầu hồi tháng 12 năm 2011).

Về phần mình, ông Putin thảo luận với các đại diện của mình, với các nhóm chuyên gia về chính trị, các tổ chức quan sát bầu cử (đương nhiên là không phải với tất cả các tổ chức này) và ông trình bày khá công khai quan điểm của mình về những vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt. Trên các tờ báo chính, ông đăng những bài viết nêu chi tiết những đường lối chính trong chương trình tranh cử của ông. Liệu điều này có tác động đến tình hình trước bầu cử hay không ? Trong những tuần qua, một số xu hướng không bình thường xuất hiện trong các tuyên bố của cử tri có thể mang lại một số yếu tố để trả lời câu hỏi này.

Không có giải pháp thay thế khả tín

Đối với Quỹ nghiên cứu công luận – FOP, tỷ lệ được lòng dân của ông Putin không ngừng giảm trong suốt năm 2011 và xuống tới mức thấp nhất là 42% vào giữa tháng 11/2011. Từ đó, tỷ lệ này lại tăng và lên tới 47% ngày 04/02/2012. Trung tâm nghiên cứu công luận cũng ghi nhận được xu hướng tăng lên và ngày 09/02, thì đưa ra con số 54% ý kiến ủng hộ. Đối với các ứng viên tổng thống khác, các con số này thay đổi rất ít, ông Ziouganov và ông Jirinovski vẫn giữ ở mức khoảng 10%, ông Mironov 5% và ông Prokhorov 4%. Quỹ nghiên cứu công luận FOP cũng đưa ra các con số tương tự, trừ trường hợp ông Serguei Mironov thì Quỹ cho rằng chỉ có 2% mà thôi.
Như vậy, ta có thấy là bối cảnh diễn ra chiến dịch vận động tranh cử này không hề có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ giữa các cử tri và các ứng viên. Việc tỷ lệ được lòng dân của ông Putin tăng từ từ trong lúc tỷ lệ của các ứng viên khác hầu như không nhúc nhích, do đó, cần phải được giải thích bằng các yếu tố khác.

Bình luận về tỷ lệ được lòng dân cao của thủ tướng, chủ tịch Quỹ nghiên cứu công luận FOP, ông Alexandre Oslon cho rằng không nên tìm cách gắn những con số này với một số sáng kiến gần đây của ông Putin. Lý do chính của việc tỷ lệ được lòng dân của ông Putin tăng lên dường như do thiếu vắng giải pháp thay thế khả tín. « Liên quan đến ông Putin, yếu tố quyết định là các cử tri tự hỏi liệu có ai khác, ngoài ông ta, có thể giữ chiếc ghế đó, và điều này mang lại ngay cho họ câu trả lời ». Theo chuyên gia này, quan hệ của cử tri với các ứng viên tùy thuộc vào một loạt các lý do phức tạp mà một trong những lý do đó là tính « nghiêm túc » của việc ra ứng cử của nguời này hoặc người kia.

Giữ một khoảng cách đúng mức với các hoạt động chính trị

Ông Valeri Fiodorov, tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu công luận, nhận định rằng các kết quả cuối cùng trong cuộc bỏ phiếu đối với các ứng viên thuộc phe đối lập sẽ cao hơn tỷ lệ được lòng dân hiện nay của họ : « Theo truyền thống, các ứng viên của đối lập thu được số phiếu cao hơn mức mà các thăm dò dư luận đã chỉ ra. Có rất nhiều giải thích. Một số người từ chối cho biết sự lựa chọn của họ khi người ta hỏi và những người trong độ tuổi trung niên, đông nhất trong số những người phản kháng thì ít được tính tới trong các cuộc thăm dò dư luận qua điện thoại, bởi vì họ rất hiếm khi ở nhà vào lúc người ta gọi điện thoại tới hoặc là họ không có thời gian để trả lời một cuộc thăm dò điều tra kéo dài nửa tiếng đồng hồ ».

Liên quan đến ông Putin, kết quả cuối cùng của cuộc bỏ phiếu có lẽ không cao hơn các thăm dò, bởi vì « nhóm cử tri vốn ủng hộ ông ta, nhất là các cử tri thụ động, có thể quyết định không đi bỏ phiếu, do vậy, ông ta sẽ không đạt được tỷ lệ phiếu bầu cao hơn mức dự báo ».

Trong lúc đó, chúng ta chứng kiến một hoạt động chính trị theo kiểu mới, được soạn thảo trên đường phố và dường như không có liên quan gì đến lịch trình bầu cử. Ngày 04/02, đúng một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, có hai cuộc biểu tình lớn ở Matxcơva. Một cuộc biểu tình kéo dài từ đại lộ Iakimanka đến quảng trường Bolotnaia để đòi có các cuộc bầu cử trung thực và một trong những khẩu hiệu là « Không bầu cho Vladimir Putin một phiếu nào cả ». Cuộc biểu tình kia, trên đồi Poklonnaia, có khẩu hiệu « Chúng ta sẽ bị mất rất nhiều ». Việc tính số người biểu tình, do các bên đưa ra một cách chính thức và không chính thức, dao động từ 35 000 đến 135 000 người, nhưng ai cũng đều thừa nhận là có đông người ở cả hai bên.

Bất luận thế nào, cần phải ghi nhận là tất cả những người tham dự biểu tình của phe đối lập không ở lại để nghe các phát biểu của những nhân vật được chờ đợi, không phải chỉ vì nhiệt độ hôm thứ bẩy đó (-25°C) mà còn bởi vì một số người không muốn nghe các diễn giả, họ chỉ quan tâm đến việc tham gia vào cuộc tuần hành, nơi mà mọi người đều bình đẳng với nhau. Hiện tượng này đã được quan sát thấy trong cuộc biểu tình đầu tiên (ngày 10/12/2011) : Phần diễu hành và phần diễn văn là hai thực thể tách rời nhau. Lần này, tất cả đã được tổ chức để người ta có thể tham gia diễu hành và không phải ở lại để nghe các bài diễn thuyết, mà không có cảm giác là phản bội lại sự nghiệp tranh đấu. Một điểm kỳ thú khác : Không có một ứng viên nào trong số các diễn giả. Ông Prokhorov đã tham gia diễu hành như một người biểu tình bình thường, ông Serguei Mironov thì không tới và tuyên bố rằng ông « chẳng có gì để làm » với những người theo chủ trương tự do hóa. Ông Alexei Navalny (viết blog và nổi tiếng đấu tranh chống tham nhũng), người có những tham vọng chính trị nào đó, thì cũng không đọc diễn văn. Do vậy, phong trào phản kháng trên đường phố muốn tránh hòa trộn với chiến dịch chính trị. Hoặc, chính xác hơn, phong trào này biết ông Putin nghĩ gì, nhưng cho rằng không cần thiết phải xác định lập trường của mình đối với các ứng viên khác.

Cuộc phản kháng còn là cảm tính và dừng lại ở mức người ta tin rằng cuộc bầu cử lập pháp là không chính đáng và các cuộc bỏ phiếu nói chung là như vậy. Trong tổng thể, những người phản kháng đều đồng thuận nói rằng những cuộc bầu cử được tổ chức như hiện nay tại nước Nga không phải là một phương tiện hoàn toàn chính đáng cho những ai ra ứng cử. Điều này cũng đúng với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và chắc chắn sẽ mang lại thắng lợi cho ông Putin. Vấn đề còn lại cần biết là liệu nhiều tầng lớp dân chúng có cùng trạng thái tinh thần này hay không. Bởi vì điều này sẽ góp phần quyết định diễn tiến đời sống chính trị. Đây cũng chính là thách thức đối với các nhà tranh đấu hiện nay.

Liên quan đến cuộc biểu tình ủng hộ Putin, các băng vidéo có thể xem được trên YouTube là bài diễn văn dậy lửa của các diễn giả nhưng không khơi dậy được một sự hứng khởi nào cả, trong lúc những lời kích động giương cao các khẩu hiệu thì vẫn chẳng có ai quan tâm hoặc chỉ có một phận hạn hẹp trong dân chúng nghe theo. Nói một cách khác, bản tổng kết cũng tương tự trong phe đối diện : Đó là hố ngăn cách giữa đám đông quần chúng và các nhân vật lên phát biểu trên diễn đàn. Nhưng trước khi thiết lập những sự tương đồng, cần phải nghiên cứu bản chất của hố ngăn cách này.

Cuộc biểu tình của những người phản kháng và cuộc tập hợp của những người ủng hộ Putin xuất hiện một cách khác nhau trên các mạng xã hội. Đối với phe ủng hộ Putin, người ta gần như không thể tìm thấy những bức ảnh, những suy nghĩ về sự kiện, những trao đổi về chủ đề này. Do vậy, có thể đưa ra hai giả thuyết : Hoặc những người biểu tình của phe này không phải là những người sử dụng nhiều các mạng xã hội, hoặc họ không có xu hướng coi việc đã tham gia vào cuộc meeting này như là một sự kiện gì đáng được nói đến một cách rộng rãi. Bất kể vì lý do gì, bức tranh này khác biệt hẳn với cuộc biểu tình của phe đối lập, được phát tán rộng rãi trên internet.

Cách thức huy động biểu tình cũng khác hẳn nhau. Ông Andrei Ilniski, thuộc Uỷ ban điều hành đảng Nước Nga thống nhất (đảng cầm quyền), phụ trách quan hệ với các hiệp hội, giải thích : « Chúng tôi có các thỏa thuận hợp tác với hơn bốn chục hiệp hội. Đương nhiên, chúng tôi đã gọi điện thoại đề nghị họ đưa người đến tham dự meeting. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tập hợp được khoảng 200 người, nhưng trước cuộc biểu tình một ngày, các cộng sự của tôi đã gọi điện cho tôi và nói là sẽ có 1500 người. Chính vì vậy, tôi đã hiểu rằng sẽ có đông người tham gia ». Trên internet, có thể đọc được nhiều nhân chứng ẩn danh khẳng định là người ta đã thúc ép họ tham gia biểu tình. Trong mọi trưòng hợp, đảng cầm quyền đã cho thấy là họ có thể, không vất vả lắm, tổ chức được một hành động của quần chúng, và đây là điều mới mẻ trong hoạt động chính trị của đường phố.

Theo các cuộc thăm dò của FOP, sự ủng hộ các cuộc biểu tình của những người phản kháng dường như đang xói mòn. Vào cuối tháng 12/2011, tỷ lệ này là 34%, còn hiện nay thì dưới mức 25%. Ông Alexandre Oslon có suy nghĩ về vấn đề này như sau : « Trước đây, khi được hỏi về mong muốn đi biểu tình, người ta đưa ra một câu trả lời mang tính lý thuyết. Hiện nay, người ta có thể nhìn thấy trên vô tuyến truyền hình cuộc biểu tình diễn ra như thế nào. Do vậy, có thể là nhiều người không muốn gia nhập vào các hoạt động rất cụ thể này ».

Về các bài viết trong đó ông Putin trình bày chương trình của mình, nhà phân tích chính trị Valeri Fiodorov không nghĩ rằng chúng có tác động thực sự đối với ý định bỏ phiếu : « Báo chí là phương tiện truyền thông thứ yếu và ngoài ra, những người đọc báo thường lại là những người chống ông Putin. Các bài viết này chỉ đơn thuần là một toan tính đưa cuộc tranh luận vượt ra ngoài logic tập hợp biểu tình của đường phố và hướng vào một bộ phận rất nhỏ trong xã hội ». Dù vậy, các bài viết này vẫn gây ra những phản ứng mạnh mẽ. Do đó, ông Putin đã cung cấp bằng chứng là ông có khả năng tiến hành chiến dịch vận động tranh cử với các chủ đề đa dạng, một phẩm chất nhằm khẳng định rằng ông ta vẫn là chính trị gia hàng đầu. Và đó là một trong những lý do mà nhiều người đã có sẵn câu trả lời cho câu hỏi : « Ai làm tổng thống nếu như không phải là Putin ? »

Ông Fiodorov dự báo tỷ lệ được lòng dân của ông Putin sẽ ra sao sau cuộc bầu cử tổng thống. « Ông ta đã đưa ra đủ các loại hứa hẹn và nếu ông ta quên đi sau cuộc bầu cử thì tỷ lệ được lòng dân của ông ta sẽ giảm ». Mục đích của những người tham gia biểu tình từ hồi tháng 12 năm ngoái đến nay là nhắm vào những gì sẽ diễn ra sau cuộc bỏ phiếu hơn là vào cuộc bầu cử tổng thống. Họ đòi có nhiều ảnh hưởng hơn đối với các tiến trình cần được thực hiện trong nước. Thậm chí khẩu hiệu một « Nước Nga không Putin » có thể nhất thời bị gạt sang một bên. Điều quan trọng, đó là phải biết xem, trong những hoàn cảnh hiện nay thì một « Nước Nga có Putin » sẽ như thế nào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.